Phương Tây tung thêm đòn với Nga

28/02/2022 06:50 GMT+7

Trong bối cảnh giao tranh tiếp diễn tại nhiều vùng ở Ukraine, phương Tây đã cung cấp thêm vũ khí cho nước này và công bố thêm biện pháp trừng phạt đối với Nga.

“Vũ khí hạt nhân tài chính”

Các lãnh đạo của Mỹ, Anh, Canada, Đức, Pháp, Ý và Ủy ban Châu Âu hôm qua đưa ra tuyên bố chung, thông báo sẽ áp đặt thêm các lệnh cấm vận nhằm “cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế” và nền kinh tế của các bên này. Lệnh cấm vận sẽ được thi hành trong những ngày tới, đáng chú ý là việc loại một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống SWIFT.

Loại Nga khỏi hệ thống SWIFT được xem là “vũ khí hạt nhân tài chính” của các nước phương Tây

REUTERS

SWIFT là từ viết tắt của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu, được thành lập vào năm 1973 và có trụ sở tại Bỉ. Đây là hệ thống truyền tin nhắn giao dịch và lệnh chuyển tiền chính trên toàn cầu, kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc bị loại khỏi SWIFT được coi là “vũ khí hạt nhân tài chính”, sẽ khiến các ngân hàng khó có thể chuyển tiền vào hoặc ra nước ngoài, gây cú sốc cho cả các công ty Nga lẫn khách hàng nước ngoài, theo CNN.

Giới chuyên gia nhận định Mỹ và Đức sẽ là hai nước bị thiệt hại nặng nếu Nga bị ngắt khỏi SWIFT vì các ngân hàng của họ là khách hàng thường xuyên nhất sử dụng SWIFT để liên lạc với ngân hàng Nga.

"Vũ khí hạt nhân tài chính" SWIFT sẽ ảnh hưởng Nga ra sao?

Tuy nhiên, thái độ e dè của Mỹ và Đức được cho là đã xoay chuyển trước lời kêu gọi của các đồng minh, cho rằng cần có hành động gây ảnh hưởng ngay lập tức lên Nga, trong khi các lệnh cấm vận trước đó cần thêm thời gian để gây “thấm đòn”. SWIFT hôm qua thông báo đang làm việc với giới chức châu Âu để làm rõ về các thực thể bị áp đặt cấm vận và đang chuẩn bị tuân thủ những hướng dẫn pháp lý.

Ngoài ra, phương Tây còn cam kết biện pháp hạn chế khả năng sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga, chống lại những ai ủng hộ hành động quân sự của Nga tại Ukraine, hạn chế việc cấp “hộ chiếu vàng” cho những người giàu có liên kết với chính phủ Nga nhằm ngăn những người này trở thành công dân của phương Tây và tiếp cận hệ thống tài chính.

Thêm vũ khí cho Ukraine

Trong khi đó, chính phủ các nước phương Tây hôm qua tiếp tục đưa thêm vũ khí đến cho Ukraine để giúp nước này phòng vệ. Đức đã phá lệ khi đồng ý cung cấp 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không, dù lâu nay duy trì chính sách không xuất khẩu vũ khí sang vùng xung đột, theo Reuters. Bên cạnh đó, Đức cũng phê chuẩn cho Hà Lan chuyển giao 400 súng chống tăng và cho phép Estonia chuyển hàng chục khẩu pháo sang cho Ukraine. Những vũ khí nói trên được Đức sản xuất và cần được nước này phê chuẩn mới được chuyển giao đến vùng xung đột.

Đức đổi ý, quyết định gửi tên lửa chống tăng, chống máy bay cho Ukraine

Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha, Romania, Hy Lạp... cũng thông báo sẽ cung cấp vũ khí phòng thủ, đạn dược, nhiên liệu, trang thiết bị quân sự đến cho Ukraine. Romania và Ba Lan còn tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine và hỗ trợ điều trị người bị thương. Đan Mạch, Phần Lan hôm qua thông báo cấm máy bay Nga bay vào không phận, theo sau hành động tương tự của một số nước châu Âu, vốn đã bị Nga đáp trả tương tự.

Trong khi đó, công ty công nghệ lớn của Mỹ như Google, Facebook thông báo ngăn hãng truyền thông do chính phủ Nga tài trợ nhận tiền quảng cáo trên các nền tảng thuộc các công ty này. Google cấm tải ứng dụng di động của Đài RT (Nga) trên lãnh thổ Ukraine theo yêu cầu của Kiev. Tỉ phú Mỹ Elon Musk cho hay sẽ đưa các vệ tinh Starlink đến cung cấp internet cho Ukraine, hồi đáp lời kêu gọi của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov. Tỉ phú Nhật Bản Hiroshi Mikitani, người sáng lập Hãng thương mại điện tử Rakuten, ủng hộ 8,7 triệu USD cho các hoạt động nhân đạo giúp người dân Ukraine, theo AFP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.