Xuất phát từ việc nhìn phố trung thu Hàng Mã ngày càng mất đi sắc màu truyền thống, nhà nghiên cứu Trịnh Bách đau đáu nỗi niềm bằng mọi giá phải khôi phục đồ chơi trung thu cổ truyền, và cũng vì “thương trẻ con ngày nay không biết được nhiều cái hay, cái đẹp của nền văn hóa truyền thống Việt”.
Hơn nữa đứng trước làn sóng kinh tế thị trường, những người thợ làm đèn thủ công cũng kinh doanh đèn điện tử Trung Quốc khiến cho những loại đèn trung thu cổ truyền cũng dần trở nên mai một. “Điều khó khăn nhất là hầu hết những món đồ chơi này chỉ còn tồn tại trong ký ức, gần như rất khó trong việc tìm người có thể thực hiện được chúng”, nhà nghiên cứu trăn trở.
|
|
Nhưng rồi những khó khăn cũng đến ngày được hồi đáp khi ông gặp được một nghệ nhân làm đèn trung thu từng sống ở làng Báo Đáp (Nam Định) với thâm niên 70 năm làm đèn. May mắn là hai người con của cụ cũng yêu thích và đã cùng ông Bách khôi phục lại những chiếc đèn trung thu cổ truyền trước năm 1975.
Những chiếc đèn lồng này được ông Bách phục dựng sử dụng chất liệu đặt riêng, làm thủ công tinh xảo. Mang đến sự kiện Thu vọng nguyệt lần này, nhà nghiên cứu Trịnh Bách không chỉ giới thiệu với khán giả những mẫu đèn trung thu từ cách đây hơn 50 năm trước mà còn cả những con giống bột - món đồ chơi thất truyền đã từng phổ biến cách đây hàng thế kỷ.
Chương trình trưng bày này là hoạt động tiếp theo của bà Phạm Thị Bích Hạnh, người khởi xướng ý tưởng và tổ chức chương trình Thu vọng nguyệt, trong nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, quảng bá văn hóa truyền thống dân tộc. Các lồng đèn được trưng bày đến hết ngày 1.10 tại Hà Nội.
Bình luận (0)