BS Bùi Văn Đầy, Đơn vị Tim mạch Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long.
Tại sao nên kiểm tra điện tâm đồ gắng sức?
Tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới, bệnh tim thiếu máu cục bộ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Khoảng 7 - 12% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp đến được bệnh viện tử vong trong vòng 30 ngày và khoảng 1/2 bệnh nhân tử vong trong vòng 1 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả điều trị sẽ cao, nguy cơ tử vong càng giảm.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ là bệnh xảy ra khi cơ tim bị thiếu ô xy nuôi dưỡng. Nguyên nhân thường gặp là do rối loạn chuyển hóa lipid máu, cholesterol lắng đọng tạo nên các mảng xơ vữa gây hẹp hay tắc hoàn toàn động mạch vành, làm giảm dần lượng máu đến cung cấp cho cơ tim. Với sự thiếu hụt vừa phải, cơ tim vẫn hoạt động được ở trạng thái bình thường, nhưng khi nhu cầu ô xy của cơ tim tăng cao như làm việc nặng, chạy bộ, leo cầu thang, tức giận hay stress thì động mạch vành không cung cấp đủ máu sẽ gây hiện tượng thiếu ô xy cho cơ tim. Khi đó người bệnh sẽ có các triệu chứng: đau, tức ngực, cảm giác như bị bóp nghẹn vùng sau xương ức và nặng hơn là nhồi máu cơ tim, có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Tuy nhiên, trong điều kiện bình thường, nhu cầu ô xy cho cơ tim không cao nên các xét nghiệm như điện tâm đồ lúc nghỉ hay siêu âm tim có thể sẽ không biểu hiện bất thường do lượng máu qua đoạn động mạch vành bị hẹp vẫn đủ cung cấp ô xy cho cơ tim. Do đó, nếu nghi ngờ bị bệnh tim thiếu máu cục bộ, bác sĩ sẽ chỉ định kiểm tra điện tâm đồ gắng sức (ECG gắng sức) để xác minh thêm. Khi gắng sức (đi trên thảm lăn hay đạp xe đạp) quả tim sẽ làm việc tăng lên làm cho nhu cầu ô xy cơ tim tăng theo. Trong nhiều trường hợp, nếu có hẹp động mạch vành, tình trạng thiếu máu cơ tim sẽ biểu hiện ra bằng đau ngực hay thay đổi trên điện tâm đồ trong và sau gắng sức.
Nghiệm pháp được thực hiện như thế nào?
Tại Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, việc kiểm tra điện tim gắng sức được thực hiện bằng thảm lăn theo quy trình. Tại Khoa Cấp cứu, người bệnh được gắn các điện cực lên ngực và hướng dẫn đi bộ trên thảm lăn, đồng thời một máy đo điện tim được dùng để ghi nhận hoạt động của tim cùng với máy đo huyết áp sẽ được theo dõi liên tục bởi bác sĩ phụ trách. Việc theo dõi được tiếp tục sau gắng sức cho tới khi nhịp tim trở về bình thường.
Như vậy, điện tâm đồ gắng sức là một phương tiện đơn giản, hữu hiệu và ít tốn kém để phát hiện sớm bệnh tim thiếu máu cục bộ. Mặt khác cũng cần lưu ý rằng, nghiệm pháp này không có độ chính xác tuyệt đối mà độ nhạy và đặc hiệu khoảng 80%. Sau khi thực hiện, bác sĩ tim mạch sẽ tư vấn kết quả, có thể kết hợp thêm các nghiệm pháp khác để chẩn đoán xác định khi cần thiết.
Chuyên mục do Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long
(Lô 20, đường Quang Trung, P.Phú Thứ, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) tài trợ.
Mọi thắc mắc về sức khỏe, bạn đọc có thể gửi email theo địa chỉ: hoanmycl@gmail.com để được giải đáp và tư vấn.
Bình luận (0)