Phương Tây cam kết lâu dài cho Ukraine

Bảo Vinh
Bảo Vinh
13/07/2023 05:36 GMT+7

Phương Tây đã đưa ra những đảm bảo an ninh dài hạn cho Ukraine sau khi NATO dập tắt hy vọng của Kyiv về một mốc thời gian cụ thể cho việc gia nhập liên minh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 12.7 có cuộc họp với các nhà lãnh đạo chủ chốt của NATO tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở thủ đô Vilnius của Lithuania, một ngày sau khi ông chỉ trích họ vì không hành động nhanh hơn nhằm kết nạp Kyiv làm thành viên.

Phương Tây cam kết lâu dài cho Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt tay Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Vilnius ngày 12.7

Reuters

Nhiều viện trợ cho Ukraine

Trong tuyên bố kết thúc ngày họp đầu tiên, các lãnh đạo NATO nói tương lai của Ukraine ở trong NATO nhưng chỉ hứa sẽ mời nước này gia nhập khi "các đồng minh đồng ý và những điều kiện được đáp ứng", theo Reuters. Giới quan sát cho rằng cam kết này không khác gì so với điều đã được đưa ra hồi năm 2008, đồng thời phản ánh lo ngại của nhiều thành viên NATO về khả năng bị kéo vào xung đột trực tiếp với Nga. Tổng thống Zelensky đã bày tỏ sự thất vọng và miêu tả hành động do dự của NATO là "điều vô lý".

Ukraine đạt được những gì từ hội nghị thượng đỉnh NATO?

Tuy nhiên, Ukraine được cho là không trắng tay ra về. Trong ngày cuối của hội nghị hôm qua, phiên họp đầu tiên của Hội đồng NATO-Ukraine đã khai mạc. Tạp chí Time dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hội đồng là nền tảng để Ukraine và các thành viên NATO tham vấn và cùng ra quyết định. Đây cũng là phương tiện để Ukraine có thể triệu tập các cuộc họp khủng hoảng và thắt chặt quy mô hợp tác với NATO. Các nhà quan sát cho rằng việc thành lập hội đồng này là bước quan trọng cho tham vọng gia nhập NATO của Ukraine.

Bên cạnh đó, Ukraine cũng được trấn an với hàng loạt cam kết viện trợ an ninh và tài chính từ phương Tây. Chính phủ Anh hôm qua cho biết nhóm G7 sẽ đưa ra tuyên bố chung về việc giúp đỡ Ukraine đánh bại Nga và ngăn chặn các hành động tương tự trong tương lai. Theo Reuters, một khuôn khổ sẽ được thiết lập để từng nước đàm phán các thỏa thuận song phương với Ukraine về vũ khí mà họ sẽ cung cấp và các hình thức viện trợ khác như huấn luyện binh sĩ, chia sẻ tình báo và phòng thủ trên mạng. Đổi lại, Ukraine sẽ cam kết thúc đẩy các cải cách quản trị và tư pháp trong nước.

"Tương lai của Ukraine là trong NATO", nhưng chưa rõ điều kiện

Nga, Trung Quốc cảnh báo

Đáp lại những động thái trên, Điện Kremlin hôm qua cảnh báo việc phương Tây trao những cam kết an ninh cho Ukraine là hành động "rất nguy hiểm" và xâm phạm an ninh của Nga.

Hãng TASS trích lời Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng việc phương Tây gửi vũ khí cho Ukraine sẽ khiến Thế chiến 3 đến gần hơn. Cựu Tổng thống Nga nhấn mạnh Moscow sẽ tiếp tục "chiến dịch quân sự đặc biệt" và giữ nguyên các mục tiêu, gồm ngăn chặn Kyiv gia nhập NATO.

Chiến sự căng thẳng

Quân đội Ukraine ngày 12.7 thông báo thủ đô Kyiv bị tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) cảm tử trong đêm thứ hai liên tiếp. Trong một thông báo trên Facebook, Ukraine nói đã ngăn chặn 11/15 UAV. Đồng thời, Ukraine cũng cho biết chiến sự ác liệt xảy ra tại miền đông và đông nam của nước này nhưng các lực lượng đã đạt thành công nhất định ở phía nam TP.Bakhmut tại tỉnh Donetsk.

Trong khi đó, TASS dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói Ukraine mất hơn 26.000 quân và hơn 3.000 khí tài quân sự hạng nặng trong cuộc phản công từ đầu tháng 6. Ukraine không bình luận về tuyên bố này.

Cựu Tổng thống Nga nói viện trợ của NATO cho Ukraine khiến Thế chiến 3 đến gần

Trả lời phỏng vấn tờ Kompas của Indonesia trong chuyến công tác tại đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine sẽ tiếp tục cho đến khi phương Tây từ bỏ kế hoạch duy trì sự thống trị và thôi ám ảnh với mong muốn gây ra một thất bại chiến lược cho Nga thông qua Ukraine.

Trong một diễn biến liên quan, phát ngôn viên Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua kêu gọi NATO ngừng những cáo buộc vô căn cứ và phát ngôn khiêu khích nhắm vào Bắc Kinh. Trước đó một ngày, lãnh đạo các nước NATO đã đưa ra một thông cáo với ngôn từ mạnh mẽ trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh tại Lithuania, cho rằng Trung Quốc đã thách thức an ninh, các lợi ích và giá trị của tổ chức này.

Phái bộ Trung Quốc tại Liên minh Châu Âu (EU) đã bác bỏ tuyên bố của NATO, đồng thời phản đối việc "NATO dịch chuyển về phía đông, hướng sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương". Phái bộ Trung Quốc cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào đe dọa các quyền của nước này đều sẽ dẫn đến phản ứng cứng rắn từ Bắc Kinh.

Điều gì sẽ xảy ra khi Ukraine gia nhập NATO?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.