Mythbuster: Người trẻ tiêu xài hoang phí?
YOLO (You only live once) - ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống đã từng là một lối sống được nhiều bạn trẻ theo đuổi. Thế nhưng, theo dòng chảy biến động của bối cảnh kinh tế, xã hội, khi Covid-19 đi qua làm đảo lộn cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi cá nhân, để lại nỗi lo cơm áo gạo tiền thì hành vi tiêu dùng của người trẻ đã và đang có sự biến đổi lớn. Thực tế đã đưa ra nhiều minh chứng cho Mythbuster (tạm dịch: Lật tẩy giả thiết vô căn cứ - thuật ngữ giới trẻ ngày nay thường sử dụng) rằng: người trẻ không tiêu xài hoang phí.
Lê Hà (23 tuổi, Hà Nội) đang là một nhân viên văn phòng với mức thu nhập khoảng 13 triệu đồng/tháng, một mức thu nhập được coi là khá so với bạn bè cùng lứa vừa ra trường, chia sẻ đã chọn sống tiết kiệm khoảng 6 tháng nay. Cô bạn cho biết, thay vì sẵn sàng vung tiền cho các nhu cầu cá nhân như mua sắm, du lịch, ăn uống sang chảnh để rồi cuối tháng sống "cầm hơi" thì Hà tự đặt ra cho mình mức chi tối đa trong một ngày, hết ngân sách đó là thôi. Hoặc có chăng ngày nào chi nhiều hơn dự tính thì hôm sau sẽ chủ động tiêu bớt lại.
Không chỉ riêng Hà, nhiều bạn trẻ ngày nay cũng lựa chọn "sống tiết kiệm". Một khảo sát do PwC thực hiện trên 9.180 người tiêu dùng ở 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Việt Nam, vào tháng 12.2022 cho thấy: 40% người thế hệ Gen Z rất lo ngại về tình hình tài chính hiện tại của bản thân và đang thực hành cắt giảm những chi tiêu không thiết yếu. Ở Gen Y, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn - ở mức 43%. Nhìn nhận ở mức tổng quát, tất cả các lứa tuổi tham gia khảo sát của PwC, có đến 96% có ý định thực hành tiết kiệm chi phí trong 6 tháng tới, trong đó 42% dự kiến sẽ giảm đáng kể chi tiêu của họ cho tất cả các khoản. Một làn sóng mới mang tên "tiết kiệm" đã thực sự xảy ra.
Thế hệ tiết kiệm thông minh, tiêu dùng "hợp ví"
Người ta bảo "cái khó ló cái khôn", tiết kiệm không có nghĩa là cắt giảm chi tiêu triệt để mà là lúc để người trẻ tìm ra những kế hoạch tài chính hợp lý, những giải pháp tiêu dùng tiện lợi và "hợp ví" hơn.
Đơn cử như việc ăn uống - một hoạt động vốn được xem là thiết yếu hằng ngày, gần đây bắt đầu được người trẻ đưa vào danh sách "những thứ cần được đánh giá lại để chi tiêu tiết kiệm hơn", dưới những áp lực về giá tiêu dùng, công ăn việc làm khan hiếm. Theo Lê Hà, khoảng thời gian 6 tháng tập sống tiết kiệm, tiêu xài hợp lý là lúc cô bạn khám phá được rất nhiều những quán ăn, tiệm cà phê "ngon - bổ - rẻ" gần công ty, gần nhà. Hà chia sẻ: "Ngày trước mình cứ phải gọi đồ ăn, thức uống ở những quán nổi tiếng, những quán đang hot trend (thịnh hành) đâu đó cũng 70.000 - 80.000 đồng/suất. Nhưng giờ thắt chặt chi tiêu, tự đặt ra ngân sách chỉ 30.000 - 50.000 đồng/bữa ăn thôi, mình có động lực thử thêm nhiều quán mới, chăm chỉ săn deal hời trên các ứng dụng công nghệ như Grab để tiết kiệm. Tính ra sau 6 tháng, mình có hẳn một danh sách dài các quán ngon - bổ - rẻ, tha hồ lựa chọn".
Tương tự như Hà, Trần Nam (24 tuổi, Hà Nội) cũng lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm. Là con trai, sống một mình nên Nam lựa chọn đặt đồ ăn 3 bữa. Nhiều người bảo sao không tự nấu cho tiết kiệm nhưng theo Nam, ở một mình nấu cơm, tính cả tiền thức ăn rồi dầu mỡ, điện nước nhiều khi còn đắt hơn mua ngoài.
"Mình hay đặt đồ ăn trên GrabFood, lựa chọn các quán nằm trong danh mục GrabNgonRẻ hay Triệu món 33.000đ thì cũng khá là hợp ví. Dạo này, Grab còn có thêm tính năng lựa chọn hình thức giao đồ ăn: Ưu tiên - Nhanh - Tiết kiệm. Ngày nào không vội thì mình chọn hình thức giao hàng tiết kiệm thôi, thời gian chờ lâu hơn chút nhưng phí giao hàng thì rẻ hơn" - Nam cho biết.
Một mẹo nho nhỏ nữa được Nam - chuyên gia săn deal Grab bật mí rằng nếu đặt đồ ăn tại văn phòng, chúng ta có thể rủ đồng nghiệp đặt đơn chung, vừa giúp tiết kiệm chi phí giao hàng do được chia đều theo số lượng người, vừa có thể áp thêm các mã giảm giá cho đơn hàng lớn.
Không chỉ tiêu xài hợp lý cho nhu cầu ăn uống, nhiều bạn trẻ còn sử dụng các ứng dụng quản lý chi tiêu để tránh việc có đồng nào, "xào" ngay đồng đó. Hay một số bạn thì tiết kiệm theo tiêu chí: món đồ nào còn dùng được sẽ không mua đồ mới hoặc mỗi tháng dành một khoản tiền đem đi đầu tư.
Chi tiêu có kiểm soát, tiết kiệm nhưng không ki bo, tự lựa chọn cho mình những công cụ, giải pháp vừa hợp lý, vừa "hợp ví" là cách người trẻ ngày nay tận hưởng cuộc sống trọn vẹn mà không cần "thắt lưng buộc bụng".
Bình luận (0)