Nghề dạy nghề
Cảnh sinh ra và lớn lên ở vùng đất Gia Lai. Anh có hơn 6 năm làm việc trong một tập đoàn lớn của Nhật ngay trên quê hương. Năm 2018, gia đình Cảnh gặp biến cố lớn, anh, vợ và con gái phải rời quê vào TP.HCM để làm lại từ đầu.
Anh làm việc qua nhiều vị trí từ giao nhận, sau đó là chăm sóc khách hàng cho một công ty nội thất cao cấp. “Hằng ngày, tôi tiếp xúc rất nhiều với khách hàng giàu và siêu giàu, tôi nhận thấy “nỗi đau” của họ khi sản phẩm nội thất đắt tiền cũng có thể bị trầy xước, ố mốc, bạc màu… Hầu hết khách hàng không biết cách chăm sóc sao cho đúng, đủ, đều để sản phẩm luôn bền đẹp. Hoặc nếu chỉ vì vài “tổn thương” nhỏ trên bộ sofa da, chiếc ghế da cũng có thể làm mất đi giá trị cả bộ ghế đắt tiền”, Cảnh nói.
Từ đó, Cảnh nghĩ sẽ phải làm gì đó mang dấu ấn cá nhân giúp khách hàng của mình có những giải pháp tối ưu cho đồ đắt tiền. Vậy là Cảnh khởi nghiệp với nghề vệ sinh, chăm sóc, sửa chữa những món đồ nội thất cao cấp.
Tận dụng kiến thức từ lúc còn làm công ty, anh đi học thêm, tìm tòi cách làm từ nước ngoài để áp dụng vào sửa chữa đồ da. Cảnh thực hiện táo bạo bằng cách sửa miễn phí các bộ sofa bằng da, loại đắt tiền. Thành công trong những lần sửa miễn phí đó, từ 1 đơn hàng rồi đến hàng trăm đơn hàng cứ tới tấp đến, thương hiệu khởi nghiệp Clean & Care của Cảnh từ đó ra đời.
Anh định hình phân khúc khách hàng chính là người giàu và siêu giàu. Giới thượng lưu ngày nay đang cần một chuyên gia đúng nghĩa để chăm sóc những món đồ đắt tiền, đó cũng là mục tiêu kinh doanh hàng đầu của anh. Anh tận tâm phục vụ, làm miễn phí cho họ, sau này có thương hiệu thì những khách hàng đầu tiên của anh cũng là những người giàu đó. Phương châm kinh doanh của Cảnh lấy chất lượng làm đầu, từ đó sẽ được quảng bá theo cách truyền miệng. Bên cạnh đó, anh mở rộng mối quan hệ với các cửa hàng sofa cao cấp, garage ô tô, các đơn vị bán hàng hiệu…
Hiện nay nghề chăm sóc cho du thuyền vẫn còn mới mẻ |
Cảnh cho biết con đường của người khởi nghiệp không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Khó khăn ban đầu anh gặp ở phần kỹ thuật, rất mất thời gian cho khâu tìm tòi cách pha màu; phải chấp nhận thất bại ở những khâu kỹ thuật lần đầu sửa chữa mới rút ra được bài học. “Quyết định sự thành công cho ngành chăm sóc đồ da là phần pha màu nhuộm nguyên bản, tinh tế ở mỗi đường nét. Nếu làm không khéo ở một điểm nhỏ sẽ dễ nhận thấy và mất đi giá trị của sản phẩm đó”, Cảnh cho biết.
Thành công với nội thất du thuyền, siêu xe
Hiện tại, ngoài chăm sóc sofa, anh còn thực hiện các sản phẩm hàng hiệu khác như túi xách, giày da, các sản phẩm cao cấp liên quan đến da… Mảng vệ sinh, sửa chữa bọc mới nội, ngoại thất được xem là không mới ở thị trường hiện nay. Tuy nhiên, bước đi khác và độc của Cảnh là ở thị trường ngách, nhỏ, ít doanh nghiệp nào theo đuổi. Đó là sửa chữa nội thất cho du thuyền, siêu xe.
Việc phục vụ cho phân khúc khách hàng này đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, chỉn chu, chuyên nghiệp, nâng niu sản phẩm của khách như của mình. Chăm sóc đồ xa xỉ đã khó, làm nội thất cho du thuyền còn khó hơn bởi những phương tiện này ít, có giá trị lên đến hàng triệu USD. Đây là chân dung khách hàng đang phục vụ, hiếm có đơn vị nào đảm trách việc đó, nếu chiếm thị trường hai phân khúc này anh sẽ đạt được các phân khúc khác. Đến hiện tại, Cảnh tự hào vì đã xây dựng được các quy chuẩn chăm sóc, bảo dưỡng độc quyền cho du thuyền và siêu xe.
Cảnh tự xây dựng đội ngũ, quy trình chăm sóc du thuyền |
“Làm nội thất cho siêu xe hay du thuyền đều cần sự tỉ mỉ, khéo tay tuyệt đối. Về siêu xe Rolls Royce, Porsche hay Ferrari…, những người chủ luôn chú trọng độ “zin” nội thất của sản phẩm, tất cả đều là hàng nhập từ châu Âu. Thay vì thay mới, người chơi xe luôn muốn giữ “zin” nội thất, và tôi đã đáp ứng được nhu cầu đó”, Cảnh nói.
Cảnh đến với chăm sóc nội thất du thuyền từ sự tình cờ. Lần đầu nhận du thuyền, Cảnh không chỉ chăm sóc đồ da mà còn đảm nhiệm thêm việc sửa gỗ, vải, và những linh kiện bên trong. Từ thành công với chiếc du thuyền đầu tiên, đến nay lần lượt các chủ du thuyền khác tìm đến.
“Chiếc du thuyền như một căn nhà, khi chăm sóc phải có quy trình chuẩn. Bên trong nội thất có nhiều vật liệu khác nhau, không thể dùng một mà nhiều nguyên liệu để làm mới nó. Mỗi chi tiết, vật liệu cần sửa đều phải có một chuyên gia”, ông chủ trẻ này cho biết.
Cảnh chia sẻ nghề chăm sóc nội thất da không chỉ giải quyết được sự khan hiếm của thị trường mà còn mang ý nghĩa tiết kiệm chi phí và bảo vệ động vật, bảo vệ môi trường. Việc sửa chữa các món đồ da sẽ giúp hạn chế đáng kể việc giết mổ động vật để lấy da dùng trong sản xuất. Đến hiện tại, Clean & Care đã được định giá trên dưới 15 tỉ đồng. Con số này bắt nguồn từ những tiêu chí như: mô hình kinh doanh, quy trình làm việc, bộ máy nhân sự, khách hàng tiềm năng, máy móc dung dịch hóa chất, số lượng lớn kỹ thuật viên lành nghề được đào tạo...
Mục tiêu ngắn hạn đến hết năm 2024 Cảnh sẽ mở được 15 chi nhánh, đại lý trên toàn quốc. Ngoài ra, ông chủ trẻ này ấp ủ có kế hoạch dạy nghề miễn phí cho những người khuyết tật, giúp họ có nghề và có thể tự nuôi sống bản thân từ nghề đó.
Bình luận (0)