(TNO) Sáng nay 6.4, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã khai mạc trưng bày nghệ thuật cây kiểng Huế và phát huy không gian vườn Cơ Hạ.
Vườn Cơ Hạ nằm ở phía đông bắc, bên trong Hoàng thành Huế, là một trong năm vườn Ngự Uyển triều Nguyễn.
Đầu thời Gia Long, khu vực này là nơi học tập của Thái tử Nguyễn Phúc Đảm (tức vua Minh Mạng về sau) khi còn ở trong cung.
Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), khu vực này được sửa sang lại, mở rộng khuôn viên nối tiếp với núi Hồ Cảnh, phía sau đảo Doanh Châu và gọi là Cơ Hạ đường.
Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), khu vực này dựng thêm các đình, viện, đài tạ… nâng cấp thành vườn Thượng Uyển, gọi là Vườn Cơ Hạ.
Vườn Cơ Hạ suy tàn, hoang phế vào giai đoạn cuối của triều Nguyễn do bị bỏ bê, không chăm sóc.
TS Phan Thanh Hải, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết đây là giai đoạn đầu của việc phục hồi vườn Cơ Hạ.
Cùng với việc trưng bày 600 cây cảnh quý, hiếm của trung tâm và của các nghệ nhân, các hội cây cảnh trong tỉnh, dịp này trung tâm mong muốn quan khách, các nghệ nhân đóng góp ý kiến để phát huy không gian vườn Cơ Hạ.
Trên cơ sở đó, trung tâm tiếp tục phát huy không gian, cảnh quang và tiến hành các bước phục hồi vườn Cơ Hạ nguyên bản.
Được biết, đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã đầu tư 1,2 tỉ đồng để phục hồi vườn Cơ Hạ.
|
Tin, ảnh: Gia Tân
Bình luận (0)