Phương án vốn loay hoay trên giấy suốt 6 năm, dân mỏi mòn chờ tái định cư

Khánh Hoan
Khánh Hoan
16/12/2024 08:44 GMT+7

Người dân bị ảnh hưởng do thủy điện Bản Vẽ (H.Tương Dương, Nghệ An) nhiều năm qua mòn mỏi chờ hỗ trợ xây dựng khu tái định cư để ổn định cuộc sống, nhưng đến nay, việc bố trí vốn vẫn đang loay hoay trên các văn bản, giấy tờ.

Lời hứa kéo dài

Sau khi thủy điện Bản Vẽ tích nước để phát điện từ năm 2009, bản Xốp Cháo (xã Lượng Minh, H.Tương Dương) trở thành một ốc đảo vì nằm lọt thỏm trong lòng hồ thủy điện. Phương án di dời 109 hộ dân người dân tộc Khơ Mú ở bản này ra khỏi lòng hồ đã không thực hiện được vì người dân không muốn di cư xuống khu tái định ở H.Thanh Chương, cách đó gần 200 km.

Chính quyền và chủ đầu tư thủy điện Bản Vẽ sau đó đồng ý để người dân ở lại, hỗ trợ kinh phí để họ tự di chuyển nhà lên núi, phía trên cao trình tích nước của lòng hồ. Sau khi thủy điện Bản Vẽ tích nước, bản Xốp Cháo có 3 cụm dân cư, sống cách biệt nhau 1 - 2 km.

"Đường đi bị ngập chìm dưới hồ, người dân phải di chuyển bằng thuyền, cuộc sống rất khó khăn vì hạ tầng không có gì", ông Lô Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Lượng Minh, cho hay.

Phương án vốn loay hoay trên giấy suốt 6 năm, dân mỏi mòn chờ tái định cư- Ảnh 1.

Người dân xã Lượng Minh mất nhà trong đợt lũ năm 2018 đang chờ được hỗ trợ tái định cư

ẢNH: K.HOAN

Để thuận lợi hơn trong việc đầu tư hạ tầng, người dân bớt khó khăn, những năm qua, chính quyền địa phương đã vận động người dân tự di dời đến cụm Xốp Vi vì ở đây đã có trường học. Nhận thấy việc vận động của chính quyền là hợp lý nên đến nay, 109 hộ dân ở bản này đã dời nhà đến sống tập trung tại cụm Xốp Vi. Tuy nhiên, ngoài điểm trường học, hạ tầng ở đây vẫn còn rất nghèo nàn.

Cuối tháng 8.2018, mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 4, thủy điện Bản Vẽ xả lũ ồ ạt khiến nhiều nhà dân sống ven sông Nậm Nơn bị cuốn trôi. Tại cuộc họp ngày 28.3.2019 do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, hướng giải quyết đã được thống nhất. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các địa phương liên quan rà soát, xử lý các vướng mắc trong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân bản Xốp Cháo và thiệt hại sau bão số 4 của các hộ dân xã Yên Na để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Sau đó, UBND H.Tương Dương và cơ quan liên quan đã khảo sát, lập hồ sơ khái toán kinh phí hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho người dân. Tổng công ty phát điện 1 (Tập Đoàn điện lực Việt Nam) đã thống nhất hỗ trợ xây dựng khu tái định cư tại bản Xốp Cháo hơn 25 tỉ đồng (bao gồm các hạng mục đường giao thông, cầu nối bản Xốp Cháo với bản Cà Moong, hệ thống cấp nước tự chảy) và khu tái định cư Khe Chóng để di dời khẩn cấp 19 hộ dân tại Bản Vẽ (xã Yên Na, H.Tương Dương) bị sạt lở đất trôi nhà do thủy điện Bản Vẽ xả lũ với kinh phí hơn 5,5 tỉ đồng.

Từ đó đến nay, đã có rất nhiều công văn, báo cáo của UBND H.Tương Dương, UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Công thương, Văn phòng Chính phủ…, nhưng việc xây dựng hạ tầng để người dân 2 bản kể trên ổn định cuộc sống vẫn chưa được thực hiện. Ngày 28.8 vừa qua, Bộ Công thương có văn bản báo cáo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà kiến nghị cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện hỗ trợ người dân tái định cư với kinh phí từ nguồn đầu tư dự án. Ngày 14.10, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công thương, UBND tỉnh Nghệ An, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương phối hợp, triển khai thực hiện các biện pháp đã thống nhất để ổn định cuộc sống cho người dân.

Thế nhưng, ngày 26.11, Tổng công ty phát điện 1 lại có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An viện dẫn quy định của luật Xây dựng và Nghị định số 10 năm 2021 cho rằng đơn vị này không đủ thẩm quyền chấp thuận hỗ trợ tái định cư bổ sung bằng nguồn vốn của dự án mà thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ.

Phương án vốn loay hoay trên giấy suốt 6 năm, dân mỏi mòn chờ tái định cư- Ảnh 2.

Người dân bản Xốp Cháo phải di chuyển bằng thuyền để ra trung tâm xã Lượng Minh

ẢNH: K.HOAN

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 11.12 vừa qua, câu chuyện loay hoay hỗ trợ kinh phí này được một số đại biểu đưa ra để chất vấn lãnh đạo Sở Công thương Nghệ An và lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An. Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An, cho rằng việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do thủy điện Bản Vẽ đã được các bên liên quan thống nhất từ 2019.

"Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Tổng công ty Điện lực Việt Nam sớm làm việc này cho dân. Nhưng Tổng công ty phát điện 1 thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam lại bắt bẻ câu chữ là Chính phủ phải đồng ý thì mới làm. Tôi đề nghị Sở Công thương tiếp tục khâu nối với Bộ Công thương, UBND tỉnh sẽ trực tiếp làm việc với Tổng công ty Điện lực Việt Nam để sớm dứt điểm có thực hiện được hay không", ông Hiếu nói.

Mỏi mòn chờ đợi

Ông Lô Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Lượng Minh, cho biết do nơi ở cũ bị ngập dưới lòng hồ thủy điện Bản Vẽ nên kể từ khi thủy điện Bản Vẽ tích nước, người dân ở bản Xốp Cháo gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giao thông.

"Xốp Cháo có 109 hộ nhưng chỉ mới có 44 hộ được hỗ trợ tiền di dời nhà, mỗi hộ 10 triệu đồng, số còn lại chưa có gì. Người dân đang rất khó khăn vì hạ tầng còn quá sơ sài. Dân và xã đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri sớm hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả", ông Hùng nói.

Tại xã Yên Na kề bên, 19 hộ dân bị lũ cuốn trôi nhà được Tổng công ty phát điện 1 thống nhất hỗ trợ hơn 5,5 tỉ đồng để đưa người dân ra khỏi vùng sạt lở do thủy điện Bản Vẽ xả lũ năm 2018. Sau nhiều năm chờ đợi nhưng tiền hỗ trợ vẫn mịt mù khơi xa, người dân đã phải tự tìm đến khu vực ở gần thủy điện Bản Vẽ để dựng nhà ở.

Ông Vi Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Yên Na, cho hay khu vực 19 hộ dân này đang sinh sống do hạ tầng chưa được đầu tư nên cuộc sống của người dân rất khó khăn. "6 năm rồi, năm nào dân cũng kêu. Họ đã quá mệt mỏi nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì", ông Tùng phản ánh.

Phó chủ tịch UBND H.Tương Dương Nguyễn Hữu Hiến cho rằng các cuộc họp, văn bản đều đã thống nhất phương án hỗ trợ, nhưng đến nay, Tổng công ty phát điện 1 lại nói không đủ thẩm quyền quyết định là rất khó hiểu. Quan điểm của huyện là phía chủ đầu tư phải có trách nhiệm hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.