'Phúc âm cho một người' - Cuốn tiểu thuyết lạnh

01/04/2018 10:27 GMT+7

Với hai cuốn tiểu thuyết Đàn bà hư ảo và Phúc âm cho một người , Nguyễn Khắc Ngân Vi đã làm người ta phải tránh những bình phẩm dễ dàng, thậm chí thời thượng, mà người ta vẫn đang thích dùng để nói về sáng tác của các cây bút nữ.

Cả hai cuốn tiểu thuyết đều khám phá thế giới bên trong của những người phụ nữ trong xã hội đương đại, thuộc thế hệ khác nhau, sống trong môi trường khác nhau, đối mặt với những vấn đề khác nhau của bản thân. Song họ đều làm khó những ai muốn quy họ về những hình mẫu phụ nữ đã được văn chương đương đại khắc họa với hàng loạt tính ngữ như “chịu đựng”, “hi sinh”, “nổi loạn”, “đam mê”… Ở phương diện này, Ngân Vi cho thấy một nhận thức có chiều sâu về bản chất của thể loại mà mình theo đuổi. Nếu phải trao cho tiểu thuyết một đạo đức, một trách nhiệm nào đó, thì nói như Milan Kundera, nó cần tìm được một mẫu nhân cách chưa được biết đến. Nhân vật nữ của Ngân Vi dị biệt, khó đoán, vừa cực đoan mà cũng vừa nhiều phân vân, vừa nhẫn nại, nén chịu mà lại cũng vừa có thể làm rối tung mọi trật tự, sắp đặt. Chị chối từ để nhân vật của mình trở nên đơn giản, xác định. Chị đẩy họ vào tình thế hiện sinh không hề dễ chịu khi đột nhiên không biết mình là ai, không hiểu mình vì sao lại hành động thế này.
Bà Khuê, nhân vật trung tâm của Phúc âm cho một người, là một người phụ nữ “lạ” nếu thử đặt hình tượng này bên cạnh những nhân vật nữ tuổi trung niên mà văn học đương đại Việt Nam đã xây dựng. Ở người phụ nữ gốc Sài Gòn nhưng từ thời thiếu nữ đã dạt về sống tại xứ đạo ở một huyện hẻo lánh của Đồng Nai này, có những điểm mà người ta thường xem là đặc trưng tính cách của người phụ nữ Việt Nam. Đóng vai trò như một “nội tướng” của gia đình, trong cả cuốn tiểu thuyết, bà Khuê luôn thể hiện mình như một người luôn biết cách xoay sở để cáng đáng gia đình, chủ động hơn cả người chồng bạc nhược và đứa con trai, dù lấy vợ sinh con rồi, vẫn chưa biết làm chủ cuộc sống của mình. Nhưng Ngân Vi không biến nhân vật của mình trở thành một tính cách phẳng. Người phụ nữ trong tiểu thuyết của chị luôn có những khía cạnh đầy phức tạp trong những mối quan hệ của mình. Chúng không cho nhân vật của chị có thể dễ dàng sống một đời yên phận mà luôn tiềm tàng khả năng ném họ ra khỏi vùng an toàn của cuộc sống thường nhật, để bất định, chới với, ngay cả khi tưởng như đã đi gần xong cuộc đời mình, như trường hợp bà Khuê. Người phụ nữ ấy có đạo nhưng đức tin bà nuôi dường như không đủ mạnh để nó có thể giúp nhấc bà lên khỏi trạng thái loay hoay của đời thường. Người phụ nữ ấy sống cho gia đình nhưng trong cả cuốn tiểu thuyết, hầu như không có trường đoạn nào cho thấy bà tìm thấy hạnh phúc trong đời sống gia đình. Người phụ nữ ấy có lẽ cũng không biết rõ liệu mối quan hệ của mình với những đứa con là tình mẫu tử - thứ vốn được mặc định như là tình cảm tự nhiên ở đàn bà - hay thực chất chỉ là một nỗi chịu đựng. Người phụ nữ tưởng như tự chủ trong nhiều tình huống ấy nhưng trong một khoảnh khắc không hiểu nổi, lại rơi vào một cuộc ngoại tình chớp nhoáng. Không như bà Bovary trong tác phẩm cùng tên của Gustave Flaubert, say mê văn chương tình cảm, để rồi chạy theo ảo tưởng ái tình xa xôi, khó có thể khoác cho cuộc ngoại tình trong cuốn tiểu thuyết này một màu sắc lãng mạn nào. Không có sự giải thoát nào đối với nhân vật, dù chỉ trong cơn mơ, bởi ngay khi ấy, mùi phân heo của thực tại lưu cữu vẫn làm bà đau buốt sống mũi.
Đàn bà hư ảo - tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Khắc Ngân Vi
Có thể nói, Ngân Vi “ác” với nhân vật của mình. “Ác” theo nghĩa chị cố gắng nhìn và miêu tả người phụ nữ trong tiểu thuyết này một cách sắc lạnh, đi đến loại bỏ sự cảm thương trong giọng điệu. Việc xác lập một giọng điệu như thế, theo tôi, là dấu hiệu của một phong cách dần định hình. Trong văn học đương đại, khi viết về giới của mình, các tác giả nữ thường rơi vào hai cực: hoặc sa vào cảm thương như để biện hộ, bênh vực cho đàn bà; hoặc trở nên ngoa ngôn, chua chát như là cách để phê phán những điểm yếu của giới nữ, hay nói nôm na hơn là “những bệnh đàn bà”. Ngân Vi, trong hình dung của tôi, có lẽ có sự sòng phẳng trong ý thức viết của mình: tiểu thuyết không phải là một dụ ngôn đạo đức, đó là thể loại cho phép sự viết chạm sâu nhất vào những kinh nghiệm bản thể, làm cho những phần bị vùi lấp nhất, nén chặt nhất được hiện ra, không bị khúc xạ bởi lăng kính tình cảm chủ nghĩa dễ vuốt ve con người. Trường đoạn miêu tả cuộc ngoại tình của bà Khuê với vị bác sĩ trên thành phố, đặc biệt là cảnh làm tình của hai nhân vật, là một trường đoạn có thể gây bất an đối với cảm quan đạo đức và thẩm mỹ của nhiều người đọc. Cách Ngân Vi mô tả tình dục của hai nhân vật trung niên trong tiểu thuyết này làm tôi liên tưởng đến ngôn ngữ điện ảnh của nữ đạo diễn người Pháp Catherine Breillat, người không khoan nhượng trước những đòi hỏi của đạo đức xã hội đối với nhu cầu của nghệ thuật muốn biểu đạt được những gì sâu và tối nhất thuộc bản thể con người.
Ngân Vi tiết chế nhiều sự giải thích khi miêu tả nội tâm nhân vật. Trong cảm nhận tôi, có lẽ tác giả có hứng thú nhất định đối với những cách tiếp cận của phân tâm học về hành vi và cảm xúc của con người. Những chi tiết tưởng như vu vơ về quá khứ của bà Khuê, về hình ảnh Sài Gòn trong ký ức của bà, hay những giấc mơ nơi nhân vật tham gia vào những cuộc đối thoại vừa siêu hình, vừa trần thế, hay cả những cảm giác đau vai gây khó chịu đối với bà… đều là những gợi dẫn để từ đó ta có thể nhìn ra con người bên trong của nhân vật. Người phụ nữ ấy, bởi thời thế, đã chấp nhận gò mình vào những khuôn thước xã hội, nén lại những thèm khát về một đời sống phóng túng hơn, rộng rãi, để đổi lấy một cuộc đời bằng lặng, làm vợ, làm mẹ. Người phụ nữ ấy hóa ra đã gần cả đời mang trên vai những gánh nặng vô hình nhưng lại làm đau chính cơ thể mình. Đó là những sự chịu đựng xã hội (social suffering), có liên đới với lịch sử, với thiết chế tôn giáo và nhiều quy phạm đời sống khác. Trên phương diện ấy, chính sự sắc lạnh trong ngòi bút của Ngân Vi lại giúp ta cảm thông với bà Khuê - người phụ nữ hoang mang, không biết mình là ai cho đến tận trang cuối cùng của cuốn sách. Người phụ nữ không tìm được sự cứu rỗi nào từ đức tin tôn giáo, hóa ra, lại vẫn có thể có cơ hội được thấu hiểu nếu nhìn từ nhãn quan tiểu thuyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.