Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Dấu hỏi về những tác giả ‘ma’

08/06/2021 20:00 GMT+7

Trong những bài báo bị rút ra khỏi các tạp chí quốc tế , có những bài mà tác giả ghi địa chỉ trường ĐH ở Việt Nam bị nghi là tác giả “ma”, bịa ra nhằm mục đích bán một bài báo cho nhiều trường cùng lúc.

Bị rút bài vì sự hiện diện của tác giả giả mạo

Tiếp tục tìm hiểu về những bài báo có địa chỉ từ Việt Nam bị các tạp chí gỡ bỏ trong thời gian gần đây, chúng tôi phát hiện thêm nhiều thông tin choáng váng hơn. Chỉ trong vòng vài tháng qua, một loạt 4 bài báo khác có tác giả liên hệ làm việc tại 2 trường đại học trong nước vừa bị các tạp chí của Nhà xuất bản Elsevier rút bỏ.
Cụ thể, 2 bài báo của tác giả Narjes Nabipour từ Trường ĐH Duy Tân là “Free convection and entropy generation in a nanofluid-filled star-ellipse annulus using lattice Boltzmann method supported by immersed boundary method” công bố trên tạp chí International Journal of Mechanical Sciences (tập 176, tháng 6.2020) và bài “Using of double distribution function LBM (DDF/LBM) and experimental rheological/thermal measurements of nanofluid for battery thermal management” đăng trên tạp chí Chemical Engineering and Processing: Process Intensification (tập 148, tháng 2.2020) đã bị gỡ.
Trong khi bài đầu tiên bị rút bỏ với lý do vắn tắt là “theo yêu cầu của tác giả và/hoặc biên tập viên tạp chí” thì lý do rút bài thứ hai cho thấy bài báo vi phạm liêm chính khoa học.
Bai-2-thanh-tich-ao-trong-nghien-cuu-khoa-hoc

Tác giả giả mạo “David Ross” có 8 bài báo đã bị các tạp chí gỡ bỏ (theo thống kê của Retraction Watch).

Ngô Đức Thế

Theo thông báo từ tạp chí Chemical Engineering and Processing: Process Intensification, bài báo của Narjes Nabipour bị gỡ bỏ bởi ba lý do: quan ngại về danh tính tác giả “David Ross” (là tên một đồng tác giả trong bài mà Narjes Nabipour của Trường ĐH Duy Tân làm tác giả liên hệ - NV) khi ĐH Texas tại Austin phủ nhận người này làm việc tại trường; tên của các đồng tác giả đã được thêm vào bản thảo chỉnh sửa mà không thông báo cho biên tập viên - một việc làm trái với chính sách của tạp chí về thay đổi tác giả; các tác giả không thể giải trình hợp lý đóng góp của họ trong bài báo.
David Ross còn là đồng tác giả trong 2 bài báo khác do Abdollahzadeh Jamalabadi của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đứng tên tác giả liên hệ. Đó là bài “Numerical modelling of free convection in a symmetrical cone using MRT LB model combined with experimental properties of TiO2-water” trên tạp chí Physica E: Low-dimensional Systems and Nanostructures (tập 114, tháng 10.2019) và bài “Natural convection heat transfer in a circle-square annulus using lattice Boltzmann method - Treatment of curved boundary conditions” công bố trên tạp chí International Journal of Mechanical Sciences (tập 161-162, tháng 10/2019). Cả 2 bài báo này đều bị rút với cùng 3 lý do giống như bài của Narjes Nabipour trên tạp chí Chemical Engineering and Processing: Process Intensification.
Riêng bài của Abdollahzadeh trên tạp chí International Journal of Mechanical Sciences còn có thêm lý do thứ tư khiến nó bị gỡ bỏ, đó là công trình này trùng lặp phần lớn nội dung với bài báo “Mathematical modelling of free convection in an ellipse-rectangular annulus filled with nanofluid using LBM” công bố ngay trước đó trên tạp chí Thermal Science and Engineering Progress (tháng 7.2019).
Chưa hết, chính bài báo trên Thermal Science and Engineering Progress cũng bị rút theo yêu cầu của tác giả và/hoặc biên tập viên.
Điểm bất ngờ nhất là 2 bài báo này có chung tác giả liên hệ duy nhất là David Ross, một cái tên được Retraction Watch, trang tin khoa học quen thuộc với giới nghiên cứu, cho là có khả năng giả mạo giáo sư vật lý David W. Ross của Đại học Texas tại Austin - người đã nghỉ hưu từ năm 2003.
Cho đến nay, vẫn không ai có thể xác định tác giả giả mạo David Ross trong loạt bài bị rút trên thực sự là ai. Có thể suy đoán rằng tác giả của những bài báo đó đã mạo danh một giáo sư ở ĐH Texas tại Austin danh tiếng để bài báo dễ được chấp nhận công bố.
Theo thống kê của Retraction Watch, David Ross còn 3 bài báo nữa cũng đã bị các tạp chí gỡ bỏ. Ngoài ra, một số bài báo khác của nhân vật mạo danh này có đồng tác giả từ Trường ĐH Duy Tân như “Cooling of an electronic package using lattice Boltzmann/finite volume method with experimental rheological/thermal analysis of hybrid nanofluid properties” trên tạp chí Journal of Molecular Liquids (tập 299, tháng 2.2020) và bài “An experimental/numerical hydrothermal analysis on natural convection and TiO2-SiO2/W-EG nanofluid’s properties in a hollow/finned cavity” trên tạp chí International Journal of Numerical Methods for Heat & Fluid Flow (tập 30, Số 10, tháng 1.2020).
Hai bài này tuy chưa bị gỡ bỏ, nhưng vì trong số các tác giả bài báo có tác giả giả mạo nên việc bị rút bài chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tác giả không thể xác định danh tính

David Ross dễ dàng bị phát hiện là tác giả giả mạo một phần do tác giả này dùng địa chỉ thư điện tử công cộng là david.ross.texas@gmail.com. Còn Narjes Nabipour của Trường ĐH Duy Tân, người là đồng tác giả với David Ross trong 2 bài báo bị gỡ nói ở trên, sử dụng địa chỉ thư điện tử học thuật narjesnabipour@duytan.edu.vn, nhưng địa chỉ này có phải do Trường ĐH Duy Tân cấp hay không, là một câu hỏi chưa có câu trả lời.
Bai-2-thanh-tich-ao-trong-nghien-cuu-khoa-hoc

Hai bài báo do Narjes Nabipour của Trường ĐH Duy Tân đứng tên tác giả liên hệ vừa bị gỡ bỏ.

Ngô Đức Thế

Theo hồ sơ trong cơ sở dữ liệu học thuật Scopus, người này chỉ mới công bố bài báo đầu tiên năm 2019 với địa chỉ là Trường ĐH Duy Tân. Ngay năm tiếp theo, số bài báo của Narjes Nabipour tăng vọt 11 lần, từ 5 bài năm 2019 lên 55 bài năm 2020. Sửng sốt trước “kỳ tích” đó, chúng tôi khó kìm nổi tò mò về lai lịch của vị “siêu nhân” từ trên trời rơi xuống này.
Cũng theo Scopus, trước khi đầu quân cho Trường ĐH Duy Tân, Narjes Nabipour là “nhà nghiên cứu độc lập” tại Tehran, Iran vào năm 2019 rồi chuyển sang Oslo, Nauy năm 2020. Câu hỏi đặt ra là trước thời điểm 2019, siêu nhân này đã được đào tạo ở đâu hay từng làm việc cho đơn vị nghiên cứu nào?
Ngay cả khi tiến hành tra cứu tên “Narjes Nabipour” không kèm theo bất kỳ giới hạn nào, máy tìm kiếm Google chỉ hiển thị 36 kết quả, tất cả đều hướng về tác giả Narjes Nabipour của Trường ĐH Duy Tân và không hé lộ thêm điều gì về lý lịch khoa học của người này trước năm 2019. Chúng tôi cũng không tìm thấy bất kỳ thông tin nào về nhân vật bí ẩn này trên trang web của Trường ĐH Duy Tân. Dường như Narjes Nabipour sở hữu cái tên cực kỳ đặc biệt, duy nhất trên đời mà chỉ người đặt tên cho “siêu nhân” này mới nghĩ ra.
Khi nhìn vào danh sách đồng tác giả của Narjes Nabipour, chúng tôi nhận ra một số gương mặt quen thuộc. Đầu tiên là Shahaboddin Shamshirband với 25 bài báo đứng tên chung cùng Narjes Nabipour. Độc giả báo Thanh Niên hẳn còn nhớ “ông vua bị rút bài” này với 50 bài báo đã bị các tạp chí gỡ bỏ, nằm trong danh sách những người bị rút bài nhiều nhất trong lịch sử.
Một điều trùng hợp hi hữu là Shahaboddin Shamshirband cũng có thời gian làm việc ở cả Tehran và Oslo rồi đầu quân cho Trường ĐH Duy Tân trong cùng khoảng thời gian giống hệt như Narjes Nabipour.
Đã vậy, tuy Shahaboddin Shamshirband có lúc khai nơi làm việc là Trường ĐH Duy Tân, nhưng trong các bài báo đứng tên chung với Narjes Nabipour (sử dụng địa chỉ là Trường ĐH Duy Tân), “ông vua bị rút bài” này luôn lấy địa chỉ cơ quan là Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Báo Thanh Niên cũng đã có dịp giới thiệu chiến lược đứng tên nhịp nhàng và bài bản này trong đó Shahaboddin Shamshirband luân phiên đổi địa chỉ với Timon Rabczuk, một người cũng có chung vài bài báo với Narjes Nabipour.
Tuy chưa thể quả quyết danh tính của siêu nhân Narjes Nabipour, chúng tôi không loại trừ khả năng Narjes Nabipour là một cái tên giả mạo do Shahaboddin Shamshirband (hoặc một đầu nậu khoa học khác trong mạng lưới của ông vua bị rút bài này) bịa ra nhằm mục đích bán một bài báo cho nhiều trường cùng lúc. 
(còn nữa)

TS Ngô Đức Thế làm việc ở ĐH Manchester, Vương quốc Anh; TS Dương Tú làm việc ở ĐH Purdue, Mỹ. Các tác giả điều tra và viết loạt bài với tư cách cá nhân nhà khoa học, muốn góp phần làm trong sạch cộng đồng khoa học Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.