Nô lệ tình dục trong ‘địa ngục’ ở Libya

Văn Khoa
Văn Khoa
24/06/2021 17:00 GMT+7

Nhiều phụ nữ tìm đường đến Libya để tìm kiếm cơ hội di cư đến châu Âu đã bị đẩy vào con đường làm nô lệ tình dục, bị ép bán dâm và bị cưỡng hiếp, trong khi tội phạm không bị trừng phạt.

Đối với cô Aisha, nô lệ tình dục chỉ xảy ra đối với người khác trong các bản tin truyền hình, cho đến khi cô phát hiện mình bị nhốt trong “địa ngục” ở Libya. “Tôi đã từ bỏ ác mộng chỉ để rồi rơi vào địa ngục”, cô Aisha chia sẻ với AFP. Cô di cư từ Guinea và bị dụ đến Libya, nơi bị các băng nhóm tội phạm biến thành ổ kiếm tiền phi pháp.

Bị bạn học cũ lừa

Aisha rời khỏi Guinea vào năm 2019, sau khi sảy thai 5 lần và bị bên chồng cũng như những người hàng xóm xem là người vô sinh hoặc là phù thủy. Tuy nhiên, người phụ nữ trẻ này chỉ mắc bệnh tiểu đường. “Tôi chỉ muốn biến mất khỏi đất nước của mình”, cô Aisha, đã tốt nghiệp ngành quản lý khách sạn, cho hay. Theo đó, Aisha đã liên lạc với một cô bạn học cũ. Cô bạn này dường như có thể tự kiếm sống được ở nước láng giềng Libya và đã cho Aisha mượn tiền để theo mình.
“Thậm chí tôi không nhìn thấy quốc gia đó (Libya). Ngay khi tôi đến, tôi đã bị nhốt rồi trở thành nô lệ tình dục. Cô ấy đưa nhiều đàn ông đến với tôi rồi lấy tiền”, cô Aisha kể lại. Bị nhốt trong một căn phòng có nhà vệ sinh, Aisha chỉ thấy cô “bạn” đã lừa mình khi cô được cung cấp thức ăn “như một con chó”. “Nhiều người đàn ông đến trong say xỉn. Tôi không muốn nhớ vụ khủng khiếp đó...Tôi nghĩ cuộc đời của mình đã kết thúc”, Aisha kể lại.

Cô Aisha cùng con gái tại một công viên trong thị trấn Medenine thuộc miền nam Tunisia vào ngày 2.6

AFP

Sau 3 tháng, một người đàn ông Libya cảm thấy tội nghiệp cho Aisha và đã giải cứu cô. Ông đã đe dọa người bắt giam Aisha và đưa cô lên xe buýt để đến Tunisia. Khi đó, trong túi cô chỉ có 300 LYD (hơn 1,5 triệu đồng). Sau khi bệnh tiểu đường được chữa trị, cô đã sinh một bé gái vào cuối năm ngoái. Hiện nay, Aisha mong muốn được đến châu Âu, nhưng không bao giờ muốn trở lại Libya. “Tôi không muốn điều tồi tệ đó xảy đến với bất kỳ ai”, cô Aisha nhấn mạnh. Trong 2 năm qua, Aisha sống với những phụ nữ di cư khác ở thị trấn Medenine, thuộc miền nam Tunisia.

"Bọn chúng có vũ trang"

Hầu hết những phụ nữ di cư khác đến Libya cũng bị ép bán dâm, cưỡng hiếp hoặc bị tấn công tình dục, theo AFP dẫn lời ông Mongi Slim, người đứng đầu tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Tunisia. Trong số đó có cô Mariam. Cô này đã chi trả 1.000 euro (hơn 27 triệu đồng) cho việc di cư từ thành phố Abidjan thuộc Bờ Biển Ngà để đến Libya thông qua Mali và Algeria. Cô hy vọng sẽ kiếm được đủ tiền để đến châu Âu. Tuy nhiên, sau khi đến Libya, cô phải trải qua gần một năm trong tù, bị bóc lột tình dục trong đó, trước khi trốn đến Tunisia vào năm 2018.

[VIDEO] Thuyền chở hơn 130 người di cư bị đắm ngoài khơi Libya

“Tôi đã làm việc cho một gia đình được 6 tháng, và sau đó tôi vượt biên bằng đường biển từ Zuwara (một cảng ở phía tây Libya)”, cô Mariam (35 tuổi) kể lại. Cô kể tiếp rằng cô từng rơi vào tay của một nhóm dân quân điều hành các trại di cư trái phép, vốn phổ biến với các nạn tống tiền, cưỡng hiếp và ép buộc lao động. Ngay cả các trung tâm dành cho những người di cư do chính phủ Libya kiểm soát cũng có nạn tham nhũng và bạo lực, trong đó có tấn công tình dục, theo Liên Hiệp Quốc.
“Vào mỗi buổi sáng, thủ lĩnh trại thường chọn ra nhiều cô gái và đưa những cô bị chọn đến với những người đàn ông Libya có thuê phòng đặc biệt. Họ cho tôi ăn bánh mì, cá mòi và món rau trộn. Tôi ở đó khoảng một tháng cho đến khi họ chuyển tôi đến một nơi khác”, cô Mariam nhớ lại. “Bọn chúng có vũ trang, hút ma túy, chúng trả tiền cho thủ lĩnh, chứ không trả cho tôi”, cô Mariam kể tiếp.

Tội phạm “không bị trừng phạt”

Theo các nhóm nhân quyền, nhiều cậu bé và đàn ông cũng bị bạo hành tình dục. “Các kẻ buôn người và đưa người trái phép dọc các tuyến di cư tiếp tục có hành vi bạo lực tình dục trong các trung tâm giam giữ, nhà tù mà không bị trừng phạt”, Liên Hiệp Quốc khẳng định trong một báo cáo năm 2019. Tình trạng phạm tội này gia tăng theo cuộc xung đột leo thang ở Libya từ năm 2014.
Ba trung tâm giam giữ người di cư trái phép ở Libya đã bị đóng cửa vào giữa năm 2019 và việc thành lập chính quyền lâm thời mới được Liên Hiệp Quốc ủng hộ hồi tháng 3.2021 đã làm gia tăng hy vọng rằng bạo lực và tình trạng phạm tội không bị xử phạt sẽ giảm.

Bác sĩ không biên giới,một tổ chức phi chính phủ quốc tế, cứu những người di cư từ một tàu ngoại khơi bờ biển Libya, trên Địa Trung Hải, vào ngày 11.6

AFP

Hồi năm ngoái, Liên Hiệp Quốc đã quyết định điều một nhóm đến Libya để chống các tội phạm tình dục nhưng cho đến nay, nhóm này vẫn chưa được tuyển chọn và nhiều người di cư bị bắt gặp trên biển hiện vẫn còn bị đưa trở lại Libya. Mới đây, ngày 12.6 trở thành ngày có số người di cư bị bắt ở Địa Trung Hải rồi bị đưa trở lại các nhà tù tại Libya ở mức cao kỷ lục, hơn 1.000 người, theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.