Phương Tây chia rẽ vì chuyện vũ trang cho Ukraine

09/02/2015 05:21 GMT+7

Bất đồng đã nảy sinh giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, nhất là Đức, liên quan đến ý định cung cấp vũ khí cho chính quyền Ukraine.

Bất đồng đã nảy sinh giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, nhất là Đức, liên quan đến ý định cung cấp vũ khí cho chính quyền Ukraine.

Quân đội Ukraine tuần tra tại thị trấn Debaltseve, nơi đang bị phe nổi dậy vây hãm từ nhiều ngày qua - Ảnh: AFP
Quân đội Ukraine tuần tra tại thị trấn Debaltseve, nơi đang bị phe nổi dậy vây hãm từ nhiều ngày qua - Ảnh: AFP
Tại Hội nghị An ninh Munich 2015 đang diễn ra ở Đức, Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel một lần nữa thẳng thừng bác bỏ khả năng viện trợ vũ khí cho Ukraine. Tờ Le Monde dẫn lời bà Merkel nhận định: “Tôi không cho rằng việc quân đội Ukraine được tăng cường vũ trang có thể khiến Nga lo ngại mà chỉ làm gia tăng thương vong. Cuộc xung đột này không thể giải quyết bằng quân sự. Cần tập trung vào giải pháp ngoại giao và nếu cần thì dùng đến các biện pháp trừng phạt kinh tế. Đó mới là điểm mạnh của chúng ta”.
Theo bà, gìn giữ hòa bình mới là mục tiêu quan trọng nhất của châu Âu và bằng chứng là chiến tranh đã không nổ ra trong suốt thời kỳ tồn tại của bức tường Berlin phân chia giữa CHDC Đức và CHLB Đức. Trước đó, nhiều thành viên của NATO cũng tỏ ra không ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev, bất chấp kêu gọi của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Tờ Le Monde dẫn nguồn tin từ giới chức Đức cho biết Berlin rất lo ngại viễn cảnh Washington cung cấp vũ khí cho Kiev sẽ là tiền đề để Moscow trang bị vũ khí hạng nặng cho lực lượng nổi dậy ở miền đông. Khi đó, EU có nguy cơ bị Mỹ áp đặt về mặt giải pháp và vấn đề Ukraine trở thành “cuộc chơi riêng” giữa Washington và Moscow.
Thái độ cứng rắn của Thủ tướng Đức lập tức làm nảy sinh chỉ trích dữ dội từ một số nghị sĩ hàng đầu của Mỹ, nước được cho là đang cân nhắc khả năng cung cấp vũ khí cho Kiev. Theo AFP, thượng nghị sĩ John McCain cho rằng khi nhắc về thời Chiến tranh lạnh, bà Merkel đã “quên” việc Mỹ đã “hỗ trợ bảo vệ” CHLB Đức trước sức ép của CHDC Đức và Liên Xô. Trước nguy cơ căng thẳng dâng cao, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 8.2 phải lên tiếng trấn an: “Tôi bảo đảm với mọi người rằng không có sự chia rẽ nào cả. Chúng tôi đang đoàn kết và phối hợp chặt chẽ với nhau. Chúng tôi thống nhất về ngoại giao và nhất trí rằng thách thức này sẽ không chấm dứt bằng vũ lực quân sự”. Dự kiến Thủ tướng Merkel sẽ thăm Mỹ vào hôm nay 9.2 để thảo luận chi tiết với Tổng thống Mỹ Barack Obama về kế hoạch hòa bình cho Ukraine do Đức và Pháp đề xuất.
Cũng trong ngày 8.2, Thủ tướng Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm 4 bên về tình hình miền đông Ukraine. Cả 4 nhà lãnh đạo dự kiến cùng gặp gỡ đại diện phe nổi dậy và đại diện Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại thủ đô Minsk của Belarus vào ngày 11.2. Hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố nước ông mong đợi cuộc gặp tại Minsk “sẽ giúp đưa ra những quyết định quan trọng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.