'Phù thủy' vẽ tranh

18/06/2016 09:45 GMT+7

Phạm Hồng Minh trở thành hiện tượng khi lần lượt phô diễn tài nghệ phóng hỏa, tạt nước, tung kim tuyến... đều thành tranh.

Vẽ Beethoven bằng cách... tạt nước
Còn nhớ, trong chương trình Tìm kiếm tài năng Việt 2013, có một anh chàng đã phù phép những lớp kim tuyến lấp lánh thành nghệ sĩ Thành Lộc, tiếp đó là đốt cháy những lớp màu để tạo ra bức chân dung nhạc sĩ Huy Tuấn. Kể từ đó, người ta biết đến anh là “phù thủy” vẽ tranh Phạm Hồng Minh.
Không chỉ dừng lại ở đó, với Minh, mỗi ngày là một sáng tạo. Hiện nay Minh đã sở hữu kho tàng tác phẩm với nhiều những thể loại khác nhau do Minh tự sáng tạo như: tranh trên kính, tranh ghép, tranh lồng nhau, tranh ngược, tranh hiện hình, dạ quang...
“Với tranh lồng nhau thì mình sẽ có 2 phần tranh khác nhau, một phần trong suốt vẽ trên kiếng và một phần tranh bình thường. Ví dụ phần kiếng mình vẽ miệng còn phần kia mình vẽ mắt, mũi... rồi lồng vào nhau sẽ tạo được một bức tranh hoàn chỉnh. Còn tranh hiện hình thì người vẽ đứng phía sau bức tranh và khán giả không hề nhìn thấy. Khi vẽ, nét màu thấm vào lớp vải và hiện lên bức tranh phía trước”, Minh giải thích thêm về cách anh tạo ra các bức họa mang phong cách riêng của mình.

tin liên quan

Cô gái tô lại sắc hồng cho cuộc sống
Với nhứng nỗ lực không mệt mỏi trong hoạt động vì bệnh nhân ung thư vú, Nguyễn Thủy Tiên đã lọt vào Top 30 gương mặt trẻ dưới 30 tuổi nổi bật của Việt Nam năm 2016 (30 Under 30) do Forbes bình chọn.
Với tranh lửa, trên sân khấu khi xuất hiện chỉ có một khung tranh trống, trong vòng 1 - 2 phút sau những nét vẽ nguệch ngoạc, những mảng màu tưởng chừng như vô nghĩa, thì đến phút cuối, Minh luôn làm người xem ngơ ngác, sửng sốt với màn bật que diêm đốt bức tranh. Và rồi trong làn khói mờ ảo, chân dung nhân vật dần dần hiện ra.
Gần đây nhất là tác phẩm Beethoven được vẽ bằng nước. Người xem không thể nào tin nổi vào mắt mình khi Minh liên tục quệt những nét vẽ “không đâu vào đâu” lên tấm toan rồi bỗng dưng tạt nước xối xả. Sau khoảnh khắc ấy, tác phẩm hội họa mới thật sự hiện ra. “Sau khi mình vẽ thành công thể loại tranh bằng lửa thì mọi người lại trêu thế có vẽ tranh bằng nước được không? Thế là mình bắt tay vào nghiên cứu để tìm ra cách thực hiện tranh tạt nước”, Minh nói.
Không được sai sót
Cái tên Phạm Hồng Minh được biết đến nhiều không chỉ nhờ khả năng sáng tạo độc đáo mà còn vì anh dám mang loại hình này lên sân khấu, biểu diễn trực tiếp trước hàng ngàn khán giả. “Ngày xưa cũng ở nhà vẽ nên mình hiểu cảm giác khi vẽ ra một bức tranh mà không ai biết đến. Hoặc có thì cũng chỉ quanh quẩn trong những đứa bạn rồi gia đình, người thân của mình. Từ khi biết được trên thế giới có hình thức biểu diễn tranh thì mình cũng muốn thử sức và chinh phục”, Minh chia sẻ.
Chính vì thế, Minh đã tham gia cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt 2013 và được vào chung kết, lúc đấy Minh đang học năm 2 Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Năm 2014, Minh giành giải quán quân chương trình Bạn có thực tài, từ đấy bén duyên nghiệp diễn trên sân khấu.
Khi mang loại hình này lên sân khấu, Minh chịu rất nhiều áp lực. Để có được những tác phẩm kỳ lạ chỉ mất 1 hoặc 2 phút biểu diễn mà làm khán giả phải ồ lên thích thú, Minh đã phải tập luyện và nghiên cứu rất nhiều. “Ở nhà có thể vẽ hư rồi vẽ lại, còn lên sân khấu thì tuyệt đối không được có một sai sót nào dù là nhỏ nhất. Mình luôn phải tính toán kỹ lưỡng từ trước. Những nét màu phải đi đúng, chính xác từng chi tiết thì khi tạt nước hay đốt cháy, tranh mới có thể hiện lên đúng ý mình được”, Minh nói.
Chất liệu là điều Minh quan tâm đầu tiên, bởi đây là yếu tố quyết định đến sự thành công của một tác phẩm tranh khi biểu diễn trên sân khấu. Như với tranh lửa, chất liệu nền của bức tranh phải không được cháy. Lúc đầu Minh thử trên rất nhiều chất liệu như giấy, ván... nhưng đều cháy và bị cong. Cuối cùng Minh đã tìm được chất liệu vải toan. Tuy nhiên, không đơn giản chỉ có vậy, ngoài chất liệu nền không cháy ra thì Minh còn phải chọn chất liệu để làm sao khi cháy phải “nghệ thuật”, tức là phải bùng cháy, tạo được hiệu ứng có tính cao trào.
Còn với tranh kim tuyến, Minh mày mò rất nhiều loại kim tuyến khác nhau để làm sao khi bung lên là bức tranh phải bừng sáng. Có những loại kim tuyến thì bay màu quá nhanh, còn có loại bung lên thì bị dính keo và vì thế không thể làm cho bức tranh hiện ra được.
Bên cạnh đó, khi biểu diễn vẽ một bức tranh trên sân khấu thì phải kết hợp được với âm nhạc và ngôn ngữ hình thể. “Tất cả đều phải chính xác về mặt thời gian, khi nhạc hết là tranh cũng phải hoàn thành. Hay lúc nhạc cao trào cũng là lúc bức tranh phải đi đến hồi gay cấn”, Minh nói.
Phạm Hồng Minh cũng vừa tung ra một MV (video âm nhạc) kỷ niệm 4 năm trong nghề biểu diễn tranh của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.