“Phu” xà bần

30/07/2013 10:41 GMT+7

Họ là những người nông dân chân chất ra thành phố kiếm sống bằng đủ thứ nghề lương thiện, kể cả hốt - đổ xà bần.

“Phu” xà bần

Công việc nặng nhọc hằng ngày của “phu” xà bần - Ảnh: N.S.H

1 Cà phê xong, trời vừa sáng tỏ, hai anh trung niên nhảy lên chiếc Honda 50 rời làng. Trên xe, người ngồi sau vác hai chiếc xẻng. Sau lưng lủng lẳng chiếc búa tạ, chai nước chè xanh, cà-men cơm và hai chiếc áo mưa. Người lái xe tên Tùng từng nói đùa về chiếc xe của mình: Con 50 ni cái gì cũng kêu, chỉ trừ cái…còi! Có lần anh kể bị CSGT gọi lại phạt, anh đưa tay xin anh cảnh sát 10 ngàn để về xe ôm, còn “cái ni gởi lại anh, chớ tui không có tiền phạt!”. Anh cảnh sát nhìn bộ tịch xơ xác của Tùng lẫn chiếc xe, không nhịn được cười, chỉ nhắc nhở đôi câu và cho đi! Vậy mà con 50 ni đã theo chủ nó hơn chục năm nay, khắp các công trình xây dựng ở Đà Nẵng, như lời Tùng kể. Còn người ngồi sau là Ổi, nông dân chính hiệu. Mùa rồi làm ba sào lúa, vài ngàn cây thuốc lá. Thuốc lá vừa phơi xong, bó lại gác trên rầm nhà lại lao xuống ruộng gặt, phơi, vô bao. Mồ hôi chưa khô đã vác xẳng theo bạn ra phố. Năm nào cũng vậy, Ổi kể với tôi, vài trăm ký lúa chỉ đủ gạo cho 5 miệng ăn. Ba trăm ký thuốc lá khô bán xong, trừ tiền phân tro, giống má, thuê đất… cũng dư mua vài chỉ vàng để dành “sau này lo vợ con cho ba thằng nhỏ”. Cả Tùng và Ổi đều cho biết, ở cái xứ nông thôn ngoại ô này, tất tần tật chi phí cho con cái đi học, tiền áo quần, thuốc men, giỗ chạp, đám cưới, đám ma… đều nhờ vào công xá kiếm được sau những ngày làm phụ hồ! Nhưng phụ hồ vất vả lắm, mỗi ngày kiếm được chưa đầy hai trăm nhưng giờ giấc nghiêm ngặt. Ăn tiêu, xăng nhớt xong còn trăm rưỡi. Bình quân tháng làm 20 ngày…vị chi… Nay thì bọn họ tìm được mối hốt, xúc xà bần, nên trông “thong thả” ra phết! 

2 Một hôm đi phụ hồ về gặp mưa, Tùng đứng nói chuyện với anh bạn Xuân ở làng bên, anh ta rủ Tùng nhập bọn đi xúc… giả hạ. Nghĩa là ai làm nhà, gạch bể, bê tông, vôi vữa đổ ra lộn xà bần, được dân gian gọi là giả hạ. “Nói chữ là xà bần và bọn em tự xưng là…phu xà bần cho nó oai!”, Tùng chua chát kể. Từ hôm Ổi xong việc đồng áng nhập vào, cả bọn được 5 người. Cứ mỗi sáng hẹn gặp nhau ở bờ hồ đường Hàm Nghi, lúc ngồi ở trạm chờ xe buýt, lúc ghé quán cà phê vỉa hè và chờ... điện thoại của Xuân. Anh ta chạy chiếc 67 loanh quanh hoặc gọi vài cuộc điện thoại. Đầu mối của nhóm là các lái xe tải loại nhỏ, mui phủ bạt thường lân la với các chủ thầu, các công trường xây dựng khắp các quận, huyện... Đà Nẵng bây giờ ở đâu cũng xây dựng, nên xà bần ở đâu mà không có! Xà bần không được đổ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Thế là có một dịch vụ mới: Xúc, dọn, chở đi đổ ở những nơi được phép nào đó. Có những nơi người ta xây dựng trong xóm, lại phải có thêm nhóm xe bò kéo ra đường phố. “Nhưng bọn em chỉ biết xúc và xúc! Những khâu còn lại là của các đối tác khác!”, Ổi chen vào.

Giá bữa nay, nghe đâu tiền xe chở đi đổ là 150 ngàn/4m3. Tiền xúc lên xe 90 ngàn. Trừ 10 ngàn cho thằng Xuân chạy mối (xăng cộ, điện thoại), còn lại vẫn chia làm 5, nghĩa là nó không xúc nhưng vẫn có phần, đã thỏa thuận vậy! Bình quân mỗi ngày cũng kiếm được hơn 200 ngàn. Có hôm khá hơn chút đỉnh. Lại có hôm cả bọn “trúng mánh” nhờ tận thu được ít sắt thép còn lại trong bê tông, cũng kiếm đến hơn 500!

3 Tùng luôn kể những chi tiết hay: Nhưng cũng có bữa uống một ngày đến 3, 4 cử cà phê mà chẳng thấy mối đâu! Đến gần chiều tối, thằng Xuân lại gọi có hàng tuốt bên Sơn Trà. Phải phóng Honda cả chục cây số qua làm. Những bữa như rứa đến 10 giờ tối mới về đến nhà, không kịp đi kiếm ly rượu thuốc giải mỏi! Uống vừa thôi để còn tiền đổi cái xe khác thay cho thằng Cup 50 này chớ, tôi nói với Tùng. “Có thể đổi được, nhưng vợ em biểu cũng phải giữ lại để tặng cho bảo tàng…!”, Tùng lại nói vui.

“Phu xà bần” luôn mang theo cà-men cơm và chai nước chè xanh chuẩn bị sẳn ở nhà để sẳn sàng chiến đấu. Cơm quán lề đường có chỗ cũng rẻ nhưng chưa chắc vừa miệng. Đi từ mờ sáng và quay về nhà có lúc không nhìn rõ mặt con. Vất vả để ra phố cách nhà vài chục cây số mưu sinh những lúc không ra đồng, đối với họ là cần thiết.

Ở một thành phố năng động, hướng đến mục tiêu môi trường sạch đẹp như Đà Nẵng, họ là một lực lượng lao động không thể thiếu. Họ chính là những người thầm lặng góp phần công sức để xây dựng hình ảnh Đà Nẵng - thành phố môi trường.

Nguyễn Sông Hàn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.