Phương Tây tránh đối đầu Nga, Iran
15/04/2018 07:50 GMT+7
Cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu nhắm vào Syria hôm qua được tính toán kỹ lưỡng nhằm tránh xung đột trực tiếp với Nga và Iran.
Tự động phát
Theo giới quan sát, vụ tấn công của Mỹ, Anh và Pháp ngày 14.4 mạnh hơn so với đợt phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk hồi tháng 4.2017 nhưng khó gây nguy cơ bùng phát xung đột. Washington cùng 2 đồng minh đã cẩn thận lựa chọn các mục tiêu nhất định liên quan trực tiếp đến chương trình vũ khí hóa học của Damascus, như những nơi bị nghi là cơ sở nghiên cứu và kho lưu trữ vũ khí hóa học, trong một đòn duy nhất. Các căn cứ quan trọng của Syria, những cơ sở có sự hiện diện của quân nhân Nga và Iran cũng như phủ tổng thống không bị tấn công.
|
Vì thế, cuộc tập kích chớp nhoáng rạng sáng qua nhiều khả năng sẽ không làm thay đổi tình hình Syria, nhưng phương Tây hy vọng sẽ đủ sức nặng để răn đe chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad không sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời không gây ra thiệt hại quá nặng để Nga và Iran phải can thiệp.
Tránh đối đầu
Trong cuộc họp báo hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói rõ cuộc tấn công “chính xác”, được tiến hành với sự cân nhắc nhằm giảm thiểu nguy cơ cho tính mạng của binh sĩ Nga.
Đòn đánh phối hợp lần này cũng được cho là không nhằm mục đích thay đổi chế độ tại Syria như tuyên bố của các quan chức phương Tây sau cuộc tấn công. Trong động thái chứng tỏ căng thẳng về Syria không vượt tầm kiểm soát, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố “những mục tiêu đã được hoàn thành” và không nhắm vào “đồng minh của Assad cũng như dân thường” tại Syria. Ông Le Drian cũng thông báo Tổng thống Emmanuel Macron vẫn sẽ đến thăm Nga vào tháng 5 như dự kiến.
Trả đũa gián tiếp ?
Bên cạnh đó, dường như cả phía Syria lẫn lực lượng của Anh, Mỹ và Pháp đều không thiệt hại về người sau chiến dịch nên các bên đều không có lý do để leo thang căng thẳng. Giới chuyên gia về vũ khí hóa học cũng bác bỏ khả năng chất độc bị lan truyền sau vụ tấn công. “Cách tốt nhất để tiêu hủy các loại vũ khí hóa học là cho nổ tung chúng”, ông Hamish de Bretton-Gordon thuộc lực lượng chống vũ khí hóa học của Anh và NATO phân tích. Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng việc lan truyền chất hóa học còn tùy thuộc vào cấu tạo của chất đó và cách nó được bảo quản. Tuy nhiên, quy mô và xác suất xảy ra việc này được cho là không cao.
Với nguy cơ trả đũa của liên minh ủng hộ Syria lần lượt bị loại trừ thì lo ngại thế giới đứng bên bờ vực chiến tranh cũng như những ý kiến về “Thế chiến 3” trở nên hoàn toàn không có cơ sở. Dù vậy, các nhà phân tích cũng không bác bỏ khả năng đáp trả gián tiếp của Nga hoặc Iran dù quy mô có thể không cân xứng với hành động quân sự của phương Tây. Tờ The Guardian dẫn lời chuyên gia Ross nói có khả năng Iran sẽ trả đũa gián tiếp thông qua các nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shiite nhắm vào lực lượng Mỹ tại Iraq và Syria hoặc thậm chí tiếp tục hậu thuẫn lực lượng Hezbollah ở Li Băng phóng tên lửa vào Israel. Trong khi đó, một số quan chức Mỹ nhận định Nga có thể đẩy mạnh hành động ở Ukraine, tăng cường hiện diện quân sự tại châu Âu, sát sườn các thành viên NATO hoặc phản công bằng chiến tranh mạng.
Bình luận (0)