Hơn sáu tháng trước, anh Nguyễn Minh Hùng (39 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) được người nhà đưa đến khoa vật lý trị liệu Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng cánh tay phải không nhúc nhích được. Trước đó, anh Hùng đã phải đi bệnh viện cấp cứu vì bị tai biến mạch máu não.
|
Phải kiên trì
Với vóc dáng cao to, gương mặt khá điển trai, ngày 19-12 ngồi tập tại phòng tập vật lý trị liệu Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Hùng chậm rãi kể lúc mới đến đây tâm trạng anh rối bời. Anh thấy mình bự con vậy mà phải tập từng động tác nhỏ, đơn giản một cách khó khăn. Cánh tay phải xưa kia xách đồ nặng chẳng sao, giờ chỉ tập nhúc nhích cũng khó. Kiên trì tập suốt rồi tay cũng cử động được, giờ đã có thể đưa lên hạ xuống. Anh đang được nhân viên trong khoa hướng dẫn chuyển sang tập những động tác khó hơn như gắp dây, gắp các hạt gỗ, tập viết... Nhớ lại những ngày đầu mới tập, anh Hùng cho biết lúc đó anh phải bám tường tập đi chập chững như trẻ em, nay anh đã tự đón xe buýt đến bệnh viện tập.
Không chỉ ảnh hưởng chức năng của những phần bị liệt trên cơ thể, tai biến mạch máu não còn ảnh hưởng đến chức năng não của anh Hùng. Trước khi bị bệnh, anh Hùng đọc, viết tiếng Anh tốt nhưng giờ nhìn tiếng Anh thấy lạ. Anh cười kể: "Tiếng Việt tôi còn nhớ nhưng đọc chậm". Để luyện đọc tiếng Việt, hằng ngày anh lên mạng tập đọc báo, còn tiếng Anh đang phải học lại từng từ một... Anh Hùng hi vọng khi viết và đọc tốt, anh sẽ trở về với công việc trước kia của mình tại phòng xuất nhập khẩu một công ty lớn trong TP.
Các nhân viên khoa vật lý trị liệu nhận xét anh Hùng là một trong những bệnh nhân có sự tiến bộ rõ trong tập luyện. Điều căn bản là anh tập luyện từ sớm, chăm chỉ luyện tập và bị tai biến mạch máu não ở dạng nhẹ. Trường hợp anh Hùng nếu không được tập luyện sớm sẽ không thể phục hồi tốt như hiện nay. Không chỉ anh Hùng, nhiều bệnh nhân bị tai biến mạch máu não tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã hồi phục tốt, trong đó có nhiều người đi làm bình thường trở lại.
Càng sớm càng tốt
Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Khoa - trưởng khoa vật lý trị liệu Bệnh viện Chợ Rẫy, quan điểm mới của thế giới hiện nay là cho những người bị tai biến mạch máu não tập vận động càng sớm càng tốt, trong vòng 24g-48g đã cho bệnh nhân ngồi (trừ những trường hợp chống chỉ định). Tại Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã soạn thảo những tiêu chuẩn cho bệnh nhân bị nhồi máu não cấp được tập ngồi sớm sẽ tránh được những biến chứng có thể gây tử vong như viêm phổi, tắc tĩnh mạch sâu...
Ngồi sớm, tập sớm các hoạt động trị liệu (những bài tập theo chức năng như cách uống nước, cách dùng khăn lau mặt, với tay lấy đồ...), âm ngữ trị liệu đều là những bài tập cần được áp dụng sớm cho những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, giúp bệnh nhân hồi phục tốt nhất các chức năng trước khi mắc bệnh.
Trước đây, bệnh nhân bị tai biến mạch máu não đều được tập một cách đơn giản tại các bệnh viện, sau đó về nhà. Người nhà bệnh nhân lại thường có suy nghĩ bị tai biến rồi tập cũng chẳng ăn thua nên vô tình làm quá trình phục hồi chức năng bị gián đoạn. Điều này dẫn tới tình trạng bệnh nhân bị cứng khớp, teo cơ nặng, phục hồi chức năng rất khó.
Bác sĩ Khoa còn nói cách tập mới mà Bệnh viện Chợ Rẫy đang áp dụng tương tự các nước tiên tiến hiện nay, giúp phần não còn lại hoạt động ở mức độ cao nhất, thuật ngữ y khoa gọi là "sự tái tổ chức não". Khi đó sợi trục các tế bào thần kinh không bị tổn thương sẽ mọc nhiều nhánh hơn để hỗ trợ lại những tế bào thần kinh bị mất, hoặc giúp kích hoạt làm xuất hiện thêm một đường dẫn truyền thần kinh mới. Đến nay, theo các tài liệu khoa học, chưa có loại thuốc nào có thể kích thích "sự tái tổ chức não" tốt bằng cách tập vật lý trị liệu theo chức năng này. Việc tập luyện cũng làm giảm rõ tỉ lệ trầm cảm ở bệnh nhân bị tai biến mạch máu não.
Theo Thùy Dương/Tuổi Trẻ
>> Phòng bệnh nhờ vật lý trị liệu
>> Cứu sống bé trai 6 tháng tuổi bị chấn thương sọ não
>> Hy vọng mới cho bệnh nhân bị chấn thương cột sống
Bình luận (0)