Nỗ lực quốc tế từ ngoại giao lẫn cấm vận dường như đã phát huy hiệu quả, sau khi các bên đồng ý nối lại đàm phán hạt nhân.
Lầu đầu tiên sau hơn 1 năm đình trệ, có thể nói cộng đồng quốc tế đã đạt được mục đích là kéo được Iran về bàn đàm phán. Theo Reuters, Cao ủy Đối ngoại của EU Catherine Ashton đã đồng ý lời đề nghị nối lại đàm phán trực tiếp từ Tehran, vốn được Trưởng đoàn đàm phán Iran Saeed Jalili đưa ra hồi tháng 2. “Chúng tôi hy vọng Iran sẽ bước vào quá trình đối thoại hiệu quả và kéo dài, để tạo được sự tiến triển thực sự”, theo bà Ashton. Tuy nhiên, chưa có thông báo về thời điểm diễn ra đàm phán giữa đại diện Iran và cho nhóm P5+1, bao gồm 5 thành viên HĐBA LHQ (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh) cộng thêm Đức.
|
Việc nối lại đàm phán có thể tạm thời dỡ bỏ được áp lực mà Israel đang đè nặng lên Iran lẫn phương Tây, nhất là khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu liên tục đe dọa sẽ dùng giải pháp quân sự. Tuy nhiên, không phải là không có rủi ro. Báo The New York Times dẫn lời giới chuyên gia cho rằng phía Iran có thể lợi dụng những bất đồng giữa các nước trên bàn đàm phán mà xoay chuyển tình thế có lợi cho mình. Còn nếu đàm phán thất bại có thể tạo thêm cớ để Israel triển khai các kế hoạch tấn công Iran.
Phát biểu trên Đài i-Tele ngày 7.3, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe tỏ ra nghi ngờ về thiện chí thực sự của Iran. “Tôi nghĩ rằng Iran sẽ tiếp tục chơi trò 2 mặt”, ông này nói. Tuy nhiên, làm sao trách được Tehran khi phương Tây cũng chuẩn bị sẵn lực lượng và khí tài trước khi ngồi vào bàn đàm phán. Theo tờ The Times, Lầu Năm Góc đã chuyển cho Nhà Trắng những phương án tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Chưa hết, tờ The Times of Israel dẫn một nguồn tin quân đội giấu tên tiết lộ rằng Mỹ có thể sẽ bán cho Israel những hệ thống vũ khí, phương tiện phù hợp cho các chiến dịch quân sự tầm xa. Trong đó, có thể kể đến 4 máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-35 và bom thông minh GBU-31 chuyên phá boong-ke.
Thụy Miên
Bình luận (0)