‘Hãy thôi ra đề thi kiểu trình bày, ghi lại sự kiện'

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
29/04/2021 13:06 GMT+7

'Nếu muốn đổi mới thì giáo viên phải ra đề thi để học sinh vận dụng kiến thức, giải quyết vấn đề trong thực tiễn. Đừng bao giờ ra đề thi kiểu hãy trình bày, hãy ghi lại sự kiện… theo các bài đã học'.

Đó là phát biểu của Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu tại lễ tổng kết kỳ thi Olympic tháng 4 mở rộng năm 2021 dành cho cấp THCS sáng 29.4.
Ông Hiếu cho rằng đây là một trong những cuộc thi tiên phong trong việc ra đề cởi mở, đổi mới tư duy cho cả học sinh lẫn giáo viên, đồng thời yêu cầu thầy cô đổi mới hơn nữa theo hướng này.
Theo đánh giá của ông Hiếu, định hướng ra đề thi của các quận huyện chưa đồng đều nên ông mong muốn qua kỳ thi Olympic, các định dạng đề thi kiểm tra cuối kỳ, giữa kỳ trong trường học cần phải được đầu tư tốt hơn.
"Giáo viên nên nghiên cứu thêm các loại đề, bài kiểm tra như kỳ thi Olympic này, hướng đến việc đánh giá học sinh không phải là kiểm tra kiến thức xem các em biết gì và nhớ gì", ông Hiếu nói.
Năm học tới sẽ là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 6. Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ GD-ĐT công bố hồi cuối năm 2018.
"Đây là cơ hội để giáo viên thay đổi hẳn tư duy dạy học. Sở GD-ĐT TP.HCM mong muốn có sự đổi mới từ thầy cô hiệu trưởng cho đến giáo viên. Nơi làm nên chất lượng giáo dục là ở từng trường chứ không phải ở phòng hay Sở. Tuy nhiên, Sở luôn luôn tạo điều kiện cho các thầy cô đổi mới và chấp nhận những va vấp, tồn tại, thiếu sót trong quá trình đổi mới. Không cầu toàn nhưng phải quyết liệt", ông Hiếu lưu ý.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trao cờ lưu niệm kỳ thi Olympic tháng 4 mở rộng cho các quận, huyện

Nguyễn Loan

Theo ông Hiếu, định hướng ra đề thi là làm sao cho học sinh vận dụng được kiến thức đã học, giải quyết vấn đề trong thực tiễn.
"Đừng bao giờ ra đề kiểu hãy trình bày, hãy ghi lại sự kiện… theo các bài đã học. Điều này không có ý nghĩa trong quá trình dạy và học, không góp phần đổi mới phương pháp. Chúng ta không làm thí nghiệm trên học sinh mà trên nền tảng chắc chắn của việc đổi mới. Chúng ta cũng có thể học hỏi thêm những mô hình kiểm tra đánh giá ở các trường quốc tế", ông Hiếu nhấn mạnh.
Về kỳ thi Olympic tháng 4 mở rộng, kết quả chung cuộc có 5.699 học sinh đạt giải, trong đó 1.194 thí sinh đạt huy chương vàng, 1.620 thí sinh đạt huy chương bạc và 2.885 thí sinh đạt huy chương đồng.
Quận 1 dẫn đầu thành tích năm nay khi có tới 120 huy chương vàng, 100 huy chương bạc và 137 huy chương đồng. Tiếp theo đó, quận Tân Phú đứng thứ hai với 102 huy chương vàng, 124 huy chương bạc và 213 huy chương đồng.
Kỳ thi Olympic tháng 4 mở rộng năm 2021 dành cho cấp THCS được tổ chức vào ngày 17.4 cho học sinh lớp 6, 7 và lớp 8 với 5 môn thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử-Địa Lý, diễn ra tại 8 địa điểm thi trên địa bàn quận 1. Có 8.771 thí sinh từ 324 trường THCS của TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM cùng 21 quận, huyện đã tham gia kỳ thi.
Đây là cuộc thi học sinh giỏi hàng năm dành cho học sinh khối 10 và 11 không chuyên các trường THPT của các tỉnh phía Nam do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức. Từ năm học 2018 - 2019, kỳ thi mở rộng sân chơi dành cho các học sinh THCS trên địa bàn TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.