Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong chuyển đổi số có tới 70% là thay đổi, còn 30% là công nghệ. Ở đó, người đứng đầu có vai trò quyết định sự thành công của công cuộc chuyển đổi số, không chỉ có nhiệm vụ chỉ đạo mà phải trực tiếp làm, trực tiếp dùng.
"Công nghệ số chỉ là công cụ hỗ trợ để thực hiện sự chuyển đổi. Chuyển đổi số là số hóa toàn diện và sau đó thay đổi cách vận hành của tổ chức. Nếu người đứng đầu mà không trực tiếp vào cuộc, không trực tiếp chỉ đạo, không trực tiếp làm, không trực tiếp dùng, không trực tiếp tự mình chuyển đổi thì sẽ không thành công", người đứng đầu ngành TT-TT chia sẻ tại buổi Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chuyển đổi số diễn ra mới đây.
Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường McKinsey về thành công chuyển đổi số tại các tổ chức cho thấy, sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu sẽ làm tăng mức độ thành công lên 1,6 - 1,8 lần. Mức độ thành công sẽ tăng lên 3,1 lần nếu có kế hoạch rõ ràng, mục tiêu cụ thể và người đứng đầu trực tiếp làm, trực tiếp sử dụng.
Việt Nam đã trải qua 4 năm tiến hành công cuộc chuyển đổi số. Do đó, về mặt công nghệ để thực hiện lộ trình này đến nay đều đã sẵn sàng, đạt được một số thành công bước đầu. Bộ trưởng cũng đánh giá sau 4 năm, Việt Nam đã đến "giai đoạn thu hoạch" nhưng vẫn đang "thành công lỗ chỗ". Những vấn đề cơ bản, thử nghiệm và nhân rộng đạt được kết quả, giờ là lúc để mỗi địa phương triển khai sâu hơn dựa trên đặc thù riêng từng nơi.
Lúc này, không còn mục tiêu chung cho toàn quốc mà sẽ đặt mục tiêu cho từng địa phương. Vị tư lệnh ngành cho rằng nếu trước đây mục tiêu chung cả nước là đến hết năm 2024 có 60% hồ sơ dịch vụ công của người dân được xử lý trực tuyến toàn trình, thì nay mục tiêu từng địa phương là tới hết năm, các tỉnh phải đạt tỷ lệ 60%. Qua đó, có thể đánh giá được từng địa phương cũng như người đứng đầu.
Theo Bộ TT-TT, về kết quả 4 năm thực hiện chuyển đổi số của Việt Nam, dựa trên đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đứng thứ 86/193; dịch vụ công trực tuyến xếp hạng 76/193 (tăng 5 bậc). Tuy nhiên, Chính phủ điện tử của Việt Nam đứng thứ 6/11 ở khối ASEAN (sau các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei và Indonesia), trong khi dịch vụ công trực tuyến đứng thứ 5/11 tại ASEAN (xếp sau Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm: năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đứng thứ ba và 2 năm tiếp theo 2022, 2023 đứng thứ nhất. Báo cáo của Google xác định kinh tế số Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28%, 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 xếp Việt Nam đứng hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ hai, Malaysia 29, Thái Lan 31. Về an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng.
Còn theo đánh giá của Việt Nam, chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI) tăng đều qua các năm, đến năm 2022 đạt 0,71 điểm; các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45 - 55%.
Bình luận (0)