Với tinh thần sáng tạo, cần cù, Nguyễn Duy Phước (32 tuổi, thợ điện Công ty Pouyuen, Q.Bình Tân, TP.HCM) đã cải tiến thiết bị, máy móc, tiết kiệm cho doanh nghiệp hàng tỉ đồng.
Nguyễn Duy Phước bên chiếc máy xén biên do anh sáng chế - Ảnh: T.Đ
|
Sáng tạo nhỏ, hiệu quả lớn
Bạn bè gọi Phước là “Phước điện”. Năm 2004, chiếc máy xén biên cho đế giày cao su của phân xưởng thường xuyên bị trục trặc, nhất là phần lưỡi dao. “Chiếc máy nhập khẩu có giá 662 USD, lưỡi dao và các thiết bị cũng phải nhập nhưng bị hỏng hoài. Bức xúc, mình tự sáng chế chiếc máy tương tự. Máy hoạt động rất đơn giản, cấu tạo gồm 2 điện trở nhỏ có chức năng làm nóng lưỡi dao, kèm theo một đồng hồ để khống chế 2 điện trở, điện trở làm nóng đến một độ nhất định thì tự động ngắt. Độ nóng cộng với độ sắc của dao giúp công nhân xén biên đế giày gọn ơ, không trục trặc gì”, Nguyễn Duy Phước kể.
Thấy sáng chế của Phước hiệu quả, công ty đã đầu tư cho Phước hoàn thiện máy với giá chỉ 2,5 triệu đồng/cái, đẹp, hiệu quả, ít tốn kém chi phí thay phụ tùng, bảo hành.
Năm 2009 là thời điểm kinh tế khó khăn, công ty vận động công nhân đóng góp sáng kiến để tiết kiệm, mang lại hiệu quả sản xuất. Hưởng ứng cuộc vận động, Nguyễn Duy Phước có thêm sáng chế mang về giải nhất toàn khu về tiết kiệm điện. Cũng với sáng chế này, Phước được Thành đoàn TP.HCM trao tặng giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi.
Phước kể: “Trước đó, để sản xuất một đế giày, chiếc mô tơ của máy làm đế phải chạy liên tục trong 300 giây, trong khi việc này là không cần thiết. Thấy quá lãng phí, mình chế tạo một bo mạch chỉ cho mô tơ chạy trong 60 giây (thời gian đủ) thay vì 300 giây, tiết kiệm được 240 giây. Một ngày xưởng sản xuất 40.000 - 50.000 đế giày, tiết kiệm được 14 triệu đồng tiền điện mỗi ngày sản xuất”.
Lên chức và có thêm sáng chế mới
Sau những sáng tạo trên, từ năm 2009, Nguyễn Duy Phước trở thành cán bộ rồi khoa trưởng đơn vị công vụ (phụ trách điện). Đó cũng là cơ hội để Phước sáng tạo nhiều hơn. “Khi còn là công nhân, muốn làm cái này cái kia cũng khó hoặc không dám, vì đâu dễ đụng đến máy móc của công ty. Khi mình được quyền tự quyết thì dễ thực hiện những ý tưởng làm lợi cho công ty hơn”, Phước nói.
Chỉ riêng trong năm 2015, Nguyễn Duy Phước đã có 3 sáng chế, làm lợi hàng tỉ đồng. Sáng chế nổi trội nhất là thay công tắc tơ (khởi động từ) cho nhiệt độ máy ép đế giày cao su thành chiếc dobino. Giá thành một công tắc tơ gần 2 triệu đồng nhưng hỏng hoài, phải thay phụ tùng liên tục. Trong khi đó, chiếc dobino chỉ có giá vài chục ngàn đồng nhưng chức năng tương tự, ít hư hao.
“Công tắc tơ chỉ là một tiếp điểm bình thường, không cần thiết phải dùng đồ đắt tiền, lại hay hư hỏng, mỗi lần hư phải thay phụ tùng, sửa rất khó khăn…”, Phước kể lại. Sáng chế này đã giúp công ty tiết kiệm được hơn 1,5 tỉ đồng mỗi năm.
Không dừng lại, Nguyễn Duy Phước còn thay đổi hộp điện trở và dây điện trở cho máy làm đế giày. Hộp điện trở mới do Phước tạo ra đẹp, gọn hơn, dây điện trở không bị chập và không bị hư thường xuyên, giúp tiết kiệm hơn 300 triệu đồng/năm. Một sáng chế khác là thay đổi cấu trúc của cánh gà mở khuôn đế giày, giúp khuôn đế mở ra nhanh hơn, làm lợi cho công ty hơn 40 triệu đồng/năm.
“Phước điện” cho biết thêm: “Mình đang chuẩn bị công bố một sáng chế mới cho bạc đạn của máy ép đế, hy vọng sẽ mang lại cho công ty một khoản tiết kiệm không nhỏ”.
Thấy gì không ổn là tìm hiểu, sửa chữa
Ngoài những sáng chế trên, tại phân xưởng Phước thấy cái gì không ổn liên quan đến điện là mày mò tìm hiểu, sửa chữa, thay thế để phát huy tác dụng. Ví như việc sáng chế gắn hệ thống làm nóng - lạnh của máy uống nước phục vụ công nhân lên trên cao để tránh hư hỏng, do công nhân thường xuyên tạt nước uống thừa vào thân máy khi máy đặt dưới đất...
|
Bình luận (0)