Phú Yên: Nước thải nuôi tôm bức tử bãi biển Phước Đồng

Đức Huy
Đức Huy
20/04/2020 09:46 GMT+7

Nước thải từ những hồ nuôi tôm trên bờ thải trực tiếp ra vùng thôn Phước Đồng xã An Hòa Hải, huyện Tuy An (Phú Yên) khiến vùng biển này đang bị bức tử từng ngày.

Liên quan đến vụ nước thải nuôi tôm bức tử bãi biển Phước Đồng (huyện Tuy An, Phú Yên), sáng 20.4, bà Lê Đào An Xuân , Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Phú Yên, cho biết sau khi lấy mẫu nước, cơ quan chức năng đã gửi mẫu để kiểm nghiệm, giám định, đang chờ kết quả để có căn cứ xử lý.

Nước biển thành màu đen

Hai doanh nghiệp bị phạt vì xả thải gây ô nhiễm năm 2019, nay tiếp tục vi phạm

Trước đó, sáng 18.4, người dân ở thôn Phước Đồng, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An (Phú Yên) phát hiện 2 doanh nghiệp đang xả thải trực tiếp ra môi trường nên đã phản ánh với PV Thanh Niên.
Để tiếp cận miệng ống xả thải ra biển, PV Thanh Niên đã men theo dọc bãi biển thôn Phước Đồng. Đến khu vực ống xả thải của Công ty TNHH thủy sản Trường Hải, mùi hôi thối xông thẳng vào mũi, trước mắt là một dòng nước đen kịt chảy thẳng ra biển. Dòng nước chảy đến đâu thì luồng nước trên biển từ xanh đổi sang màu đen đến đó. Luồng nước màu đen gần bờ biển kéo dài đến kè đá gần 500 m nồng nặc mùi hôi thối. Khu vực xả thải có rất nhiều ống to nho, đường kính từ 20 - 40 cm, nhưng chỉ có ống xả 40 cm liên tục xả thải ra môi trường với nguồn nước đen kịt, bọt nổi đầy khu vực.

Dòng nước đen kịt đang chảy ra biển

Ảnh: Đức Huy

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản Trường Hải, thừa nhận là đã xả thải trực tiếp từ các ao nuôi ra biển. Nước trong ao nuôi đã dùng hóa chất Clo để xử lý hồ cách đây 2 ngày. Cũng theo ông Dũng, do trong đợt bão năm 2019, triều cường đánh sập hồ chứa nước thải, nhưng chưa khắc phục kịp nên tạm thời xả thải trực tiếp ra biển.

Hồ nuôi tôm của Công ty TNHH thủy sản Trường Hải

Ảnh: Đức Huy

Cách đó chừng 1 cây số về phía bắc, nước từ một ống xả nước thải khác của Công ty TNHH sản xuất – thương mại và vận tải Trí Huệ cũng trực tiếp chảy ra biển. Ngồi canh ở đầu ống xả này, anh em ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Xuân Hòa, xã An Hòa Hải (H.Tuy An) vớt tôm chết, tôm sót từ trong khu nuôi tôm của công ty này theo dòng nước thải chảy ra. Ông Minh đã vớt được hơn 1,5 kg tôm chết lẫn tôm sống. Xung quanh đầu ống xả và bãi biển, vỏ tôm nằm la liệt. Nước biển gần bờ chuyển sang màu xám nâu, bốc mùi tanh nồng nặc.

Ống xả nước thải trực tiếp ra biển của Công ty sản xuất - thương mại và vận tải Trí Huệ

Ảnh: Đức Huy

Sau khi ghi nhận hiện trường xả thải, PV Thanh Niên đã liên lạc với bà Lê Đào An Xuân để phản ánh việc xả thải của 2 doanh nghiệp trên. Ngay trong ngày, Sở TN-MT tỉnh Phú Yên đã cử cán bộ đến khu vực xả thải của Công ty TNHH thủy sản Trường Hải và Công ty TNHH sản xuất - thương mại và dịch vụ Trí Huệ để lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm.

Vỏ tôm nằm la liệt và tôm chết người dân vớt từ nước thải của Công ty TNHH sản xuất - thương mại và vận tải Trí Huệ.

Ảnh: Đức Huy

Xả thải gần 4 năm nhưng chỉ xử phạt 1 lần

Ông Võ Thanh Phương, Trưởng thôn Phước Đồng, xã An Hòa Hải (H.Tuy An), cho biết khu vực biển này được UBND tỉnh Phú Yên cho doanh nghiệp nuôi tôm từ năm 2013. Và cũng từ đó, nước thải từ các hồ nuôi tôm xả thải thẳng ra biển.

Chứng kiến việc xả thải của Công ty TNHH thủy sản Trường Hải và Công ty TNHH sản xuất – thương mại và vận tải Trí Huệ vào sáng 18.4, ông Phương cho biết: “Nước thải vào thời điểm này tuy dơ nhưng ít trầm trọng hơn những ngày cao điểm mà doanh nghiệp thu hoạch tôm. Lúc bắt tôm, nước thải ra ngoài biển đen ngòm, bốc mùi hôi thối là không thể tưởng tượng nổi. Khi nước xả ra biển thì cả vùng biển đều là màu đen. Dân ở đây tắm thì bị mẫn ngứa vì dị ứng da”.

Nước biển ven bờ cùng màu với nước thải từ hồ nuôi tôm của Công ty TNHH sản xuất - thương mại và vận tải Trí Huệ

Ảnh: Đức Huy

Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND H.Tuy An cho biết tình trạng xả thải tại vùng nuôi tôm ở thôn Phước Đồng và thôn Xuân Hòa được cử tri ánh liên tục. “Cử tri rất bức xúc về chuyện xả thải của các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản tại thôn Phước Đồng và thôn Xuân Hòa, nhưng cán bộ của huyện không có chuyên môn và thẩm quyền lấy mẫu nên phải phối hợp với Sở TN-MT tỉnh Phú Yên. Trong năm 2019, huyện đã phối hợp với Sở TN-MT tỉnh Phú Yên kiểm tra, lấy mẫu nước thải để kiểm nghiệm có vi phạm hay không để xử lý.

Khu vực hồ nuôi tôm của Công ty TNHH sản xuất - thương mại và vận tải Trí Huệ

Ảnh: Đức Huy

Theo ông Thành, tại khu vực này có 3 doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, đó là Công ty TNHH thủy sản Trường Hải, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Sao Xanh, Công ty TNHH sản xuất - thương mại và vận tải Trí Huệ. Những doanh nghiệp này bắt đầu về đây thi công từ năm 2013 và đi hoạt động từ năm 2016.

Công ty TNHH sản xuất - thương mại và vận tải Trí Huệ bao lưới vào ống xả trước khi đoàn của Sở TN-MT tỉnh Phú Yên đến lấy mẫu

Ảnh: Đức Huy

Và cũng từ khi vùng nuôi tôm này hoạt động, chính quyền địa phương nhận rất nhiều phản ảnh của người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Ông Huỳnh Hữu Minh, Phó chủ tịch UBND xã An Hòa Hải, cho biết tháng 5.2019, kiểm tra thực tế tại khu vực nuôi tôm của Công ty TNHH thủy sảnTrường Hải, lấy mẫu nước thải tại vị trí đầu ra của hệ thống xử lý nước thải thì kết quả chỉ tiêu BOD5 vượt 3,94 lần; COD vượt 2,83 lần; lưu lượng xả thải 35 m3/ngày đêm nên đã xử phạt 133 triệu đồng và buộc doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm. Còn Công ty TNHH sản xuất và thương mại Sao Xanh bị xử phạt 50 triệu đồng và Công ty TNHH sản xuất - thương mại và vận tải Trí Huệ bị xử phạt 90 triệu đồng về hành vi xả thải gây ô nhiễm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.