Phục thiện giang hồ: Gã thanh niên 'hổ báo' hoàn lương

Quang Viên
Quang Viên
23/09/2023 06:22 GMT+7

13 tuổi đã xăm trổ đầy mình, cầm đầu đám giang hồ nhí đi cướp giật, đánh nhau, chơi ma túy đến thân tàn ma dại, vào tù ra tội, tưởng rằng sẽ chìm đắm trong vũng lầy tội lỗi, nhưng giờ đây, Trương Quang Anh Tú là một gương người tốt việc tốt của P.Đa Kao (Q.1, TP. HCM).

Đúng rằm tháng 7, tôi điện thoại gặp Trương Quang Anh Tú, thợ xăm nổi tiếng ở TP.HCM, Phó chủ nhiệm bộ môn xăm hình nghệ thuật, Khoa Thẩm mỹ và Chăm sóc sắc đẹp Trường trung cấp y tế trung ương. Tú cho biết anh đang đi nấu cơm công quả tại một ngôi chùa. Tôi đến chùa, thấy Tú mồ hôi đổ như tắm, miệt mài nấu hàng trăm suất ăn từ thiện. Làm xong việc công quả, Tú đưa tôi về căn phòng anh thuê để mở tiệm xăm và dạy nghệ thuật xăm.

Một thời "hổ báo"

Nghía đôi tay, vòng cổ Tú đầy hình xăm, tôi hỏi chắc thợ xăm nào cũng xăm để "tiếp thị" tay nghề? Tú cười xòa: "Em xăm từ lúc 13 tuổi lận. Lúc đó mình đưa cho người ta xăm để thể hiện vai trò đàn anh "hổ báo" trong giới giang hồ". Rồi Tú cởi áo cho tôi xem. Tôi nổi gai ốc khi thấy toàn thân của Tú chi chít những hình xăm, có nhiều hình mang chỉ dấu của dân giang hồ như đại bàng, xiềng xích, kỳ lân...

Phục thiện giang hồ: Gã thanh niên 'hổ báo' hoàn lương - Ảnh 1.

Gã thanh niên hổ báo năm xưa hiện thường xuyên làm từ thiện tại các mái ấm

NVCC

"13 tuổi, em đã là tên đầu trộm đuôi cướp rồi. Em quy tụ đám nhóc hư hỏng và cầm đầu bọn chúng đi cướp giật để kiếm tiền ăn chơi. Em có biệt danh là Tú kho đạn", Tú thật thà kể. Không chỉ đánh nhau, cướp giật, đòi nợ thuê… Tú tiết lộ các món ăn chơi thứ nào cũng biết và đã sa vào cái chết trắng. "Có tiền là chơi ma túy. Hết tiền là đi cướp giật để mua ma túy xài", Tú nói.

Năm 1999, băng của Tú chém một tay giang hồ khác vì tranh giành địa bàn "làm ăn". Băng của "Tú kho đạn" bị bắt trọn đưa đi ngồi tù. Tú bị án tù giam 12 tháng. "Vào trại giam, em vẫn chưa sợ, lại gây hấn đánh nhau trong trại. Ở trại giam trọn một năm thì ra tù", Tú thổ lộ.

Mãn hạn tù, Tú vẫn chứng nào tật ấy. "12 tháng tù có lẽ chưa "đủ đô" với em. Hơn nữa, bước ra khỏi trại giam em không biết đời mình sẽ về đâu. Ba và mẹ chia tay. Mẹ em làm giáo viên mầm non, lương ba đồng ba cọc mà nuôi 5 đứa con. Nghèo khổ, quẫn trí, em lại tiếp tục trở về con đường tội lỗi", Tú tâm sự. Để có tiền ăn chơi, xài ma túy, Tú gầy dựng lại băng nhóm đi đòi nợ thuê kiếm tiền…

Người mẹ giáo viên đặt cho con trai cái tên Anh Tú với mong ước con khi lớn lên sẽ anh minh tuấn tú. Thế nhưng, Anh Tú đã làm bà phải khóc cạn nước mắt. Khi Tú lậm sâu hơn vào ma túy, người mẹ khuyên răn đủ điều nhưng anh vẫn không từ bỏ. Thương con, bà chạy đôn chạy đáo kiếm tiền cho con cai nghiện tự nguyện. Nhưng với Tú, vào trại cai nghiện chỉ là "chiêu né" để không bị công an bắt. Cai nghiện dở dang, Tú lại về nhà giao du với đám bạn hư hỏng, rồi tái nghiện lại vào trại cai nghiện. "Mẹ em khóc lên khóc xuống, trối sống trối chết. Lúc tỉnh táo thấy mẹ như vậy thì thương quá nên cũng hứa sẽ từ bỏ ma túy. Nhưng lúc lên cơn thì em bất chấp tất cả", Tú kể lại bằng giọng bùi ngùi.

Thức tỉnh nhờ lời kinh của mẹ

Khi đã quá đau khổ và bất lực trước đứa con mà mình đã dùng tình mẫu tử và cả phương pháp sư phạm để dạy bảo nhưng vẫn thất bại, mẹ Tú tìm đến kinh kệ. Bà mong phép màu của Phật pháp sẽ soi đường dẫn lối, trợ duyên cho con mình thức tỉnh. Rồi rạng sáng một ngày vào năm 2005, khi khật khưỡng trở về sau cuộc chơi thí mạng, bước vào nhà, Tú thấy mẹ vẫn đang ngồi tụng kinh mong con bình yên trở về. Thời khắc ấy, anh chợt nhận ra mình đã gây cho mẹ quá nhiều đau khổ. "Em đứng lặng nhìn mẹ. Lần đầu tiên em rơi nước mắt. Và em quỳ xuống bên mẹ, chắp tay lạy Phật nguyện từ bỏ tội lỗi, làm lại cuộc đời", chàng trai "hổ báo" tâm tình.

Tôi hỏi làm sao để có thể vượt qua cơn nghiện, trong khi đi cai nghiện nhiều lần vẫn thất bại. Tú cho biết đó là thử thách rất lớn nếu không có ý chí và nghị lực mạnh mẽ. "Em đi uống bia. Thằng nào chơi ma túy sâu rồi thì uống vài chai bia là gục liền. Em uống bia rồi ngủ. Ngủ không được thì uống thuốc ngủ. Em chịu đựng sự vật vã kinh khủng khi thiếu ma túy mỗi ngày và chịu được 21 ngày thì cơ bản hết thèm ma túy và ăn ngon, tăng ký", Tú cho biết.

Từ bỏ được ma túy, Tú nghĩ đã đến lúc kiếm cái nghề nào đó ổn định để kiếm sống. Đầu tiên, anh mua giày dép về ngồi bán vỉa hè nhưng thu nhập quá thấp. Sau đó, Tú lóe lên ý tưởng làm thợ xăm vì nhớ lại mình từng tốn khá nhiều tiền cho thợ xăm hình "hổ báo" để làm dân anh chị. "Lúc đầu em tự học xăm trên mạng, sau đó đưa thân mình cho người ta xăm để học nghề", Tú nói.

Năm 2009, "Tú kho đạn" lấy vợ. Con gái đầu lòng ra đời truyền thêm năng lượng, kích thích anh phải làm việc nhiều hơn và sống tốt hơn. Trong nghề xăm, Tú thuê mặt bằng để mở rộng, vừa làm cho khách vừa giảng dạy học viên. Trước dịch Covid-19, anh còn dạy nghề miễn phí cho các học viên có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật. Hiện học viên của anh phần lớn là những người trẻ hư hỏng, không có công ăn việc làm. Họ đến với Tú không chỉ vì tay nghề rất giỏi của anh mà vì một người từng làm "đại ca" sẽ hiểu tâm tính để chia sẻ, giúp đỡ và có "chiêu" uốn nắn giúp các học viên bất hảo này trở thành người tốt.

Trong làng thợ xăm, Tú nổi danh với bàn tay tài hoa. Năm 2011, anh quyết tâm đăng ký học mỹ thuật tại Hội Mỹ thuật TP.HCM và tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Anh từng làm giám khảo cuộc thi VietNam Tattoo Convention. Đó là một cuộc thi có tính bước ngoặt để VN đưa loại hình này tiếp cận với thế giới. Tù còn được mời tham dự các sự kiện về xăm ở khu vực châu Á.

Bên cạnh đó, như để phần nào bù đắp lỗi lầm trong quá khứ, Trương Quang Anh Tú rất tích cực tham gia công tác thiện nguyện. Ban đầu, anh lập riêng nhóm từ thiện mang tên "Thiện Thắng" để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn những bữa cơm chay vào ngày rằm và mùng một hằng tháng. "Thiện Thắng là tên con trai em. Em đặt tên như vậy với ý nghĩa sống thiện thì mới thắng", Tú tiết lộ. Hiện nay, anh còn tham gia nhóm từ thiện "Nụ cười" để giúp thêm nhiều bữa ăn cho người nghèo.

Trong những chuyến đi phát cơm từ thiện, Tú đều đưa các con mình tham gia. Theo anh, làm như vậy để các con hiểu được nỗi khổ cực của người nghèo cũng như dạy cho con bài học về lòng nhân ái. Bỏ học giữa chừng nên mong ước của người cha từng sa vào vũng lầy tội lỗi này là quyết tâm cho bốn đứa con ăn học đàng hoàng. 

Bốn năm liên tiếp, Trương Quang Anh Tú được P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM vinh danh "Người tốt việc tốt". Anh ước mơ có điều kiện để thuê một mặt bằng lớn hơn để làm chỗ truyền nghề với giá ưu đãi cho những thanh thiếu niên hư hỏng, không có việc làm. Tham vọng của anh là đưa loại hình xăm của VN ra rộng rãi hơn với thế giới, cũng như làm thay đổi cái nhìn chưa thiện cảm của một số người về hình xăm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.