Chiều qua 17.8, tại cuộc họp báo của UBND tỉnh Quảng Nam chuẩn bị cho hội thảo khoa học Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, ông Nguyễn Xuân Hà, Phó chủ tịch UBND TX.Điện Bàn, cho biết địa phương đã quy hoạch 8.000 m2 tại xã Điện Phương để phục dựng mô hình thu nhỏ dinh trấn Thanh Chiêm, lập bảo tàng và dựng bia (hoặc tượng đài) chữ Quốc ngữ, xây vườn tượng… để vinh danh chữ Quốc ngữ và góp phần khẳng định vị trí dinh trấn Thanh Chiêm trong hành trình phát triển xứ Đàng Trong.
Do dinh trấn không còn dấu vết lộ thiên, chỉ rải rác một số phế tích nghi là nền móng dinh trấn ở xã Điện Phương nên chính quyền TX.Điện Bàn tham khảo kết quả nghiên cứu do GS Kikuchi Seiichi (Đại học Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản) chủ trì thực hiện trong giai đoạn 1999 - 2001, trong đó có kỹ thuật siêu âm trong lòng đất. Chi tiết các hạng mục đầu tư sẽ được quyết định sau hội thảo vào ngày 24.8.
Dinh trấn Quảng Nam (còn gọi là dinh trấn Thanh Chiêm) được chúa Tiên Nguyễn Hoàng thành lập năm 1602, ban đầu đặt tại Cần Húc, sau dời về xã Thanh Chiêm (nay thuộc xã Điện Phương, TX.Điện Bàn). Đây được coi là nơi thực tập quản lý, điều hành của các thế tử; có vị trí quan trọng về quân sự (căn cứ thủy quân từng chiến thắng hạm đội Hà Lan năm 1644, đánh bại 7 cuộc tấn công của quân Trịnh, bàn đạp để Nam tiến).
Đáng chú ý, tại Thanh Chiêm và Hội An, giai đoạn 1617 - 1625, linh mục Bồ Đào Nha Francisco de Fina đã học tiếng Việt, truyền đạo bằng tiếng Việt và dạy cho giáo sĩ Alexandre de Rhodes (người Pháp) và Antonio Fonte (người Bồ Đào Nha). Linh mục Francisco de Fina cũng viết tài liệu giảng dạy “Phương pháp Latin hóa tiếng Việt”, “Ngữ pháp tiếng Việt” và thừa nhận Kẻ Chiêm (Thanh Chiêm) là nơi học tiếng Việt tốt nhất.
Bình luận (0)