Để đáp trả việc Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine vào ngày 24.2.2022, phương Tây đã quyết định áp đặt hàng loạt các biện pháp cứng rắn chưa từng thấy đối với Moscow, trong đó có việc đóng băng khoảng 350 tỉ USD dự trữ ngoại hối cũng như tài sản của giới tài phiệt nước này.
Gần một năm đã trôi qua và khối tài sản khổng lồ này gần như vẫn đang "nằm im". Do đó, các chính trị gia và các nhà vận động phương Tây đang thúc đẩy chuyển giao khối tài sản này cho Ukraine để phục vụ quá trình tái thiết cơ sở hạ tầng, nhà cửa, cầu đường và các doanh nghiệp của nước này bị phá hủy trong chiến tranh.
Tuy nhiên, việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga không hề dễ dàng do vướng phải khá nhiều ràng buộc pháp lý.
Những động thái của Phương Tây
Từ tháng 11.2022, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất xây dựng một cấu trúc để quản lý khối tài sản bị đóng băng của Ngân hàng trung ương Nga và các nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt.
Giữ 8 tỉ USD tài sản Nga, Thụy Sĩ xem tịch thu là vi hiến
Đầu năm 2023, tại Hội nghị thượng đỉnh của của Liên minh châu Âu (EU) tại Brussel (Bỉ), các nhà lãnh đạo Ba Lan, Latvia, Lithuania và Estonia đã gửi thư tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (hiện đang là Chủ tịch luân phiên của EU) để hối thúc khối sớm quyết định việc tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga, sau đó chuyển giao cho Ukraine để hỗ trợ quá trình tái thiết ở đất nước này. Lãnh đạo các nước trên nêu rõ rằng những hướng dẫn của EU sẽ là cơ sở cho đề xuất hợp pháp về việc sử dụng tài sản bị đóng băng nhằm hỗ trợ tái thiết Ukraine, đồng thời thúc giục hoàn thiện các văn bản này ngay lập tức.
Tính đến nay, Estonia là nước đầu tiên của EU công bố kế hoạch riêng về việc tịch thu tài sản của Nga. Theo Cơ quan Tình báo Tài chính Estonia, tài sản của Nga bị đóng băng ở nước này lên tới gần 20 triệu euro (21,5 triệu USD).
Cuối tháng 12.2022, lần đầu tiên Canada xúc tiến các thủ tục để chuyển giao khoảng 26 triệu USD thuộc về một công ty bị trừng phạt của nhà tài phiệt Nga Roman Abramovich cho Kyiv. Động thái này của Canada bị Nga coi như "ăn cướp giữa ban ngày". Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ) hồi giữa tháng 1 vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland phát biểu nhấn mạnh đã có quá nhiều thiệt hại trong cuộc chiến tại Ukraine và "quốc gia gây ra thiệt hại phải trả giá".
Về phía Mỹ, mặc dù chính quyền Tổng thống Joe Biden tỏ ra khá thận trọng về vấn đề này nhưng quốc hội Mỹ cũng đã tổ chức các phiên điều trần khác nhau về cách thức thay đổi các quy định của pháp luật, sao cho có thể tịch thu vĩnh viễn khối tài sản bị phong tỏa của Nga. Tháng 12.2022, Tổng thống Biden đã ký thông qua luật cho phép Bộ Tư pháp chuyển số tài sản tịch thu của Nga cho Bộ Ngoại giao Mỹ để hỗ trợ Ukraine.
Mới đây, ngày 4.2, sau nhiều lần "đánh tiếng", chính phủ Mỹ đã có lần đầu tiên trong lịch sử chính thức phê chuẩn việc tịch thu tài sản bị phong tỏa của một nhà tài phiệt Nga để viện trợ cho Ukraine. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland xác nhận những tài sản bị tịch thu này liên quan đến bản cáo trạng mà ông đã công bố hồi tháng 4.2022 nhắm vào nhà tài phiệt Nga Konstantin Malofeyev về "tội trốn tránh lệnh trừng phạt".
Tạp chí Forbes: Số lượng tỉ phú Nga giảm mạnh vì cấm vận
Nga đã lên án kế hoạch này của Mỹ và cảnh báo việc này sẽ làm "suy yếu niềm tin vào hệ thống tài chính toàn cầu và bảo vệ tài sản cá nhân". Đại sứ quán Nga tại Mỹ cáo buộc Washington "coi thường các quy tắc pháp lý được chấp nhận rộng rãi". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố bất kỳ nỗ lực nào nhằm lấy các khoản tiền thuộc sở hữu của Nga và chuyển đến Ukraine là vi phạm quyền sở hữu và Moscow sẽ đáp trả bằng các biện pháp đối phó "thích hợp".
Thách thức pháp lý là không nhỏ
Theo quy định của luật pháp quốc tế, việc tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga vẫn là bất hợp pháp, phá hoại trật tự dựa trên luật lệ.
Hiện các chuyên gia pháp lý phân biệt rõ ràng giữa tài sản tư nhân bị chính phủ phương Tây đóng băng như du thuyền, máy bay trực thăng, bất động sản và tác phẩm nghệ thuật của các nhà tài phiệt và tài sản nhà nước như dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga.
Thứ nhất, đối với khối tài sản tư nhân, các biện pháp bảo vệ pháp lý khiến các quốc gia phương Tây chỉ được phép tịch thu chúng vĩnh viễn trong trường hợp rất hạn chế và thường là khi chúng được chứng minh là tài sản do phạm tội mà có.
Chuyên gia luật quốc tế Anton Moiseienko, Đại học Quốc gia Úc, lưu ý rằng việc xác định các tài sản bị phong tỏa có phải do phạm tội mà có hay không là rất khó, nhất là trong bối cảnh Nga sẽ khó mà hợp tác trong vấn đề này. Hơn nữa, việc tịch thu tài sản sẽ gặp phải các thách thức về vấn đề nhân quyền và pháp lý cơ bản, như quyền sở hữu tài sản hay quyền được bảo vệ khỏi bị trừng phạt tùy tiện.
Bên cạnh đó, cam kết của phương Tây với việc tôn trọng pháp quyền cũng là một yếu tố cần phải cân nhắc. Các vấn đề phát sinh liên quan các hiệp ước đầu tư song phương hoặc quốc tế đã ký với Nga có khả năng sẽ khiến phương Tây phải đối mặt với hàng loạt khiếu kiện pháp lý tại các tòa án trọng tài quốc tế trong tương lai.
Chuyên gia Moiseienko cho biết hiện mới chỉ có Canada là quốc gia duy nhất đang theo đuổi cách tiếp cận "cứng rắn độc nhất".
Thứ hai, đối với khối tài sản nhà nước như dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga, việc tịch thu đối mặt hàng loạt các vấn đề không kém phần phức tạp vì chúng được bảo vệ bởi các quy định về "quyền miễn trừ chủ quyền", có nghĩa là "một quốc gia sẽ không tịch thu tài sản của quốc gia khác".
Hiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu hay Ngân hàng Nhật Bản được cho là đã phong tỏa khoản dự trữ trị giá khoảng 300 tỉ USD của Nga.
Ngay từ tháng 6.2022, trong một bài viết trên chuyên san Capital Markets Law Journal, chuyên gia Paul B. Stephen đã nói rằng luật quốc tế về quyền miễn trừ của nhà nước thường bảo vệ tài sản của nhà nước khỏi bị tịch thu. Có những trường hợp ngoại lệ nhưng phạm vi lại không rõ ràng.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra đến nay, các học giả quốc tế đã tranh luận khá nhiều về việc liệu phương Tây có thể tịch thu khối tài sản của Nga hay không. Một số học giả viện dẫn điều luật cho rằng một quốc gia có thể áp đặt cái giá phải trả cho một quốc gia khác khi họ hành động bên ngoài giới hạn của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, điều này cũng hoàn toàn có thể đảo ngược. Bên cạnh đó, một số luật sư cũng tin rằng cơ hội tốt nhất để Ukraine được bồi thường là "cố gắng đạt được một thỏa thuận có lợi để chấm dứt giao tranh, trong đó bao gồm cả việc bồi thường - điều mà Ukraine có quyền được hưởng theo quy định của luật pháp quốc tế".
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại cho rằng, mặc dù ý tưởng về việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga là khá "hấp dẫn" nhưng "không cần thiết và không khôn ngoan" bởi dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga là tiền công và do đó hoàn toàn khác với tài sản bị đóng băng của các cá nhân Nga bị trừng phạt, cho dù đôi khi chúng được gộp chung với nhau. Trong một bài viết cho tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels vào tháng 5 năm ngoái, hai chuyên gia kinh tế, tài chính Nicolas Véron và Joshua Kirschenbaum viết rằng: "Các quỹ của Ngân hàng Nga được nhà nước Nga mua lại, do đó, về nguyên tắc nó thay mặt cho người dân Nga và nhìn chung không thể coi là bất hợp pháp".
Cho đến nay, việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga là không hề dễ dàng bởi nó đang vướng phải khá nhiều rào cản pháp lý. Rõ ràng, "nói luôn luôn dễ hơn làm".
Bình luận (0)