Phúc thẩm 3 vụ án liên đới nhiều cựu lãnh đạo TP.HCM

30/05/2022 05:38 GMT+7

Dự kiến trong tháng 6, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm 3 vụ án liên quan sai phạm tại SAGRI, SADECO, và hoán đổi “đất vàng” 185 Hai Bà Trưng , TP.HCM.

Sai phạm tại Sadeco

Đối với vụ án liên quan sai phạm tại Công ty CP phát triển nam Sài Gòn (SADECO), phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Tề Trí Dũng (40 tuổi, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC; Chủ tịch HĐQT SADECO), bị cáo Tất Thành Cang (50 tuổi, cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM) và các đồng phạm sẽ mở lại từ ngày 6 - 17.6. Trước đó vào ngày 5.5, phiên tòa tạm hoãn do một bị cáo có đơn kháng cáo bị Covid-19 và Công ty TNHH Nguyễn Kim vắng mặt không lý do.

Bị cáo Tất Thành Cang tại phiên tòa phúc thẩm ngày 5.5

NHẬT THỊNH

Theo bản án sơ thẩm, 20 bị cáo trong vụ án đã sai phạm trong phát hành, chuyển nhượng 9 triệu cổ phần của SADECO cho cổ đông chiến lược là Công ty TNHH Nguyễn Kim. Các bị cáo đã không thẩm định giá, đấu giá, gây thiệt hại cho SADECO hơn 1.103 tỉ đồng, thiệt hại cho nhà nước hơn 669,6 tỉ đồng.

Xét xử sơ thẩm vào tháng 1.2022, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang 10 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Bị cáo Tề Trí Dũng bị tuyên phạt 20 năm tù về 2 tội “tham ô tài sản”, “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Các bị cáo còn lại trong vụ án bị tuyên phạt từ 3 năm 6 tháng tù đến 16 năm tù về một trong các tội danh trên.

Sau khi xét xử sơ thẩm, có 10/20 bị cáo kháng cáo. Trong đó, bị cáo Tất Thành Cang kháng cáo cho rằng không phạm tội. Bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Trưởng ban Kiểm soát SADECO) kháng cáo xin xem xét lại tội danh, mức án. 8 bị cáo còn lại, trong đó có bị cáo Tề Trí Dũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo. Đồng thời, bị hại là SADECO cũng có kháng cáo phần bồi thường thiệt hại.

Các bị cáo trong vụ sai phạm tại SAGRI tại phiên tòa phúc thẩm ngày 11.5

PHAN THƯƠNG

Sai phạm tại Sagri

Từ ngày 8 - 10.6, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ mở lại phiên xét xử phúc thẩm vụ án sai phạm tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) đối với các bị cáo: Lê Tấn Hùng (58 tuổi, cựu Tổng giám đốc SAGRI), Trần Vĩnh Tuyến (56 tuổi, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM) và các đồng phạm về các tội “tham ô tài sản”, “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trước đó vào ngày 11.5, phiên tòa phúc thẩm tạm hoãn do bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) có đơn xin hoãn phiên tòa do đang bị hậu Covid-19.

Trong vụ án này, có 7/19 bị cáo kháng cáo. Bị cáo Trần Trọng Tuấn kháng cáo đề nghị xem xét lại vụ án, không làm oan đối với bị cáo; bị cáo Hồ Văn Ngon (cựu Phó tổng giám đốc SAGRI) kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, nhưng đã mất do bệnh vào ngày 1.1.2022. 5 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, trong đó có bị cáo Lê Tấn Hùng, Trần Vĩnh Tuyến. Đồng thời, Viện trưởng Viện KSND TP.HCM kháng nghị, đề nghị cấp phúc thẩm xác định thiệt hại của vụ án tính đến thời điểm vụ án khởi tố là 672 tỉ đồng.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (bìa trái) và bị cáo Nguyễn Thành Tài tại phiên tòa sơ thẩm tháng 11.2021

KHẢ HÒA

Xét xử sơ thẩm vào tháng 12.2021, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Tấn Hùng 25 năm tù về 2 tội “tham ô tài sản”, “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; bị cáo Trần Vĩnh Tuyến và bị cáo Tuấn cùng 6 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. 16 bị cáo còn lại trong vụ án từ 3 năm tù (nhưng cho hưởng án treo) đến 20 năm tù.

Theo bản án sơ thẩm, 19 bị cáo trong vụ án đã sai phạm trong chuyển nhượng dự án hơn 36.676 m2 tại KP.4, P.Phước Long B, Q.9 (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM) giữa SAGRI và Tổng công ty Phong Phú. Các bị cáo đã không thẩm định giá, đấu giá để xác định giá trị toàn bộ dự án, trong đó có giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường... Từ đó, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 348,7 tỉ đồng tại thời điểm các bị cáo phạm tội.

Sai phạm hoán đổi “đất vàng” 185 Hai Bà Trưng

Theo dự kiến, từ ngày 23 - 27.6, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (74 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương), bị cáo Nguyễn Thành Tài (70 tuổi, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM) liên quan sai phạm hoán đổi “đất vàng” 185 Hai Bà Trưng, Q.3 (TP.HCM).

Theo bản án sơ thẩm, Công ty Diệp Bạch Dương đem thế chấp tài sản 57 Cao Thắng (Q.3) tại Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) TP.HCM từ năm 2008 đến nay chưa được giải chấp. Năm 2010, bị cáo Diệp vẫn thực hiện xin hoán đổi tài sản này để lấy tài sản 185 Hai Bà Trưng. Sau khi có tài sản 185 Hai Bà Trưng, bị cáo Diệp không đưa vào thay thế tài sản thế chấp tại Agribank như thỏa thuận, mà thế chấp tài sản này để vay 160 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là Sacombank). Hậu quả đến nay, sổ đỏ 57 Cao Thắng vẫn đang làm tài sản đảm bảo khoản vay tại Agribank, nhà nước mất tài sản 185 Hai Bà Trưng, thiệt hại hơn 186 tỉ đồng.

Có 4/10 bị cáo trong vụ án này kháng cáo. Trong đó, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp kháng cáo HĐXX phúc thẩm xét xử, tuyên bị cáo không phạm tội, trả tự do tại tòa. Bị cáo Nguyễn Thành Tài kháng cáo xin được miễn trách nhiệm hình sự. Công ty Diệp Bạch Dương kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đối với phần liên quan đến công ty. Sacombank kháng cáo đề nghị sửa phần nội dung bản án liên quan đến tài sản 185 Hai Bà Trưng.

Xét xử sơ thẩm vào tháng 11.2021, HĐXX tuyên phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Nguyễn Thành Tài 5 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 8 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của UBND TP.HCM từ 3 năm tù treo đến 4 năm 6 tháng tù. HĐXX tuyên thu hồi, xác lập lại quyền sở hữu nhà nước đối với nhà đất 185 Hai Bà Trưng và trả lại cho Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM. Hoàn trả tài sản 57 Cao Thắng cho Công ty Diệp Bạch Dương để giải quyết quan hệ thế chấp với Agribank.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.