Phải chăng một người quét rác, một người nhặt ve chai, một em bé bán vé số, một người chạy xe ôm, một công nhân làm việc trong nhà máy, một cô gái bán hoa, một vụ tai nạn xe… chỉ là những thông tin vụn vặt? Phải chăng vũ trụ, trăng sao, biển cả… mới là đối tượng của thi ca? Chỉ nhìn thơ ca như vậy là một sai lầm và đấy cũng là một trong những cách mà người mang tên nhà thơ sẽ giết chết thơ. Walt Whitman (Mỹ) được coi là cha đẻ của thơ ca Mỹ nói: “Thơ ở dưới chân bạn, chỉ cần cúi xuống nhặt lên” - thơ ca ẩn giấu trong tất cả những gì chúng ta có thể nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy và chạm được vào. Tất cả phụ thuộc vào con mắt của nhà thơ, vào lương tâm của nhà thơ để mở tầng cuối cùng của hiện thực và mang thơ ca tới cho người đọc: “Chợt một ngày tôi nhận ra tôi/Từng lang thang dưới bầu trời chữ nghĩa/Tôi nghe được tiếng hát của mưa/Tiếng cười của nắng/Tiếng nói của cỏ cây/Tiếng rên của mây/Tiếng buồn của đất... Tiếng núi đồi hoa cỏ yêu nhau!/Tôi nghĩ thế giới này có thể sẽ mất đi/Nhưng còn lại vần thơ nhân cách” (Ngôn ngữ lên ngôi).
Đó là những câu thơ tôi muốn đọc lại nhiều lần. Đấy thực sự là một định nghĩa thơ của nhà thơ Phùng Hiệu. Nếu câu thơ “Chợt một ngày tôi nhận ra tôi/Từng lang thang dưới bầu trời chữ nghĩa” gợi mở ra vô tận như một bông hoa đang nở thì câu “Tôi nghĩ thế giới này có thể sẽ mất đi/Nhưng còn lại vần thơ nhân cách” tinh kết lại một hạt cây bền vững. Tôi muốn nói đến một đặc điểm, như là một phong cách của thơ Phùng Hiệu. Nhà thơ Phùng Hiệu còn là một nhà báo, đó cũng là một lý do khiến anh quan sát đời sống này một cách chi tiết và trung thực. Những hình ảnh, con người, sự việc trong thơ Phùng Hiệu trên bề mặt chỉ mang đến cho chúng ta những thông tin xã hội. Nhưng những hình ảnh ấy, những con người ấy và những sự việc ấy đã được Phùng Hiệu thi ca hóa. Khổ thơ dưới đây là một ví dụ: “Đến một ngày em nhận ra em/Thì giấc mơ đã tan về chốn cũ/Chiếc iPhone thưa thớt khách làng.../Một đêm vắng trên màn hình ế ẩm/Gọi em về - sa thải một cơn mơ” (Sa thải cơn mơ). Từ câu thơ thứ nhất đến câu thơ thứ tư của khổ thơ trên nghiêng về thông tin xã hội. Nhưng câu thơ cuối của khổ thơ “Gọi em về - sa thải một cơn mơ” là sự bùng nổ của nghệ thuật. “Sa thải một giấc mơ” chứa tầng tầng ý nghĩa, đau đớn, nhân văn và ám ảnh lạ lùng.
Tập thơ Biên bản thặng dư (NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành) có hai thách thức quá lớn không chỉ đối với nhà thơ Phùng Hiệu mà đối với hầu hết các nhà thơ. Thứ nhất là lòng quả cảm của nhà thơ khi cất tiếng về những bất hạnh, bất công, về sự thật trong thế giới người này. Thứ hai là thách thức của nghệ thuật thơ ca. Nhà thơ dám chọn lựa những hiện thực mà theo cách nhìn của nhiều người là ít thơ nhất. Phùng Hiệu đã đi qua cả hai thách thức đó. Anh đã đối mặt với những bất hạnh và bất công mà không hề sợ hãi và anh đã thi ca hóa được những thô nháp, trần trụi của đời sống. Đó là lời thách đấu đối với những thách thức, những đe dọa khi một nhà thơ bước vào trận chiến đấu bằng ngôn từ cho lẽ phải. Toàn bộ những gì anh viết trong tập thơ này đã minh chứng điều ấy.
Bình luận (0)