Quá bức xúc vì phải bỏ tiền mua "nước sạch" nhưng được bán "nước bẩn", người dân thôn Thạnh Đức nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Đặc biệt, vào mùa mưa, người dân không dám dùng "nước sạch" do mình bỏ tiền ra mua để nấu ăn, uống...
Công trình nước sạch xuống cấp trầm trọng
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên ngày 14.9, nước sạch cấp cho người dân thôn Thạnh Đức có màu vàng đục, cặn bùn và mùi hôi. Nguồn nước này do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên cấp đến các hộ dân bằng đường ống, người dùng phải trả tiền với giá 6.000 đồng/m3.
Theo người dân, chỉ cần một cơn mưa xuống thì ngày hôm sau nước sạch sẽ chuyển màu vàng đục. Nước xả ra xô, chậu hay thau để một đêm sẽ lắng đọng một lớp cặn bùn. Tình trạng này khiến người dân rất bức xúc vì cho rằng nước sạch nhưng đục, nhiều người không dám dùng để nấu đồ ăn, uống...
Anh Trần Nhật Ti (39 tuổi, ở thôn Thạnh Đức) cho biết, những ngày gần đây, nguồn nước sạch ở địa phương rất đục, "đục như nước sông". "Nhìn nước như thế này mà bảo nước sạch đã qua xử lý thì chẳng ai tin. Tình trạng này không phải mới một hai ngày mà đã kéo dài rất nhiều năm rồi. Người dân nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương mong giải quyết sớm nhưng đến nay vẫn phải bỏ tiền đi mua nước bẩn", anh Ti nói.
Bà Huỳnh Thị Lan (67 tuổi, ở thôn Thạnh Đức) cũng rất bức xúc: "Cứ chiều nay mưa thì kiểu gì hôm sau nước cũng đục ngầu. Nhiều năm nay vẫn cứ như vậy. Đến mùa mưa, chúng tôi phải hứng nước mưa hoặc dùng nước giếng chứ chẳng mấy ai dùng nước sạch để nấu ăn, uống. Tiền nước chúng tôi đóng đầy đủ không thiếu đồng nào mà sao cứ mãi chịu cảnh này?".
Theo ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên, công trình nước sạch phục vụ người dân thôn Thạnh Đức được đưa vào sử dụng từ năm 2009, với công suất 300 m3/ngày, hút nước trực tiếp từ sông Kỳ Lộ, thông qua các bước xử lý sẽ truyền tải nước sạch về cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng, công trình đã xuống trầm trọng.
"Sau những cơn mưa, nước đầu nguồn về rất bẩn, chúng tôi đã xử lý lọc rất chậm từ 300 m3/ ngày xuống còn khoảng 150 m3/ ngày. Tuy nhiên, với hệ thống xử lý thô sơ cách đây 15 năm thì lọc như vậy là đã hết sức rồi", ông Như nói.
Đến khi nào dân mới có nước sạch ?
Không chỉ đối mặt với tình trạng nước sinh hoạt bị bẩn, người dân thôn Thạnh Đức còn phải chịu cảnh chia nhau nước để dùng, thậm chí là bị cắt nước sạch dài ngày.
"Hiện chúng tôi vẫn dùng nước theo giờ, mỗi ngày họ chỉ cấp nước 1 lần khoảng 2 tiếng đồng hồ, không có giờ giấc cố định, khi thì có nước vào buổi sáng, lúc thì buổi chiều, thậm chí là buổi tối. Vào mùa khô, chúng tôi thường xuyên bị cắt nước nhiều ngày mới có lại. Dân ở đây cũng quen rồi nên nhà ai cũng mua sẵn xô chậu để trữ nước. Nước sinh hoạt 4 - 5 ngày mới có một lần thì sao mà sống nổi", bà Huỳnh Thị Lan nói.
Nhiều năm qua, người thôn Thạnh Đức buộc phải sử dụng nước giếng để sinh hoạt, dẫu biết rằng nước giếng không đảm bảo vệ sinh vì gần chuồng gia súc, gần đồng ruộng, có nguy cơ mạch nước ngầm bị ngấm thuốc bảo vệ thực vật...
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần phản ánh về vấn đề thiếu nước sạch, nước sạch không đảm bảo chất lượng... Chính quyền địa phương cũng đã có văn bản kiến nghị cấp trên nhưng vẫn chưa được giải quyết.
"Để khắc phục, UBND H.Đồng Xuân đã có văn bản kiến nghị gửi UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT đấu nối đường ống cấp nước công trình nước sạch xã Xuân Quang 2 đến Trạm cấp nước sinh hoạt tập trung thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 phục vụ nước sinh hoạt cho người dân người dân", ông Trần Quốc Huy, Phó chủ tịch UBND H.Đồng Xuân, nói.
Bình luận (0)