(TNO) Hàng chục ngàn khán giả cùng hội ngộ trong đêm nhạc 13 năm tưởng nhớ Trịnh Công Sơn Những sớm mai Việt Nam, diễn ra tối 5.4, tại TP.HCM. Những ca khúc với “ca từ phù thủy” đã khiến dây tơ mỹ cảm của người nghe rung lên bần bật...
|
Với chủ đề Những sớm mai Việt Nam, gần 30 ca khúc xoay quanh thân phận tình yêu, con người và quê hương được 3 thế hệ ca sĩ trình bày, đã làm nên một đêm nhạc hoành tráng tại công viên Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM.
Ca sĩ Cẩm Vân là người tạo cho đêm nhạc nhiều cảm xúc nhất khi hát về... cái chết. “Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè, ngựa hồng đã mỏi vó, chết trên đồi quê hương...” những ca từ trong Xin mặt trời ngủ yên đã làm khán giả nhớ lại thời chiến tranh với những mất mát không thể nào quên.
Nhiều khán giả đã cùng lên sân khấu hát Huyền thoại mẹ với ca sĩ Cẩm Vân. Khi mà cảm xúc thăng hoa, Cẩm Vân hát tiếp Ca dao mẹ, nhiều khán giả lớn tuổi đã không giấu được những giọt nước mắt.
Trong chương trình, một đoạn audio ngắn ghi lại giọng nói của nhà văn Nguyễn Quang Sáng được phát lại khiến khán giả xúc động.
Theo đó, nhà văn Chiếc lược ngà (ông vừa mới qua đời), cũng là bạn thân của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhận xét: “Ca từ của Trịnh Công Sơn là ca từ phù thủy, bởi không giải thích được nên mới gọi là phù thủy. Người hát hát theo cảm xúc của mình, người nghe cũng nghe theo cảm xúc của mình. Với tôi, Trịnh Công Sơn là tâm hồn Huế, trí tuệ Huế của Việt Nam”.
|
Nhạc Trịnh rất trau chuốt ca từ. Viết về tình yêu thì lãng mạn bay bổng, viết về thân phận thì ngậm ngùi mà tỉnh táo...
Sự tỉnh táo trong cơn mê cảm xúc của người nhạc sĩ tài hoa cũng rất lạ. Quê hương trong chiến tranh được Trịnh Công Sơn mô tả rất cụ thể, đó là “đứa bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi”, đó là những “người già co ro”, những “hàng cây nghiêng”, những phận người đau đáu... (nhạc phẩm Người già em bé).
Nhưng dù quê hương trong khói lửa chiến tranh điêu tàn đến thế, trong Ta đã thấy gì trong đêm nay, Trịnh Công Sơn vẫn thấy “Mẹ già cười xanh như lá mới trong khu vườn/ Ruộng đồng Việt Nam lên những búp non đầu tiên/ Một đoàn tàu đi nhả khói ấm hai bên rừng/ Một đàn gà cao tiếng gáy đánh thức bình minh”.
Giữa những tao loạn thời cuộc, có được cái nhìn đầy hy vọng về hòa bình như vậy, chỉ có thể thoát ra từ một tấm lòng với tình yêu quê hương nồng cháy của nhà nhạc sĩ tài hoa.
Một chùm 3 ca khúc Người già em bé, Phúc âm buồn, Ta đã thấy gì trong đêm nay qua phần thể hiện của Đức Tuấn đã khắc họa được nỗi đau chiến tranh và viễn cảnh hòa bình đó.
Sau những giọng ca thế hệ đầu tiên như Khánh Ly, Thanh Thúy... thì những thế hệ thứ hai như Thanh Lam, Cẩm Vân, rồi thế hệ thứ 3 như Đức Tuấn, Tùng Dương, Đinh Hương, Hoàng Quyên đã và đang tiếp nối cùng gìn giữ những ca khúc quý báu mà nhạc sĩ đã để lại cho đời.
Đặc biệt, thế hệ thứ 4, những ca sĩ nhí như Thể Thiên, Thiên Thanh, Chi Giao, Thu Hà, Vũ Song Vũ, Trần Đàm Anh Phúc cũng là điểm nhấn trong chương trình lần này.
Diễm Út
Ảnh: Hà Phương
>> Em trai Trịnh Công Sơn nhớ kỷ niệm đấu võ
>> Huế thắp nến tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
>> Đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn tại Đà Nẵng
>> Những sớm mai Việt Nam' của Trịnh Công Sơn
>> 30.000 vé miễn phí cho 13 năm nhớ Trịnh Công Sơn
>> Nhiều hiện vật quý về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở về Huế
>> Điểm đến cho những người yêu Trịnh Công Sơn
>> “Cõi tạm” của Trịnh Công Sơn
>> Đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn
Bình luận (0)