Dấu ấn đáng nhớ của 'lão nông' Trần Hạnh trên màn ảnh

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
04/03/2021 11:47 GMT+7

NSND Trần Hạnh qua đời ngày 4.3 ở tuổi 92 do tuổi cao sức yếu, để lại bao tiếc thương cho gia đình, đồng nghiệp. Ông ghi dấu trong lòng khán giả qua hàng loạt vai diễn, đặc biệt vai người nông dân chất phác.

Năm 90 tuổi Trần Hạnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) cho những đóng góp của ông với nền nghệ thuật nước nhà. Ông tạo nhiều ấn tượng trong lòng khán giả cả nước qua hàng loạt vai diễn trong gần 200 phim truyền hình.
"Trước đây, tôi từng nghĩ giá như được ghi nhận sớm, trở thành NSND khi 60 tuổi thì tốt biết mấy. Như vậy, mình sẽ có động lực cống hiến. Thế nhưng sau nhiều năm, tôi không còn đặt nặng vấn đề này, chỉ mong có vai diễn để được làm nghề. Giờ đây, khi được Nhà nước, công chúng ghi nhận, tôi thấy được an ủi phần nào vì ít ra mình vẫn còn sống. Tôi tiếc nuối cho nhiều đồng nghiệp ra đi khi chưa kịp nhận danh hiệu", nghệ sĩ Trần Hạnh từng chia sẻ. Sau 3 lần "trượt" danh hiệu NSND, Trần Hạnh mới nhận danh hiệu cao quý này.

Lâm trong phim Chiếc bình tiền kiếp

Vai diễn chính đầu tay của NSND Trần Hạnh trong phim điện ảnh Chiếc bình tiền kiếp do Nguyễn Hữu Phần đạo diễn. Trước đó ông đã có những vai diễn xuất sắc trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội đoạt nhiều giải vàng, bạc ở các liên hoan sân khấu toàn quốc.

Lâm trong phim Chiếc bình tiền kiếp

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Cuối những năm 1970, đầu 1980, ông nổi tiếng khi vào vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa (huy chương vàng Liên hoan Kịch toàn quốc), vai chính trong vở Tiền tuyến gọi, Âm mưu và tình yêu do đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dàn dựng...

Ông Cơ trong Tướng về hưu

Năm 1989, NSND Trần Hạnh về hưu, rời Nhà hát Kịch Hà Nội. Khởi nghiệp bằng sân khấu kịch và đoạt giải thưởng trong một số Liên hoan sân khấu toàn quốc nhưng Trần Hạnh lại được công chúng biết đến nhiều qua các vai diễn trong phim điện ảnh và truyền hình. Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1994. Năm 1996, ông giành giải Nam diễn viên xuất sắc trong phim truyện Nước mắt đàn bà tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11.

Trong phim Tướng về hưu

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Tướng về hưu dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp do Nguyễn Khắc Lợi đạo diễn ra rạp năm 1988, kể câu chuyện đau xót về những tình cảm gia đình đã mất đi trong cơn lốc của thời mở cửa.
Bố của Lực trong Cỏ lau

Ông già nông dân trong phim Cỏ lau

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Phim Cỏ lau được chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng cùng tên của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Cỏ lau là câu chuyện đầy ám ảnh mang nhiều tính tâm linh có sức lôi cuốn mạnh mẽ, chạm đến cả những góc sâu kín nhất của tâm hồn con người… Phim ra rạp năm 1993.

Cần trong Cuốn sổ ghi đời

Ông Cần trong phim Cuốn sổ ghi đời

ẢNH: T.L

Bộ phim truyền hình Cuốn sổ ghi đời của đạo diễn Tất Bình là bộ phim mà NSƯT Trần Hạnh tâm đắc nhất. Nhân vật ông Cần trong phim cũng được khán giả yêu thích nhất, thậm chí tác giả kịch bản bộ phim còn gửi thư cảm ơn đoàn làm phim và gửi thêm 500.000 đồng gửi tặng riêng “ông Cần” Trần Hạnh vì đã thể hiện đúng ý tưởng của tác giả kịch bản.

Bố của Đạt trong Người đàn bà thứ 2

NSND Trần Hạnh trong phim Người đàn bà thứ 2

ẢNH: T.L

NSƯT Trần Hạnh vào vai bố đẻ của Đạt – một người đàn ông hiền lành, có phần nhu nhược, không hề có tiếng nói trong cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu. Sự khắc khổ, hiền lành của nghệ sĩ Trần Hạnh trong phim cũng khiến nhiều khán giả thương cảm với khoảng cách của hai thế hệ và những mâu thuẫn không thể giải quyết.

Ông Thống trong Ngõ lỗ thủng

Ngõ Lỗ Thủng là bộ phim truyền hình dài 29 tập của đạo diễn Trần Quốc Trọng, dựa trên hai cuốn tiểu thuyết Ngõ lỗ thủng Tiễn biệt những ngày buồn của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Bộ phim đã gợi lại những tháng ngày trong thời kỳ bao cấp của những năm 1980. Ngay khi được phát sóng, phim đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả. Trong phim, NSND Trần Hạnh đóng vai ông Thống, bố của hai cô Hạnh và Sương. Ông Thống sống cả đời nghèo khổ nhưng đến khi hai người con gái của ông trưởng thành, họ không cam chịu cuộc sống như vậy nên đã tìm mọi cách để làm giàu cho bản thân. Ông Thống sống khắc khổ cả đời nhưng không chịu được cảnh các con sống thực dụng, bất chấp mọi thứ để làm giàu, và đành bất lực nhìn các con ông xa rời vòng tay.

Trong phim Ngõ lỗ thủng

ẢNH: T.L

Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, Trần Hạnh được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng Cống hiến cho vai diễn của ông trong phim Ngõ lỗ thủng. Vai diễn này đã khắc họa một ông già nghèo khổ nhưng bất lực trước những thay đổi cuộc đời, để lại nhiều đồng cảm cho khán giả.

Cha của Lộc trong Bão qua làng

Cảnh trong phim Bão qua làng với diễn xuất của NSND Trần Hạnh

ẢNH: T.L

Phim dài 30 tập do Trần Quốc Trọng đạo diễn, có phần tham gia diễn xuất của NSND Trần Hạnh diễn ra trong phạm vi ngôi làng bé nhỏ, nhưng những va chạm, xung đột, tệ nạn xảy ra không chỉ là "cơn bão" qua làng mà hoàn toàn có thể biến thành "lốc xoáy", tiếp tục quét qua nhiều làng khác. Nó sẽ tàn phá các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống nếu không có những người lãnh đạo có trách nhiệm với dân như trưởng thôn Lộc.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.