Phúc thẩm cựu đại tá Phùng Anh Lê, người 'sẽ kêu oan đến chết'

20/04/2023 07:53 GMT+7

TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm, xét xử cựu đại tá Phùng Anh Lê về tội nhận hối lộ trong vụ án tha người trái pháp luật xảy ra tại Công an Q.Tây Hồ, Hà Nội.

Sáng nay 20.4, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của bị cáo Phùng Anh Lê (cựu đại tá, cựu Trưởng công an Q.Tây Hồ, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.Hà Nội), liên quan đến vụ tha người trái pháp luật.

Hồi tháng 8.2022, ông Lê bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù về tội nhận hối lộ. Ba cựu thuộc cấp của ông tại Công an Q.Tây Hồ cùng bị tuyên phạm tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù.

Sau phiên sơ thẩm, cựu Trưởng công an Q.Tây Hồ có đơn kháng cáo, cho rằng mình không phạm tội.

Tòa cấp cao xử phúc thẩm, cựu đại tá Phùng Anh Lê từng 'kêu oan đến chết' - Ảnh 1.

Bị cáo Phùng Anh Lê (cựu đại tá, cựu Trưởng công an Q.Tây Hồ) tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 8.2022

TRẦN CƯỜNG

Theo hồ sơ vụ án, ngày 22.9.2016, Nguyễn Hữu Tài (trú tại Hà Nội) bị Công an Q.Tây Hồ tạm giữ hình sự để điều tra vụ việc có dấu hiệu bắt giữ người trái phép. Người nhà của Tài thông qua các mối quan hệ, đưa 110 triệu đồng cho ông Phùng Anh Lê để nhờ giúp đỡ.

Nhận tiền, ông Lê chỉ đạo cấp dưới thả Tài ra khỏi nhà tạm giữ trái pháp luật. Tài được về nhà, vụ việc vi phạm không bị xử lý theo quy định.

Mãi đến năm 2021, Công an TP.Hà Nội phát hiện, xử lý hình sự Tài và đồng phạm, đồng thời chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao để điều tra sai phạm của các cán bộ tại Công an Q.Tây Hồ.

Quá trình xét xử sơ thẩm, ông Phùng Anh Lê liên tục bác bỏ cáo buộc của viện kiểm sát cũng như lời khai của những người liên quan, khẳng định mình không chỉ đạo thả người trái pháp luật, cũng không nhận hối lộ.

"Nếu tôi bị tuyên một năm hay 10 năm cũng như nhau, bởi tôi không có tội. Nếu tuyên tôi có tội, tôi sẽ kêu oan, chống án tới cùng" và "trước khi chết tôi sẽ di chúc cho vợ tôi, các con tôi kêu oan bằng được, bởi đây là danh dự của cả dòng họ nhà tôi", ông Lê từng nói trước tòa.

Đối đáp lại, đại diện viện kiểm sát dẫn lời khai 3 cựu thuộc cấp của ông Lê về việc được cựu Trưởng công an Q.Tây Hồ chỉ đạo thả người. "Chẳng ai đang làm công an lại đi nhận tội để vào tù ngồi cả, trừ khi có sự việc xảy ra, có vi phạm xảy ra", kiểm sát viên nói, để khẳng định lời khai của 3 cựu thuộc cấp là khách quan.

Sau khi cân nhắc, đánh giá toàn diện vụ án, hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định có đủ cơ sở kết luận ông Phùng Anh Lê nhận 110 triệu đồng rồi chỉ đạo miệng cho cấp dưới tha người trái pháp luật. Khi vụ việc bị điều tra, cựu Trưởng công an Q.Tây Hồ còn đến tận nhà một số người liên quan để hướng dẫn họ khai có lợi cho mình, thậm chí đổ lỗi cho cơ quan tố tụng.

Trong vụ án này, các bị cáo đều là những người được đào tạo, trưởng thành trong lực lượng công an nhân dân, được giao trọng trách đảm bảo an ninh trật tự nhưng đã vi phạm điều lệnh, vi phạm quy định pháp luật dẫn đến phạm tội. Bị cáo Lê là người chịu trách nhiệm chính.

Hội đồng xét xử đánh giá hành vi của các bị cáo đã xâm phạm trật tự trị an, gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tố tụng, nhất là cơ quan điều tra, gây mất niềm tin trong nhân dân, cần xử lý nghiêm minh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.