Phú Yên: Trạm “thư giãn” cho gia súc

26/11/2004 15:28 GMT+7

Trong hành trình xuôi ngược Bắc-Nam, cõ lẽ độc nhất ở thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam( huyện Tuy Hòa-Phú Yên) người ta lập trạm thư giãn không phải để dành cho những du khách vãng lai dừng chân mà nơi đây, người dân lập trạm “thư giãn” dành cho trâu, bò nghỉ ngơi trong hành trình dài di chuyển.

Bất cứ khi nào đặt chân đến đây, cảnh trâu bò nườm nợp lên xuống để “thư giãn” đã khiến cho một vùng quê hẻo lánh, giáp giới với huyện Vạn Ninh( Khánh Hòa) này luôn luôn sôi động… và cũng không ai biết rằng nghề kinh doanh lạ lùng và độc nhất này được hình thành từ khi nào, chỉ biết rằng khi đến đây, tôi mới vỡ vạc ra nhiều điều…Nghề hái ra tiền…

Nằm nép mình dưới chân núi Đèo Cả, thôn Hảo Sơn là cả một vùng sinh lầy ôm quanh dòng biển Hồ thơ mộng. Có lẽ chính vì điều kiện “thiên thời địa lợi” như vậy, những người dân nơi đây và quanh vùng tập trung về đây để lập tiệm “thư giãn” dành cho trâu bò trong hành trình xuôi ngược Bắc- Nam. Xe tải thì biển số 33, 37, 35… nối nhau đậu kéo dài cả nửa cây số. Tại đây, trên một đoạn đường dài gần 2km, có hàng chục trạm thư giãn được dựng lên ven quốc lộ 1A. Công việc khá đơn giản và không giới hạn thời gian. Khi nào có xe trờ tới thì hàng chục người được huy động ra để chăm sóc và mát xa cho trâu bò.

Ông Nguyễn Văn Hùng, một chủ "tiệm thư giãn" ở khu vực này dắt díu vợ con, đùm túm vô đây khai hoang ít đất núi và tiến hành lập trạm từ những năm 1995 cho biết: Số tiền đầu tư cho một trạm như vậy ít tốn kém, chỉ cần khoảng 1 triệu đồng là trạm thư giãn được mọc lên. Nhưng khó khăn nhất là tuyển đội quân “mục đồng” chăn dắt và chăm sóc trâu bò. Không có “thợ” mát xa, coi như trạm không thể nào họat động được vì mỗi lần một chiếc xe tải dừng lại thì có từ 50-70 con trâu, bò được đưa xuống nên lực lượng này phải họat động liên tục. Kết thúc chuyến mát xa là trâu bò được lùa lên xe tải tiếp tục lên đường Nam tiến.

Còn theo Chiến cùng ba đồng nghiệp khác, công việc này đã quá quen thuộc đối với nó trong vòng gần 3 năm lại đây. Hằng ngày, tờ mờ sớm, thằng Bảo lót nhẹ ổ bánh mì, rồi tất bật cho công việc thường ngày. Chỉ cần có xe trờ tới là nó cùng với các đồng nghiệp nhẹ nhàng mở tấm cửa sắt chắn đằng sau xe, cẩn thận mở từng sợi dây buộc, cho sơn đánh dấu trên dấu chân trâu làm dấu để nhận biết và khỏi lộn. Liền tay và vần vật như thế suốt mất tiếng đồng hồ, chiếc xe tải chở trâu gần 50 con trống rỗng. Tiếp đến, thằng Chiến và đồng nghiệp đứa ôm rơm, đứa ôm cỏ, đứa xách nước để trâu, bò thư giãn. Thằng Chiến cho biết: Mùa mưa, trâu, bò được nghỉ tại chỗ. Mùa nắng thì phải đưa chúng xuống gần biển Hồ ngập đầy sình lầy để tắm bùn và thư giãn, khoảng gần 3 giờ thì chuyển lại cho các tài xế.

Hiện nay, tuỳ theo các xe chở số lượng nhiều hay ít mà các tài xế chở trâu, bò mà tiền phục vụ nhiều hay ít, khoảng từ 50.000-100.000 đồng. Do chỉ bỏ công làm lời nên hầu như gia đình nào có đất dưới chân núi Đèo Cả này cũng mở dịch vụ “thư giãn” cho trâu bò. Thiếu nhân công lao động thì họ thuê mướn thêm người ngoài, không kể là trẻ em hay người lớn. Nhờ thế, lao động nông nhàn ở đây và quanh vùng luôn được tiếp nhận và việc giải quyết việc làm nhờ vậy cũng cải thiện đáng kể. Có nhiều khi chủ nhân của nó cũng bị hay gặp những tai nạn đáng tiếc như: trâu đi rông lạc mất hoặc ngập sình lầy sâu quá không lên được thì chủ nhân phải bồi thường cho các "thượng đế" từ 5.000.000-10.000.000 đồng, tuỳ theo sự thương lượng. "Đau như ai rút ruột ấy chứ!" - ông Chiến, chủ nhân một trạm thư giãn cho biết.

Chính vì sự hấp lực của ngành chăn dắt này mà nơi đây dập dìu xe cộ cho những chuyến xe chở trâu, bò dừng chân. Trước để nghỉ ngơi cơm nước, sau kiểm tra độ an toàn của xe, trước khi vượt đèo Cả. Xuất phát từ nhu cầu này, nhiều hộ gia đình lập quán ăn, sửa tiệm xe để phục vụ, rồi cũng từ nhu cầu này, họ lại kiêm luôn “dịch vụ thư giãn” cho trâu bò. Nhiều hộ gia đình đã chuyển nghề đi rừng đốt than sang chăn, dắt để ổn định cuộc sống. Bà Đặng Thị An, người lập nghiệp ở đây từ ngay sau ngày giải phóng bộc bạch: Sống dưới chân núi, nếu không có đất giữ rừng thì nguy hiểm lắm! Biết vậy, nhưng ngày ấy do quá khổ nên một số bà con đến đây. Mười năm qua, nhờ có cái nghề này mà người dân cũng tạm ổn cuộc sống, nạn chặt phá rừng, đốt than làm rẫy cũng dứt hẳn.

Nhưng...

Chính vì những hấp lực của nghề “mát xa” trâu, bò này cả vùng đất này bùn đất nhão nhề, nhão nhoét do súc vật khuấy động, rồi mùi súc vật...  khiến người ta còn e ngại hơn cho sức khoẻ và nhất là vấn đề vệ sinh môi trường của người dân nơi đây. Đặc biệt, là vấn đề bảo hộ lao động của đội ngũ chăn, dắt. Họ không hề được trang bị dụng cụ bảo hộ như ủng, găng tay trong khi suốt ngày chân, tay cứ xục vào vùng lầy, hì hục đi chân trần để đưa trâu, bò lên xuống từng con. Trước mắt họ, không có công việc gì để làm, nhưng ai dám chắc chắn rằng cuộc sống chung với môi trường hỗn tạp này, dịch bệnh không xảy ra, sức khoẻ không bị ảnh hưởng?

Theo ông Đỗ Ngọc Dậu - Phó chủ tịch UBND xã Hoà Xuân Nam, trước đây, chính quyền có thu phí từ 300.000-500.000 đồng/tháng/ trạm tuỳ theo trạm nhỏ hay lớn để dùng vào việc dọn sẹp vệ sinh và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện nay nguồn thu này đang gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Còn vấn đề vệ sinh, xã cũng thường xuyên nhờ Chi cục Thú y, Trung tâm y tế huyện Tuy Hoà phun dịch nhưng việc tuyên truyền vận động và nhắc nhở người dân cũng không được cải thiện là bao.

Còn theo lời người dân, vấn đề đảm bảo môi trường trong lành cho nơi đây rất khó thực hiện. Không cách nào khác hơn là rác, phân thải của trâu bò đều trút hết xuống đầm lầy ở cạnh biển Hồ. Ông Lê Kim Tục, một ngư dân làm nghề chài lưới trên biển Hồ gần 20 năm, trăn trở: "Trước đây, chúng tôi cũng còn kiếm chác đuợc ít cá tôm, còn nay thì nguồn tôm cá cạn kiệt hẳn, một phần do nạn đánh bắt vô tôi vạ nhưng một phần nguồn nước bị ô nhiễm, do nạn ô nhiễm và “xả” bừa bãi của các trạm “thư giãn trâu bò”. Chúng tôi nhiều lần đã kiến nghị nhưng chẳng thấy giải quyết".

Thiết nghĩ, để chuyện làm ăn được lâu dài, bà con và chính quyền xã Hoà Xuân Nam cần có những biện pháp hữu hiệu. Không chỉ dừng lại ở việc phun thuốc phòng dịch mà cần xây dựng những điểm tập trung gia súc một cách an toàn và khu kinh doanh xúc vật này phải tránh xa nơi ở sinh hoạt của người dân. Như thế vệ sinh môi trường và vấn đề sức khoẻ của người dân mới được đảm bảo và cảnh quan ở dòng biển Hồ này mới trở lại trong lành như xưa.

Thanh Tuyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.