Thời vang bóng của làng hoa Gò Vấp là những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Ngoài hàng trăm điểm kinh doanh kiểng cổ, kiểng lá, đến mùa hoa Tết, người dân thi nhau xuống giống rợp trời, có năm diện tích lên đến ba bốn trăm ha. Ở làng hoa này không thiếu một giống hoa nào, đặc biệt các loại hoa lạ. Ngay cả “vương quốc” hoa kiểng ở Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre), vào mùa trồng hoa Tết cũng tìm về đây để mua giống. Ông Nguyễn Quý Thu, Phó chủ tịch Hội làm vườn TP.HCM nhớ lại, trước năm 1975, hồi ấy vùng đất này còn đất rộng, người thưa. Nghề truyền thống ở đây là làm pháo, chăn nuôi và trồng hoa kiểng, nghề nào cũng nổi tiếng. Giờ thì chỉ còn nghề trồng hoa kiểng lây lất.
Nghệ nhân giờ đây đã tứ tán. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được ông Nguyễn Văn Tâm - một nghệ nhân hoa kiểng ở phường 12 (Q.Gò Vấp). Ông Tâm bộc bạch “Tôi cũng như nhiều người dân Sài Gòn khác, từ trước tới nay hễ nhắc đến hoa kiểng chỉ biết có làng hoa Gò Vấp. Mỗi khi Tết đến, người dân Sài Gòn ở các quận trung tâm lại kéo nhau lên đây vừa chiêm ngưỡng, vừa mua hoa kiểng về chưng. Họ đi thành từng tốp, chật cả đường, giống như ngày nay đi chợ hoa Nguyễn Huệ vậy”.
Khoảng cuối thập niên 90 đất đai lên giá, dân tứ xứ đổ xô về mua đất xây nhà, lập xí nghiệp, công ty. Cứ thế, các cao ốc, nhà lầu đua nhau mọc nhanh như nấm. Và từ đấy, đất làng hoa bắt đầu tan nát. Phó chủ tịch Hội Nông dân quận Gò Vấp Trần Thế Hùng cho biết, trước đây làng hoa được qui hoạch 22 ha. Do không có tiền đền bù giải toả, nên diện tích đất trên đã dần bị thu hẹp chỉ còn 2,2 ha. Từ năm 1996 đến nay, số diện tích đất này được giao cho 13 hộ thuê sản xuất hoa kiểng.
Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 5 hộ thực hiện đúng hợp đồng, số còn lại kinh doanh cà phê, quán nhậu. Giờ đây, mỗi khi xuân về Tết đến, khách yêu hoa đi dạo làng hoa (năm nào làng hoa cũng tổ chức hội hoa xuân), ngoài mặt thì cười nói vui tươi mà trong lòng vẫn cứ buồn héo ruột. Hoa vốn dĩ rực rỡ, gặp tiết trời se lạnh đua nhau khoe sắc chật cả một khúc đường Cây Trâm, đường Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Lượng ... nhưng chủ yếu đó là hoa của xứ khác đem về đây dự hội.
|
Rất nhiều người tâm huyết, không thể ngồi nhìn làng hoa ngày càng tàn tạ. Tin từ ông Trần Thế Hùng cho biết, làng hoa đang được tái lập lại theo mô hình Hợp tác xã (HTX). Trên phần đất khiêm tốn còn lại 2,2 ha nằm trên đường Cây Trâm, P.11, bước đầu được xem như là “cái nhân” của làng hoa, sau đó thuận lợi sẽ mở rộng ra nhiều phường trong quận. Một khi HTX thành hình, sẽ là HTX hoa kiểng đầu tiên trong cả nước, qui tụ những nghệ nhân tâm quyết, có tay nghề cao của Gò Vấp (Gò Vấp có 70 nghệ nhân hoa kiểng có tay nghề cao).
HTX này có chức năng giống như một Trung tâm mua bán, sản xuất, nghiên cứu KHKT, triển lãm hoa kiểng ... Nó giống như một công viên mở cho khách tham quan, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất với nhau. Hàng tháng nơi đây còn tổ chức chợ phiên, đây được xem như là chiếc cầu nối giữa người trồng hoa đến thị trường tiêu thụ. Mọi việc đang“thuận buồm xuôi gió”, chỉ chờ đến đầu năm 2007, HTX sẽ tiến hành đại hội xã viên.
Phục hồi làng hoa, thực chất là phục hồi lại “thương hiệu” hoa Gò Vấp. Làng hoa Gò Vấp giờ đây còn được ví như cơ thể người, nhìn từ trên xuống 2,2 ha đất thành hình HTX trong tương lai nó như là cái “rún”- ông Hùng nói. Trong quá khứ, nhiều nghệ nhân Gò Vấp từng đi truyền nghề cho nhiều địa phương khác, và họ cũng đã từng nhận được “chiến tích” huy chương vàng về triển lãm hoa kiểng bonsai toàn quốc. Do vậy, những người trong cuộc đang kỳ vọng hoa kiểng Gò Vấp sẽ tìm lại thời kỳ vàng son. Một làng hoa kiểu mẫu chất lượng cao được chăm bón bởi các nghệ nhân danh tiếng sẽ là hiện thực một khi mọi người đều góp tay xây dựng.
Một mùa xuân sắp sửa đi qua, và chúng tôi những nguời cũng đang trăn trở về sự tồn vong của một làng nghề truyền thống, đã nhìn thấy đâu đó le lói những sắc màu rực rỡ của một làng hoa Gò Vấp.
Bài, ảnh: Hùng Sơn
Bình luận