(TNO) Từ hội thảo "Nghiên cứu hoàn trả không gian nền điện Kính Thiên" tại Hà Nội hồi tuần trước, Thanh Niên Online đã ghi nhận thêm ý kiến của một số chuyên gia về việc di dời hoặc cải cạo Nhà tác chiến (Bộ Quốc phòng) để phục vụ cho việc phục dựng điện Kính Thiên.
>> Khởi động phục dựng điện Kính Thiên
>> Dấu tích điện Kính Thiên thời Lê sơ
|
Để phục dựng không gian điện Kính Thiên, PGS.TS Phan Ý Thuận (Đại học Xây dựng) đã xây dựng dự án bảo tồn nhà Cục tác chiến (để lấy ý kiến) gồm hai phương án di dời hoặc cải cạo.
Nhà Cục tác chiến là tòa nhà hai tầng nơi trước đây Cục tác chiến (Bộ Quốc phòng) làm việc. Đây cũng là khu nhà có mặt trong hồ sơ di sản UNESCO của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Hiện nay, từ cổng Đoan Môn nhìn vào, tòa nhà do Pháp xây dựng này đang che khuất tầm nhìn chính vào điện Kính Thiên. Chính vì thế, nếu có được cải tạo, khu nhà này cũng sẽ làm giảm vẻ uy nghiêm của điện Kính Thiên. Chưa kể, tòa nhà cũng sẽ là trở ngại đáng kể cho việc tổ chức những sự kiện trọng đại, đông người tham dự của đất nước. Quan trọng hơn, nếu khu nhà tiếp tục tồn tại ở vị trí hiện nay, theo PGS.TS Phan Ý Thuận: “Mục tiêu làm liền mạch trục trung tâm từ Đoan Môn tới điện Kính Thiên sẽ không thực hiện được”.
Cũng chính vì sự liền mạch trục trung tâm từ Đoan Môn tới điện Kính Thiên này, nhiều nhà khoa học được tham khảo ý kiến đã chọn cách di dời tòa nhà Cục tác chiến này sang chỗ khác.
Theo phương án PGS.TS Thuận đưa ra, một tòa nhà khác sẽ bị hạ giải để lấy chỗ di chuyển nhà Cục tác chiến đến đó. Tòa nhà bị hạ giải là nhà cấp IV nằm trong danh mục tháo dỡ của dự án tháo dỡ 58 nhà không có giá trị lịch sử trong Thành cổ Hà Nội. Kết quả khảo sát năm 2007 cho thấy đây không phải là di tích lịch sử và không có giá trị sử dụng theo đánh giá phân loại của Hội đồng khoa học thành phố. Tòa nhà này sau khi được Bộ Quốc phòng bàn giao cho Thành cổ Hà Nội để trống không sử dụng, tới năm 2010 mới được sửa sang để đón du khách.
Theo PGS.TS Thuận, việc di chuyển này hoàn tất sẽ tạo không gian rộng lớn trước nền điện Kính Thiên, việc tổ chức các sự kiện trọng đại của đất nước được thuận lợi; quy hoạch kiến trúc hoàn thiện đồng thời lưu thông được cả lối đi lẫn tầm nhìn vào điện Kính Thiên.
Bên cạnh đó, công trình nhà Cục tác chiến cũng sẽ giữ được kiến trúc cũ nguyên vẹn của công trình - điều rất quan trọng của bảo tồn di tích.
Trao đổi với PV Thanh Niên Online sáng 28.8, PGS.TS Tống Trung Tín cho biết: Muốn tái hiện không gian của khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long xưa, việc “mở” nút chặn trên trục trung tâm vào điện bằng cách dời Nhà con rồng vô cùng cần thiết. Phối cảnh cũng cho thấy sau khi dời Nhà con rồng, không gian của di sản này sẽ trở nên rộng hơn, thích hợp hơn với những hoạt động có đông người. Điều này cũng mở đường cho việc tái hiện lại hội đèn Quảng Chiếu - một lễ hội lớn thời Lý. Quan trọng hơn, việc di dời Nhà con rồng không làm sai lệch di sản về mặt hồ sơ".
Tuy nhiên, phương án di chuyển nhà Cục tác chiến này lại có phần kỹ thuật phức tạp hơn rất nhiều so với phương án tu sửa. Bởi kèm theo ngôi nhà cấp IV, sẽ còn phải di dời rất nhiều cây cổ thụ trong thành. Cũng cần di dời hàng loạt di vật hiện đang trưng bày tại nhà Cục tác chiến về vị trí mới. Tại vị trí mới, móng dự kiến có chiều sâu 1,2-1,5 m có thể gây ảnh hưởng tới các lớp di tích dưới lòng đất nên cũng cần có công tác khảo cổ ở đây. Đặc biệt, việc tịnh tiến và xoay nhà Cục tác chiến một góc 90 độ là điều vô cùng phức tạp.
Mặc dù vậy, đây có lẽ không phải là khó khăn lớn nhất của việc di dời này. Cửa ải quan trọng nhất phải vượt qua là sự đồng ý của UNESCO, bởi tòa nhà là một phần minh chứng sự tồn tại của một trung tâm quyền lực chính trị liên tục suốt 13 thế kỷ. Về điều này TS Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết cũng đã có trao đổi bên lề với văn phòng UNESCO tại Hà Nội. Phản hồi cho thấy nếu đây là một việc làm đúng nguyên tắc khoa học, đúng pháp lý và có lợi cho đất nước thì sẽ được ủng hộ.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã gửi phiếu thăm dò về việc có nên tháo dỡ hay di dời Cục tác chiến để phục vụ nghiên cứu hoàn trả không gian điện Kính Thiên trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long hay không. Tựu trung lại có 17/20 ý kiến cho rằng nên di dời hoặc tháo dỡ nhà Cục tác chiến, 2 ý kiến (10%) không nên vì cho rằng đó là một di tích và 1 ý kiến cho rằng chỉ khi nào có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn cũng như phương án tối ưu thì mới di dời nhà Cục tác chiến. Các quan điểm nên tháo dỡ và di dời coi đây như hệ quả tất yếu của việc hoàn trả không gian điện Kính Thiên, tán thành việc phá dỡ là phù hợp với nguyện vọng của mọi người vì nó án ngữ trước điện Kính Thiên, gây phản cảm và không tiêu biểu cho loại hình di tích cách mạng ở đây. (TS Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) |
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)