Ước tính Bố già sẽ bước vào tuần thứ ba với tổng doanh thu gần 900.000 USD và chuẩn bị trở thành phim Việt đầu tiên đạt 1 triệu USD tại thị trường Mỹ. Phim cũng được một số nhà phê bình điện ảnh có tiếng ở nước này viết bài bình luận.
Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện cùng anh Thiên A.Phạm, Giám đốc Công ty 3388 Films - đơn vị đối tác với Galaxy Studio (Việt Nam), phát hành Bố già tại Mỹ.
Theo anh, Bố già có khó khăn và thuận lợi gì khi chiếu thương mại tại thị trường Mỹ?
Thuận lợi là danh hiệu phim chiếu rạp có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam của Bố già với 400 tỉ đồng đã mang lại tiếng vang nhất định cho bộ phim khi ra mắt ở thị trường Mỹ, khơi dậy niềm mong muốn xem phim của cộng đồng người Việt - đối tượng chính mà chúng tôi muốn hướng tới ở đây.
Để phim có khả năng đạt được doanh thu đáng kể, ngay từ đầu, mục tiêu của chúng tôi là phải đưa phim vào các cụm rạp chính thống. Điều này đồng nghĩa với việc Bố già sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với các phim bom tấn Hollywood nên chúng tôi buộc phải suy nghĩ kỹ và vạch ra chiến lược thích hợp để tạo thêm sức hút cho phim, không chỉ trong cộng đồng khán giả người Việt, mà cả cộng đồng Mỹ.
|
Bộ phim đã được chiếu ở những địa phương nào?
Bố già được chiếu gần như trải dài khắp nước Mỹ, từ California đến Texas, từ Virginia đến Georgia, rồi Florida, Arizona, New York… Tuy nhiên, số lượng rạp chiếu Bố già ở mỗi địa phương có khác nhau. Thị trường phim ở Mỹ rất lớn, lại phân tán, nên cần xác định rõ ai sẽ là khán giả chính của phim và đâu là nơi có nhiều khán giả tiềm năng của phim để tập trung vào đó.
Ban đầu Bố già chỉ được chiếu ở 19 rạp, sau tăng lên 38 rạp và giờ là 45 rạp. Việc tăng số lượng rạp chiếu do nhà phát hành chủ động, hay do doanh thu phim tốt nên các rạp muốn lấy phim về chiếu?
Doanh thu tốt nên chúng tôi đề nghị tăng số lượng rạp lên và cả bên rạp cũng đồng ý.
Bên cạnh tiếng vang về doanh thu tại Việt Nam, theo anh điều gì khiến Bố già được khán giả tại Mỹ chú ý?
Theo tôi, sự phức tạp trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đậm chất Việt trong Bố già đã chạm được trái tim khán giả. Đối với các gia đình nhập cư ở Mỹ, giữa cha mẹ và con cái không chỉ tồn tại khoảng cách thế hệ mà còn có khoảng cách văn hóa và ngôn ngữ. Những khoảng cách đa dạng giữa các thành viên trong gia đình khiến thông điệp cuối phim càng thêm sâu sắc. Và khi các thành viên trong gia đình có thể cùng nhau chia sẻ trải nghiệm xem phim Việt Nam, điều đó sẽ tạo cơ hội để họ phản ánh, trò chuyện cùng nhau - vốn là điều rất hiếm hoi và đáng quý.
|
Thêm vào đó, Bố già gây xúc động và gợi nhớ về gia đình, quê hương Việt Nam đối với người xa xứ.
Anh nhận thấy có nhiều cơ hội cho phim Việt Nam chiếu ở Mỹ không? Sau Bố già, 3388 Films có dự định tiếp tục phát hành các phim Việt khác tại Mỹ?
Chúng tôi mạnh dạn đưa phim Việt đến thị trường ở Mỹ với mục đích vượt qua những ranh giới mà trước đây chưa ai chạm tới, nhằm tạo điều kiện để phim Việt phát huy tiềm năng. 3388 Films từng đưa tác phẩm Cho em gần anh thêm chút nữa của đạo diễn Văn Công Viễn tham gia liên hoan phim thường niên Newport Beach Film Festival ở California (Mỹ) năm 2017. Ngoài ra, chúng tôi còn phát hành ra rạp ở Mỹ các phim Việt khác như Vai diễn đổi đời, 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy, Tấm Cám: Chuyện chưa kể... Sau Bố già, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét phát hành tiếp phim Việt tại Mỹ.
Bố già được nhà phê bình điện ảnh Mỹ chú ý
Cây bút kỳ cựu Todd McCarthy (71 tuổi) từng đoạt giải Emmy, là nhà phê bình và đạo diễn phim người Mỹ từng viết bài trên tờ Variety trong 31 năm, 10 năm giữ chức Trưởng ban phê bình phim của tờ The Hollywood Reporter đến 2020, sau đó cộng tác bài thường xuyên với nhiều báo, trang tin điện ảnh. Ông đã có bài viết nhận định về phim Bố già trên trang Deadline (Mỹ).
Todd McCarthy viết: “Bố già là đứa con tinh thần của Trấn Thành - một diễn viên hài kiêm người dẫn chương trình truyền hình cực kỳ nổi tiếng. Trấn Thành viết kịch bản, đồng đạo diễn với Vũ Ngọc Đãng, đồng thời vào vai một người đàn ông trung niên nóng tính, luôn nỗ lực trong cuộc sống nhưng phần lớn thất bại, là chủ một gia đình “rối loạn chức năng”, thích cãi vã ở một xóm nghèo của Sài Gòn. Đây là một bộ phim hài - chính kịch gây tranh cãi về chất lượng với nhiều cung bậc tình cảm đan xen dày đặc. Tình huống hài trong phim được xây dựng kiểu sitcom, có thể chỉ là những trò đùa qua hình ảnh một cậu bé luôn chạy xung quanh xóm với chiếc quần tụt xuống, lộ cả mông; một phụ nữ không bao giờ lấy những ống quấn tóc bằng nhựa ra khỏi đầu; một kẻ say xỉn luôn chửi bới, muốn đập phá mọi thứ…
Chìa khóa dẫn đến thành công lớn của Bố già là phim mang đến lời khẳng định rằng bất kể bạn gặp vấn đề gì, người khác cũng gặp phải vấn đề có thể còn tồi tệ hơn bạn nhiều. Thông điệp của bộ phim chính là tình yêu thì không bao giờ cần nói ra lời xin lỗi”.
|
Bình luận (0)