Ân oán Taliban - IS trên đất Afghanistan

Khánh An
Khánh An
28/08/2021 07:10 GMT+7

Kể từ khi thành lập ở Afghanistan, tổ chức ISIS-K luôn mâu thuẫn với Taliban về hàng loạt vấn đề từ lãnh địa cho đến tư tưởng.

Theo tờ The Washington Post, Taliban và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đều là các tổ chức với thành viên là những người theo Hồi giáo dòng Sunni, với chủ trương thành lập nhà nước điều hành theo luật Hồi giáo. Tuy nhiên, 2 bên không phải là đồng minh mà còn đối đầu, xung đột từ năm 2015, khi IS di chuyển đến Afghanistan và thành lập tổ chức chân rết ISIS-K.
Song song đó, ISIS-K cũng thu nhận các tay súng Taliban đào tẩu do không hài lòng với tiến triển của lực lượng này hoặc cảm thấy quy định của Taliban chưa đủ nghiêm khắc.

Nhận diện 2 tổ chức

Lực lượng Taliban thành lập vào năm 1994 trong nội chiến ở Afghanistan, khi chính quyền Kabul do Liên Xô hậu thuẫn sụp đổ và nhiều nhóm “mujahideen” trỗi dậy, đối kháng với chính phủ và sau đó chiến đấu lẫn nhau.

Vì sao ISIS-K lại đối đầu Taliban?

Một trong các nhóm này là Taliban đặt dưới sự lãnh đạo của nhà sáng lập Mullah Mohammed Omar. Với chủ trương triển khai quy định nghiêm khắc của Hồi giáo, lực lượng này nhanh chóng kiểm soát một khu vực lớn ở Afghanistan, trước khi tiến đến Kabul vào năm 1996 và kiểm soát đất nước.
Theo trang iNews, chính quyền Taliban khi đó áp dụng các luật lệ hà khắc, trong khi nước này là nơi trú ẩn của các nhóm cực đoan như al-Qaeda.

Các thành viên Taliban đứng gác tại một khu vực ở Kabul vào ngày 17.8

Ảnh: AFP

Taliban từ chối giao nộp lãnh đạo al-Qaeda Osama bin Laden vào năm 2001 sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9 ở Mỹ, dẫn đến việc Mỹ và các đồng minh đưa quân đến khiến chính quyền Taliban sụp đổ.
Tuy nhiên, Taliban tiếp tục phong trào nổi dậy kéo dài trong 20 năm qua và giành quyền kiểm soát Afghanistan khi Mỹ và các nước rút quân.
Còn IS được thành lập tại Iraq và Syria vào năm 1999 bởi lãnh đạo Abu Musab al-Zarqawi, nhưng chỉ thu hút sự chú ý của quốc tế vào năm 2014, khi bắt đầu chiếm nhiều thành phố lớn ở Iraq như Mosul.
Tuy nhiên, vào năm 2017, IS bị đẩy lùi bởi các lực lượng chính phủ Iraq và các tổ chức chống IS ở Syria, dưới sự hậu thuẫn của quốc tế. Vào năm 2019, IS bị xóa sổ tại các khu vực từng chiếm được. Trong 2 năm qua, tổ chức này phát động nhiều chiến dịch tại các nước châu Phi như Nigeria và Mozambique.

Tổ chức khủng bố ISIS-K vừa đánh bom liều chết nhắm vào quân Mỹ tại Kabul là ai?

Mâu thuẫn và xung đột

Tại Afghanistan, ISIS-K luôn muốn tấn công các lực lượng phương Tây và Liên Hiệp Quốc chứ không như Taliban. Tuy nhiên, ISIS-K được cho là cũng muốn chiếm Kabul như Taliban.
Ước tính ISIS-K có khoảng 800 tay súng vào năm 2018, sau khi có thời điểm thu hút đến 4.000 thành viên vào năm 2016.

Các tay súng ISIS-K giao nộp vũ khí cho chính phủ Afghanistan sau khi đầu hàng tại tỉnh Jalalabad vào năm 2019

Ảnh: AFP

Theo Trung tâm Stanford (Mỹ), thù địch giữa 2 nhóm bắt nguồn từ những khác biệt về tư tưởng và cạnh tranh về tài nguyên. Theo đó, IS cho rằng Taliban dựa trên tư tưởng chủng tộc và quốc gia, thay vì tín ngưỡng Hồi giáo chung.
Xung đột giữa Taliban và ISIS-K nổ ra vào tháng 6.2015 sau khi lãnh đạo Taliban lúc đó là Mullah Akhtar Mohammad Mansour viết thư cho lãnh đạo IS Abu Bakr al-Baghdadi yêu cầu dừng tuyển dụng các tay súng Taliban đào tẩu.
Các vụ xung đột tiếp tục diễn ra vào tháng 11.2015 nhưng là giữa các bộ phận khác nhau trong nội bộ Taliban liên quan vấn đề gia nhập IS hay không.
Vào tháng 4.2017, ISIS-K bắt giữ 3 thành viên Taliban bán thuốc phiện tại miền bắc Afghanistan. Một tháng sau đó, cuộc xung đột giữa 2 bên gần biên giới Iran khiến 22 người thiệt mạng.

[VIDEO[ Mỹ dự báo IS sẽ tiếp tục tấn công sau vụ đánh bom khủng bố đẫm máu tại sân bay Kabul

Bên cạnh tranh giành lãnh địa, 2 bên còn đối nghịch nhau về quan điểm, tư tưởng, chẳng hạn như vấn đề như thuốc phiện. ISIS-K cho rằng trồng cây anh túc là trái với đạo Hồi, trong khi Taliban xem đây là nguồn tài chính quan trọng.
Đến năm 2018, Taliban thành công đẩy lùi ISIS-K khỏi tỉnh Jowzjan ở miền bắc. Các lực lượng Mỹ và Afghanistan hầu như hoàn toàn đánh bại ISIS-K trong vài năm sau đó.
Vào năm ngoái, khi ký thỏa thuận hòa bình với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Taliban đã cam kết sẽ chiến đấu chống lại các nhóm cực đoan như IS.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.