Sáng 27.9, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh đi kiểm tra công tác ứng phó bão Noru (bão số 4) tại các khu vực ven biển.
Siêu bão lịch sử Noru sẽ quần thảo 10 - 12 tiếng trên đất liền Việt Nam |
Đoàn công tác đã kiểm tra công tác chuẩn bị, triển khai phương án ứng phó bão số 4 ở các khu vực dân cư ven biển, khu neo đậu tàu thuyền, khu vực nuôi trồng thủy sản (NTTS) và một số điểm, khu vực xung yếu… ở TX.Sông Cầu và H.Tuy An.
Sơ tán toàn bộ người trên các bè vào bờ trước 16 giờ ngày 27.9
Theo UBND TX.Sông Cầu, trên địa bàn thị xã hiện có hơn 965 tàu cá đã được tổ chức, hướng dẫn vào các khu neo đậu an toàn.
Ngoài tàu cá, TX.Sông Cầu hiện có khoảng 4.765 hộ nuôi trồng thủy sản với gần 2.000 bè nổi. Các chủ lồng, bè đã triển khai chằng néo, gia cố ngay tại vị trí nuôi, đồng thời thả trệt lồng nuôi xuống sát đáy để tránh gió, nước lũ và sơ tán toàn bộ người trên các bè vào bờ trước 16 giờ ngày 27.9.
Người dân ven biển Phú Yên chằng chống nhà cửa |
NHƯ QUỲNH |
Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX.Sông Cầu, cho biết: “Thị xã đã tổ chức lực lượng biên phòng, công an, kiểm ngư để di chuyển bà con ngư dân vào bờ đảm bảo an toàn, không để người dân nào ở lại trên bè”.
Xã Xuân Hải (TX.Sông Cầu) là khu vực dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi bão số 4 đổ bộ. Chính quyền địa phương đã lên phương án, thường xuyên theo dõi, kiểm tra để đảm bảo an toàn cho người dân.
“Đối với xã Xuân Hải, khu vực dọc thôn 2, thôn 3 đã chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn cho người dân. Riêng đối với khu vực gần bờ, khi mưa to gió lớn sẽ tiến hành di chuyển người dân vào nơi trú ẩn an toàn”, ông Huy nói.
Tàu thuyền đã được tập kết vào bờ để tránh bão số 4 |
NHƯ QUỲNH |
Trên địa bàn H.Tuy An hiện có hơn 650 tàu, thuyền và đã được di chuyển vào bờ, hiện có 84 tàu cá với 420 lao động đang hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển. Tất cả chủ các phương tiện này đều nhận được thông tin về tình hình diễn biến cơn bão số 4, đã chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, thường xuyên liên lạc về gia đình và Đồn biên phòng An Hải.
Đã sẵn sàng phương án sơ tán dân
Trên địa bàn H.Tuy An còn có khoảng 75 ha nuôi trồng thủy sản với hơn 740 lồng (125 bè nổi) của 216 hộ nuôi trồng thủy sản. Các địa phương trên địa bàn huyện đã hướng dẫn người dân các biện pháp chằng néo, chống trôi dạt đối với lồng, bè và hướng dẫn thả trệt lồng nuôi xuống sát đáy để đảm bảo an toàn.
H.Tuy An cũng đã sẵn sàng phương án sơ tán dân, trong đó dự kiến sẽ sơ tán khu vực ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng gió bão và nước biển dâng với khoảng 295 hộ (855 người); sơ tán dân ở có nguy cơ ảnh hưởng lũ, ngập lụt khoảng 820 hộ (2065 người) và sơ tán dân ở khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất với khoảng 55 hộ (175 người)…
Noru và các cơn bão được đặt tên như thế nào? |
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đã yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra, chủ động sẵn sàng các phương án ứng phó, nhất là phương án neo đậu tàu thuyền tại các khu neo đậu; hướng dẫn gia cố chằng néo lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn về người, tài sản; vận động người dân thu hoạch sớm sản phẩm sản xuất nông nghiệp, thủy sản… nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra.
“Để bà con không phải hoang mang trước tình hình mưa bão, chúng tôi sẽ liên tục cung cấp đầy đủ những thông tin về đường đi cũng như mức độ ảnh hưởng của bão. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ bố trí lực lượng, thường xuyên theo dõi sát các khu vực triều cường”, ông Thế nói.
Hiện nay, thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) đang xả lũ với 2000 m3/s. Để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra, thủy điện Sông Ba Hạ cũng như các hồ thủy lợi khác sẽ thường xuyên thông tin đến người dân và xây dựng hệ thống trực tuyến, kịp thời điều chỉnh, đảm bảo an toàn cho người dân.
Bình luận (0)