Đây là hệ thống AI sử dụng thuật toán máy học do giáo sư Zoe Kourtzi thuộc Đại học Cambridge và Viện Alan Turing (Anh) phát triển. Thuật toán sẽ tự học hỏi để chẩn đoán bệnh nhân bằng cách xem xét các ảnh chụp MRI não nhằm xác định các dấu hiệu của bệnh mất trí. Sau đó, nó so sánh những phát hiện này với kết quả của bộ nhớ tiêu chuẩn, theo tờ The Guardian đưa tin mới đây.
Nhóm nghiên cứu hy vọng công cụ AI này sẽ giúp chẩn đoán bệnh sớm hơn, từ đó có thể cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân.
“Nếu chúng ta can thiệp sớm, các phương pháp điều trị có thể sẽ có tác dụng sớm và làm chậm sự tiến triển của bệnh, đồng thời tránh được nhiều tổn thương hơn. Ngoài ra, còn có khả năng các triệu chứng sẽ xảy ra muộn hơn nhiều hoặc không bao giờ xảy ra”, giáo sư Kourtzi nhận định.
Tiến sĩ Timothy Rittman, nhà nghiên cứu thần kinh tại Đại học Cambridge (Anh) dẫn đầu dự án nói với BBC rằng hệ thống AI này là một “bước phát triển tuyệt vời”, giúp bác sĩ tự tin hơn trong việc chẩn đoán và cung cấp thêm thông tin về diễn tiến bệnh, giúp bệnh nhân chuẩn bị trước.
Tiến sĩ Laura Phipps thuộc Tổ chức Nghiên cứu bệnh Alzheimer của Anh cho biết: “Các mô hình máy học như những mô hình do giáo sư Kourtzi phát triển có thể giúp các bác sĩ tự tin hơn trong việc diễn giải các bản quét não, dẫn đến các chẩn đoán chính xác hơn cho bệnh nhân”.
Theo bà Phipps, phương pháp này cũng được kỳ vọng sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh gây ra chứng mất trí nhớ, điều tạo ảnh hưởng lớn đến bệnh nhân và gia đình của họ.
Tuy nhiên, giáo sư Tara Spiers-Jones, Phó giám đốc Trung tâm Khoa học Khám phá Não bộ tại Đại học Edinburgh (Anh), người không tham gia vào nghiên cứu, lại cho rằng sự hào hứng này có thể là còn khá sớm vì công cụ này vẫn còn đang ở giai đoạn đầu.
Dự kiến, hệ thống AI này sẽ được thử nghiệm trên khoảng 500 bệnh nhân tại bệnh viện Addenbrooke ở thành phố Cambridge và các phòng khám trí nhớ khác trên toàn nước Anh.
Bình luận (0)