Sáng 29.12, đại diện Viện KSND tối cao tại phiên tòa phúc thẩm trình bày quan điểm tranh luận lại với ý kiến của các luật sư.
|
Ông Nguyễn Thế Thành, đại diện Viện KSND tối cao đang trình bày quan điểm tranh luận với ý kiến của luật sư - ảnh: Lê Nga
Trước khi đi vào phần tranh luận, ông Nguyễn Thế Thành, giữ quyền công tố tại tòa cho biết đã nghe rất kỹ các ý kiến tranh luận của các luật sư (LS) với thái độ trân trọng để tìm ra bản chất hành vi phạm tội. Ông Thành nêu quan điểm cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng đều có quyền đưa ra ý kiến của mình, còn quyết định và chấp nhận quan điểm của ai thuộc về HĐXX, nhưng cũng đề nghị: “Các LS hãy nghe kỹ ý kiến của Viện KSND để tránh trường hợp viện dẫn chưa chính xác, méo mó và có thể dẫn đến những đánh giá, hiểu nhầm từ phía công luận…”.
Đại diện Viện KSND tối cao đồng tình về những sai sót của bản án sơ thẩm mà luật sư của ACB, NaviBank đưa ra, nhưng cho rằng sai sót này không phải là sai sót nghiêm trọng. Tuy nhiên, đại diện Viện KSND tối cao cho rằng về hành vi chiếm đoạt trong trường hợp này đã thỏa mãn yếu tố về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và VietinBank không phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, đại diện Viện KSND tối cao nêu quan điểm đồng tình với ý kiến bảo vệ quyền lợi của các LS cho 5 công ty (Phương Đông, An Lộc, Hưng Yên, SBBS và Toàn Cầu) về việc tiền của các công ty này đã gửi hợp pháp, hợp lệ vào tài khoản thanh toán thật mở tại VietinBank, thuộc trách nhiệm quản lý của VietinBank, bị cáo Như với tư cách là quyền Trưởng phòng giao dịch
Điện Biên Phủ (VietinBank TP.HCM) lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao chiếm đoạt và VietinBank chính là nguyên đơn dân sự (đơn vị bị thiệt hại) còn 5 đơn vị này chỉ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Vị giữ quyền công tố bác ý kiến LS bào chữa cho bị cáo Như và LS bảo vệ quyền và lợi ích cho VietinBank, vì các LS không đề cập đến một chuỗi hành vi của Như diễn ra trong ngôi nhà VietinBank. “Như chiếm đoạt tiền của khách hàng trong tài khoản thanh toán với các lệnh chi giả, với các khoản tiền vài tỉ, vài chục tỉ đồng, với hàng ngàn giao dịch bất thường diễn ra trong một thời gian dài. Liệu VietinBank đã kiểm soát dòng tiền với các giao dịch đáng ngờ này theo quy định về phòng chống rửa tiền hay chưa?”, ông Thành đặt vấn đề.
VietinBank quản lý tốt, bị cáo Như không thể chiếm đoạt tiền
Cũng theo công tố viên, nếu nói VietinBank không giữ tiền của khách hàng trong tài khoản thanh toán, vậy khách hàng gửi tiền cho ai? Khách hàng gửi tiền vào tài khoản của VietinBank mở thì ai là người giữ tiền? Khách hàng muốn rút tiền ra khỏi tài khoản mở ở VietinBank thì có phải gặp nhân viên của VietinBank? Tài khoản tiền gửi thanh toán do VietinBank mở cho khách hàng nhưng VietinBank không quản lý thì ai quản lý? Hàng trăm ngàn khách hàng đang gửi tiền vào các ngân hàng thương mại dưới hình thức tài khoản tiền gửi thanh toán. Nếu không xác định rõ trách nhiệm của VietinBank trong việc giữ tiền của khách hàng trong vụ án này thì sẽ là một câu hỏi lớn được đặt ra.
Khi khách hàng gửi tiền vào tài khoản ở VietinBank đã phát sinh quan hệ gửi - giữ được pháp luật ghi nhận. Bản chất pháp lý của việc nhận tiền gửi trong tài khoản thanh toán không thuần túy là giao dịch gửi giữ thông thường mà bản chất là giao dịch lưỡng tính: giao dịch gửi giữ và vay tài sản. Ở đây là tiền. Trong đó, khách hàng là người gửi tiền, ngân hàng là người giữ tiền. Đương nhiên phát sinh trách nhiệm quản lý của VietinBank và hạn chế một số quyền sở hữu của chủ tài khoản. Chủ tài khoản muốn thực hiện giao dịch từ tài khoản của họ thì phải tuân thủ quy định của ngân hàng, quan trọng nhất là đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ của chứng từ giao dịch. Trách nhiệm của VietinBank trong quản lý tiền gửi thể hiện rõ trong trách nhiệm kiểm tra các giao dịch từ tài khoản nói chung. Nếu thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì dù Như có giăng bẫy thế nào cũng không thể chiếm đoạt được tiền của khách hàng.
Đối với những khoản tiền khách hàng gửi trong tài khoản bị nhân viên ngân hàng lợi dụng danh nghĩa, giả mạo chữ ký, làm lệnh chi giả chiếm đoạt tiền, trách nhiệm này trước hết thuộc về ngân hàng. Nói khách hàng mở tài khoản thanh toán không đúng thủ tục để chối bỏ trách nhiệm là bắt lỗi ngược. Thủ tục là do ngân hàng đặt ra, khách hàng không có trách nhiệm phải biết.
Vị công tố lập luận, tiền của khách hàng đang nằm trong sự kiểm tra, kiểm soát của VietinBank. VietinBank đang nắm quyền kiểm soát các lệnh chi tiền, các giao dịch từ tài khoản của khách hàng. Bị cáo Như phải dùng thủ đoạn gian dối liên quan đến quá trình quản lý, lợi dụng chức trách được giao mới chiếm đoạt được tiền của khách hàng. Trong trường hợp này, VietinBank bị chính Như lừa, lấy tiền đang trong sự quản lý của VietinBank. Như phải chịu trách nhiệm với VietinBank. VietinBank phải chịu trách nhiệm với khách hàng.
Bị cáo Như tham ô như thế nào ?
Theo Viện KSND tối cao, cần phải đánh giá, xâu chuỗi tất cả các
hành vi, theo logic để xác định đâu là nguyên nhân dẫn đến mất tiền. Bị
cáo Như chiếm đoạt tiền ở đâu, hành vi chiếm đoạt tiền cấu thành tội
phạm nào phải truy cứu bị cáo về tội đó. Cụ thể, nguyên nhân dẫn đến mất
tiền là do Như giả mạo chữ ký chủ tài khoản thật, lập lệnh chi giả,
cùng những sơ hở, lỏng lẻo trong quản lý tài chính của VietinBank. Hành
vi của Như lợi dụng nhiệm vụ quản lý của mình chiếm đoạt tài sản là tham
ô tài sản.
Vị công tố khẳng định, qua xem xét những phần không có kháng cáo,
kháng nghị, Viện KSND tối cao thấy việc điều tra không đầy đủ, có dấu
hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội của bị cáo Như nên đề nghị HĐXX phúc thẩm
hủy một phần bản án sơ thẩm đề điều tra lại đối với bị cáo Như về hành
vi tham ô là đúng với điều 241, 250 bộ luật Tố tụng hình sự.
Hôm nay phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận lại của các luật sư.
|
Bình luận (0)