Như Thanh Niên đã thông tin trước đó, lý do phim Phượng khấu (phim dựa trên những sự kiện lịch sử trong chính sử cùng các giai thoại thơ mộng được ghi lại trong ngoại sử và lưu truyền trong dân gian, ở các triều đại nhà Nguyễn từ đời vua Thiệu Trị đến đời vua Tự Đức) không chọn Huế để quay chính cho phim Phượng khấu là vì có quá nhiều rủi ro.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết các công trình tại Đại nội hiện tại không đáp ứng đủ kịch bản của bộ phim, đặc biệt là khu điện Càn Thành, cung Khôn Thái và khu Lục viện - những bối cảnh chính của bộ phim, tất cả đều đã không còn dấu vết nào nữa. Đoàn phim cũng đã khảo sát khu vực các lăng tẩm của Hoàng đế Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, song vẫn gặp nhiều khó khăn lẫn bất cập cả về khách quan lẫn chủ quan nếu chọn làm bối cảnh.
|
Do đó, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và ê kíp đã quyết định chọn giải pháp: thực hiện các cảnh quay nội (chiếm khoảng 80%) tại Làng cổ Phước Lộc Thọ, Long An; các cảnh quay ngoại và đại cảnh được quay tại các di tích của cố đô Huế.
Theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, kinh phí cho mùa 1 của phim Phượng khấu đến nay đã đội lên hơn 16 tỉ đồng, và phần lớn dành cho khâu chế tác phục trang, bối cảnh. “Khán giả đừng quá kỳ vọng vào việc Phượng khấu sẽ giống Như Ý truyện hay Diên Hi công lược về độ hoành tráng, nhưng tôi tin hồn Việt trong Phượng khấu sẽ rất rõ nét”, Huỳnh Tuấn Anh thổ lộ.
Anh cho biết phần diễn xuất của các nghệ sĩ, diễn viên thế hệ trước: Hồng Vân, Minh Trang, Thành Lộc, Hồng Đào, Tuyết Thu, Ngọc Hiệp… là điều mà anh cũng như đoàn phim luôn tự hào. “Bộ phim là dịp hiếm hoi các nghệ sĩ thế hệ này cùng hội ngộ và tôi tin chính họ mới có thể truyền tải trọn vẹn tinh thần của người xưa”, đạo diễn nhìn nhận.
|
Trở lại Việt Nam sau nhiều tháng an dưỡng tại Mỹ nhằm phục hồi sức khỏe sau một năm 2019 khá “lao lực”, trên phim trường Phượng khấu, nghệ sĩ Hồng Đào vẫn toát lên vẻ trẻ trung và tươi tắn. Chị cũng bày tỏ sự vui mừng lẫn bất ngờ khi có cuộc hội ngộ đặc biệt với nghệ sĩ Thành Lộc, Hồng Vân, Minh Trang…, những người bạn diễn thân thiết của mình trên sân khấu kịch 5B cách đây rất nhiều năm.
|
Nhiều cổ phục lần đầu lên màn ảnh
Tại phim trường Phượng khấu, lần đầu tiên các “bảo vật” của phim đã được hé lộ. Đáng chú ý nhất là tấm sắc phong hiện vật thật 100%, có niên đại vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821), được dùng làm đạo cụ cho phim. Không chỉ vậy, người xem có lẽ còn “choáng” nếu mục sở thị kho phục trang, đạo cụ được phỏng dựng gần giống với hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế như: áo Long bào, áo Phượng bào, mũ Cửu long thông thiên, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, gối xếp dựa tay năm lá…
|
Ê-kíp làm phim cũng “hé lộ” bộ sưu tập hơn 400 trang phục triều Nguyễn, từ những chiếc áo Long bào, Phượng bào, Nhật bình được thêu cầu kỳ, tinh xảo, cho đến những dạng thức áo ngũ thân đơn giản. Bên cạnh đó, tại Làng cổ Phước Lộc Thọ, một phần các bối cảnh sẽ xuất hiện trong phim như: điện Hoàng Phước, điện Càn Thành, ban Tiên Quế, phủ đệ… đang được thực hiện với sự nghiên cứu kỹ lưỡng không ngoài mong muốn mang đến cho công chúng phần nào hình dung, cảm nhận về thời vàng son nhung gấm thuở xưa.
|
|
Nhà sản xuất và đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thừa nhận trong quá trình nghiên cứu và chế tác, ê kíp hẳn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, nhưng “có thể khẳng định đây là bộ phim tái hiện gần đúng nhất với phục trang triều Nguyễn trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, trong đó có rất nhiều các loại cổ phục đã lần đầu tiên được đưa lên màn ảnh: Long bào, Phượng bào, Nhật bình của các cấp phi tần, Mãng bào, Mãng lan; mũ Cửu long thông thiên, mũ Cửu phượng quan, các loại mũ phốc đầu của quan văn - võ, mũ xuân thu”. Tất cả đều do Ỷ Vân Hiên đảm trách cùng với sự tư vấn hỗ trợ của nghệ nhân Vũ Kim Lộc - nghệ nhân chuyên thực hiện phục dựng mũ mão triều Nguyễn.
Phượng khấu dự kiến có 3 mùa, được phát hành trên ứng dụng POPS - một thử nghiệm hoàn toàn mới của Việt Nam. Mùa 1 Phượng Khấu sẽ công chiếu từ ngày 5.3 với 6 tập, mỗi tập 60 phút.
Bình luận (0)