“Phù thủy” trồng nhãn lồng Hưng Yên

21/08/2010 15:54 GMT+7

(TNTS) Những cao thủ tại xứ nhãn lồng Hưng Yên giờ đây được ví như “phù thủy” nghề vườn: Cả làng mất mùa, họ vẫn làm cho nhãn trĩu quả; trước đây mùa nhãn hơn 1 tháng, giờ họ có thể làm cho mùa quả kéo dài tới gần nửa năm.

Từ lâu Hưng Yên đã nổi danh với đặc sản nhãn lồng, thứ nhãn tiến vua có vị ngọt đậm đà, cùi dày, trắng đục bao bọc bên trong một hạt nhãn nhỏ xíu như viên ngọc trai đen. Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ngày nay, vùng trồng nhãn đã lan ra khắp tỉnh, từ Khoái Châu đến Tiên Lữ, Kim Động... Nhưng vùng đất tổ của nhãn vẫn là khu vực thành phố Hưng Yên, nơi có phố Hiến một thời sầm uất “thứ nhất kinh kỳ thứ nhì Phố Hiến”, nơi đây còn có cây nhãn tổ mà người dân trong vùng cho rằng tuổi của nó đã chừng 400 năm.

Mùa nhãn năm nay, chạy xe trên triền đê giữa cái nôi vùng nhãn, chúng tôi không thấy bạt ngàn những chùm nhãn gục đầu lúc lỉu, nhiều cây còn chỏng cành xanh rì trên nền trời xanh... thêm một năm nữa nhãn Hưng Yên mất mùa!

Sân của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hưng Yên cũng lòa xòa toàn nhãn, tán cây tròn trịa, thấp lúp xúp, quả vàng xanh trông cực thích mắt. Ông Ngô Hùng Mạnh, giám đốc sở cho biết: “Trong 2 năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường nên nhãn không được mùa, chỉ có một số ít gia đình có kỹ thuật canh tác tốt mới thắng lợi”.

Theo ông Mạnh, trên toàn tỉnh hiện có trên 3.000 ha đất chuyên canh trồng nhãn, năm được mùa có thể thu trên 40.000 tấn, nhưng năm nay có thể chỉ được trên 25.000 tấn. “Năm nay nhãn được giá lắm, có những gia đình như ông Cảnh ở Kim Đằng, bán nhãn từ tháng 5 âm lịch, giá tới 50-60.000đ/kg”, ông Mạnh cho biết.


Ảnh: shutterstock

Điểu khiển nhãn theo nhịp điệu... thị trường

Theo lời chỉ dẫn của ông giám đốc sở, chúng tôi về Kim Đằng, TP Hưng Yên gặp chủ vườn Nguyễn Văn Cảnh. Trái với hình dung của nhiều người về những cây nhãn cổ thụ cao hơn nóc nhà, thân nhãn to 1-2 vòng tay, tán xòa cả góc vườn, những cây nhãn thời hiện đại trông chẳng khác nào... bonsai, cây cảnh cổ. Mỗi gốc nhãn có chừng 5 - 6 thân đâm lên từ đất (không phải cành chĩa ra từ 1 gốc lớn). Thực ra phải gọi là cụm nhãn mới đúng, vì một cụm có 3 - 4 gốc mọc cách nhau 30 - 40 cm, trông như những thân phụ của gốc đa to, chỉ ở phần tán, cành, nhánh của các gốc mới quện lại làm một.  

Thấy tôi ngạc nhiên, anh Cảnh vừa kéo chùm nhãn màu nâu vàng tươi rói, vừa giải thích: “Theo sự hướng dẫn của Sở Khoa học công nghệ, Trung tâm khuyến nông của tỉnh, bây giờ đa phần các gia đình đã thay thế nhãn trồng hạt bằng trồng cành, mắt ghép. Chúng tôi thường trồng 5 - 7 cành, sau đó mới bấm, tỉa chọn những cây tốt để tạo tán cho mỗi cụm như thế này”.


Các điểm bán “xịn” được treo biển để giúp khách tránh mua phải nhãn lồng... Trung Quốc - Ảnh: H.M

Với 10 năm trong nghề, hiện anh Cảnh có hơn 1 ha nhãn gồm các loại đặc sản như Hương Chi, nhãn Đường phèn, nhãn Tiêu phèn... Trồng nhãn chuyên canh trên diện tích lớn, vài năm trước anh Cảnh đã thấm bi kịch nhãn được mùa thì rớt giá, nhãn được giá thì mất mùa. Vài năm trở lại đây, anh nổi danh là một trong những bậc thầy làm nhãn sớm, nhãn muộn. Năm nay, anh bán 2 tấn nhãn đầu mùa với giá 55.000 đ/kg.

“Chúng tôi thường rải vụ, chia thành các trà nhãn sớm, nhãn chính vụ và nhãn muộn. Trước đây, thường nhãn chín ồ ạt vào khoảng 20.6, kéo dài đến hết tháng 7 âm lịch, thời gian chỉ hơn một tháng. Bây giờ chúng tôi kéo dài vụ nhãn từ tháng 5 âm lịch đến hết tháng 8, tức là khoảng 4 tháng”, anh Cảnh chỉ vào một chùm nhãn quả mới bằng đầu đũa: “Đây là trà nhãn muộn, trà này đến rằm Trung thu mới được hái”.

Bí quyết của anh Cảnh là điều chỉnh thời gian ra lộc thu, thời gian ngủ đông hay ra hoa, kết trái theo ý mình. Nếu muốn nhãn ra sớm thì từ rằm tháng 9 âm lịch phải xử lý chăm cây, kích thích thì đến tháng 5 năm sau sẽ được thu quả. Nếu muốn ăn nhãn muộn, gần tháng 12 mới bắt đầu xử lý.

Vũ khí bí mật chống lại thời tiết

Cây nhãn tổ không ra quả


Cây nhãn cổ tương truyền tuổi đời 400 năm được dựng bia trong chùa Hiến

Một điều khá thú vị là cây nhãn tổ ước tính tuổi đời trên 400 năm được trồng trong sân chùa Hiến năm nay không ra quả. Thân chính đã bị đổ, cây hiện nay là một mầm nhánh mọc lên từ gốc nhãn trăm tuổi. Một lão nông có kinh nghiệm trồng nhãn ngót nghét 50 năm giải thích, do đất dưới gốc cây đổ quá cao, rễ cây không được thở nên không ra quả.

Nguồn gốc tên nhãn lồng

Có rất nhiều cách giải thích về nguồn gốc của từ nhãn lồng. Ngày xưa để tránh dơi và các loại côn trùng phá hoại, người trồng nhãn đan những chiếc lồng bằng tre bao bọc chùm nhãn; Hay tương truyền rằng, để kịp mang sản vật lên dâng vua cho kịp giờ, người dân đã phải quất ngựa lồng nên để phi thật nhanh; Có cách giải thích khoa học hơn, do nhãn Hưng Yên có cùi rất dày và các múi được xếp lồng lên nhau, bóc từng lớp một để ăn, vì thế nên gọi nhãn lồng.

Hầu như các nhà vườn đều than thở: Thời tiết bây giờ biến đổi quá bất thường, năm ngoái mùa đông không lạnh, có nhiều ngày trời ấm, thậm chí còn có mưa nên cây vẫn đâm lộc, phát triển ầm ầm thay vì ngủ đông như chu kỳ sinh trưởng.

Ông Nguyễn Văn Minh, chủ vườn có tới 40 năm trồng nhãn ở thôn Lê Như Hổ, xã Hồng Nam, TP Hưng Yên nói: “Thời kỳ ngủ đông của cây rất quan trọng, nếu mùa đông ấm, có nồm nam nhiều, có mưa thì lá sẽ phát triển, hoa sẽ ít. Để chống lại thời tiết bất lợi, chúng tôi phải theo dõi rất kỹ và có dự đoán tốt về biến động nhiệt độ, mưa, nắng. Nếu mùa đông ấm, chúng tôi hãm thuốc, tiện khoanh vỏ ở cành, chặt rễ, che bạt ở gốc, không cho nước thấm xuống rễ cốt để cho cây... nhịn đói, tạm dừng thời kỳ sinh trưởng, có như thế thì vụ sau mới cây mới ra hoa”.

Thấy cây ra hoa rồi nhưng chưa chắc đã được ăn, vì nếu gặp mưa đúng lúc cây ra hoa thì coi như công cốc vì hoa không thể thụ phấn, đậu quả. Đối phó với tình huống này, “phù thủy” nhãn Nguyễn Văn Cảnh cười khà khà: “Khi ra hoa mà gặp mưa, thời tiết bất thường là một thách thức rất lớn. Chúng tôi phải bám vườn từng giờ, từng ngày, để vừa nắm tình hình thời tiết, vừa nhìn hình thái của hoa. Nếu nghe dự báo biết khoảng 1 tuần nữa sẽ có gió mùa, sẽ có mưa, trong khi nụ hoa đã chúm chím sắp nở, chúng tôi dùng dao tiện khoanh vỏ để hãm cho hoa không bung đúng vào đợt mưa”.

Những cao thủ trồng nhãn còn có thể chọn loại nhãn cho phù hợp với vị giác của khách. “Nhãn ngọt nhất vào từ nước 2 đến nước 3 (mỗi nước cách nhau 1 tuần) sẽ cho vị ngọt sắc, nhưng nếu để quá một chút, vị ngọt sẽ giảm đi. Do đó, nếu khách thích độ ngọt sắc hay man mát, chúng tôi sẽ chiều ý khách như vậy”, ông Cảnh nói.

Ngoài lựa thời điểm thu hoạch, theo ông Cảnh, hiện nay xu hướng người thành phố không thích ăn ngọt, ông còn điều chỉnh bằng chế độ chăm sóc để giảm độ đường trong quả. “Nếu bón ít ka-li có thể giảm độ đường trong quả. Dù là cùng một loại nhãn, cùng một vườn nhưng chúng tôi có thể điều chỉnh với độ ngọt ở mỗi cây khác nhau”, ông Cảnh nói.

Với 40 năm trồng nhãn, ông Nguyễn Văn Minh còn có thể cho lai, ghép để tạo ra các dòng nhãn có độ ngọt và hương vị khác nhau. Trong vườn nhà ông có cả loại nhãn quả to, cùi dầy độ ngọt vừa phải, hay ngọt sắc. Người thích nhãn cùi khô, bóc không ướt tay sẽ có loại nhãn cùi, ai thích ăn ướt môi, đọng lại cả thứ nước đường tinh túy nằm giữa cùi và vỏ, ông cũng có những loại Hương Chi đặc chủng.

“Những nhà vườn như chúng tôi bây giờ có thể chủ động từ giống đến các khâu chăm bón, điều chỉnh thời vụ... nhưng cái khó nhất vẫn là thương hiệu. Nếu chỉ mình nhà tôi làm nhãn ngon thì vẫn chưa đủ làm nên thương hiệu cho cả một vùng. Nếu vài nhà làm tốt vẫn chưa đủ khi mà có người còn mang nhãn từ nơi khác về Hưng Yên giả làm nhãn lồng Hưng Yên bán cho khách. Chúng tôi rất mong cùng góp sức với cơ quan khoa học, ngành nông nghiệp để phát triển nghề trồng nhãn đặc sản. Chỉ khi có một vùng nhãn ngon trên quy mô lớn, được quảng bá tốt thì đông đảo người dân mới có thể giàu nhờ thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên đã nổi danh vài trăm năm nay”, ông Minh bày tỏ.

Káp Long - Hồng Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.