Dập dịch tin giả - Kỳ 1: Sau khi bị phạt, thì 'tôi biết tôi sai'

31/08/2021 10:13 GMT+7

Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh lần thứ 4 (từ 27.4) đến nay, các cấp chính quyền vừa căng mình chống dịch, nhưng cũng căng mình chống lại nạn tin giả , gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch.

Theo Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC), tin giả được chia thành 2 mức độ: loại thứ nhất là thông tin không có thật, tin bịa đặt, vu khống; loại thứ hai là tin sai sự thật, những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác, xuyên tạc, bóp méo sự thật, tin không có cơ sở. 

Sự thật về hoang tin "cuộc gọi lừa người tiêm vắc xin Covid-19" xôn xao mạng xã hội

Gỡ bỏ hàng trăm bài viết, video sai sự thật

Ngày 29.8, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT - TT TP.HCM cho biết, thời gian vừa qua Sở TT - TT đã phối hợp với các đơn vị gỡ bỏ 112 bài viết trên tài khoản mạng xã hội, 182 video trên kênh YouTube, 17 video trên ứng dụng TikTok có nội dung sai sự thật, xuyên tạc sự thật liên quan đến dịch bệnh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở TT - TT TP.HCM cũng phối hợp với Trung tâm xử lý tin giả (Bộ TT - TT) xác minh và công bố 3 tin giả liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM.
Đồng thời, từ tháng 4.2021 đến nay, Sở TT - TT TP.HCM đã xử phạt 15 trường hợp vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 122,5 triệu đồng. Trong đó có 7 trường hợp cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc sự thật và 8 trường hợp chia sẻ thông tin gây hiểu lầm, hiểu sai nội dung, gây hoang mang trong dư luận. 

Muôn kiểu tin giả

Theo một số chuyên gia về an ninh mạng, tin giả được tung ra dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể nhằm vụ lợi, nhưng cũng có thể chỉ hòng được lan truyền rộng khắp, "câu view, câu like" trên mạng xã hội.
Theo sau đó, có những người sử dụng mạng xã hội chưa kiểm chứng tin giả, rồi chia sẻ làm tin giả càng lan rộng, hóa tưởng “tin thật”, gây hoang mang trong người dân.
Trong hàng loạt tin giả, nổi cộm nhất phải kể đến 3 tin giả được Trung tâm xử lý tin giả (Bộ TT - TT) và Sở TT - TT TP.HCM phối hợp xác minh, công bố.
Cụ thể, tháng 7.2021, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh hàng loạt xác chết của các bệnh nhân Covid-19 được cho là ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) gây hoang mang trong dư luận. Qua xác minh, cơ quan chức năng khẳng định bức ảnh trên được chụp tại bệnh viện Myawaddy, thị trấn ở đông nam Myanmar.
Tiếp theo đó là tin giả vụ “bác sĩ Khoa”. Ngày 7.8.2021, mạng xã hội lan truyền câu chuyện cảm động về một bác sĩ tên Khoa được cho là đã nhường máy thở của mẹ ruột cho một sản phụ song sinh đang cần máy thở.

Cơ quan chức năng xác định vụ “bác sĩ Khoa” là hư cấu

Vào cuộc xác minh, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam khẳng định thông tin nêu trên liên quan “bác sĩ Khoa” là tin giả. Hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội về 2 em bé song sinh được cho là con của sản phụ được nhường máy thở, là ảnh cũ, được chỉnh sửa từ ảnh gốc chụp tại khoa sản của một bệnh viện khác. Riêng “câu chuyện cảm động” được nhiều tài khoản Facebook lan truyền, coi “bác sĩ Khoa” như người truyền cảm hứng nhưng lại là câu chuyện giả dối, hư cấu.
Tin giả này cũng được nhiều người sử dụng mạng xã hội (có lượng theo dõi lớn) chia sẻ công khai trên không gian mạng khi chưa được kiểm chứng, vì vậy, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam khuyến cáo những người liên quan cùng nhau thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và quy tắc đạo đức người làm báo khi tham gia mạng xã hội.

TP.HCM xử phạt nhiều chủ tài khoản Facebook liên quan tin giả về Covid-19

Ngoài ra, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam cũng phát hiện nhiều tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ, phát tán nội dung tin giả, hoàn toàn sai sự thật về “Quận 12 thông báo tiêm vắc xin Trung Quốc, dân bỏ về hết”.
Hay, mới đây, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam phát hiện nhiều tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ, phát tán nội dung thông tin được cho là phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng chống dịch Covid-19. Song qua xác minh, cơ quan chức năng khẳng định nội dung thông tin trên là giả mạo, xuyên tạc phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Cơ quan chức năng buộc tài khoản Facebook Angela Phương Trinh gỡ bỏ thông tin “ca mắc Covid âm tính sau 5 ngày uống Địa Long” 

Mạnh tay xử lý

Song song với việc công bố tin giả, thì cơ quan chức năng cũng đã mạnh tay, xử lý hàng loạt tin giả, tin sai sự thật.
Điển hình, liên quan vụ chia sẻ tin giả “bác sĩ Khoa”, Sở TT - TT TP.HCM đã xử phạt vi phạm hành chính mỗi cá nhân 5 triệu đồng, đối 3 chủ tài khoản Facebook "Nguyễn Đức Hiển", "Hoàng Nguyên Vũ", “Ngân Hà Trần” về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội theo điểm a, khoản 1, điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử).
Ngoài ra, cơ quan chức năng đang xác minh làm rõ có dấu hiệu trục lợi trong vụ “bác sĩ Khoa” đối với một số tài khoản Facebook khác.

“Tôi biết tôi sai”

Ngày 13.8 vừa qua, Thanh tra Sở TT - TT TP.HCM đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với chủ thể sử dụng tài khoản “Hằng Nguyễn” về hành vi cung cấp thông tin gây hoang mang trong người dân về công tác hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Chủ tài khoản này có bài viết được đăng trên tài khoản Facebook “Hằng Nguyễn” có nội dung "Sài Gòn ăn cứu trợ của cả nước", ảnh hưởng đến trật tự xã hội, gây hoang mang, bức xúc trong người dân.
Với chủ tài khoản “Hằng Nguyễn”, sau khi nhận nhiều sự phản ứng từ cộng đồng mạng và dư luận, đã xóa bài viết và có bài xin lỗi: “Tôi xin lỗi tất cả mọi người, trong một lúc không làm chủ được suy nghĩ của mình, tôi đã đã viết một status làm tổn thương đến mọi người, tôi biết tôi sai. Tôi mong mọi người hãy mở lòng tha thứ”.

Chủ Facebook "Hằng Nguyễn" bị phạt 5 triệu đồng

Ngày 15.8, tài khoản Facebook Angela Phương Trinh khiến cộng đồng phẫn nộ khi viết thông tin “ca mắc Covid âm tính sau 5 ngày uống Địa Long” trên Facebook của mình. Bài viết này của chủ tài khoản này đã bị buộc gỡ ngay sau đó.
Một tài khoản TikTok đăng tải video tranh cãi với cán bộ tuần tra kiểm dịch, với tiêu đề: “Chốt đầu cho vào, chốt 2 đòi lập biên bản phạt 4 triệu đồng. Gài nhau à mấy "chế". Qua xác minh, vụ việc xảy ra tại P.Trường Thạnh, TP.Thủ Đức. Do xe không có QR code và vận chuyển mặt hàng không thiết yếu theo quy định của UBND TP.HCM, nên tổ công tác đã yêu cầu tài xế quay đầu xe nhưng tài xế vẫn xin được đi tiếp, sau đó dẫn đến cự cãi. Clip này sau đó cũng bị yêu cầu gỡ bỏ.

TP.HCM có thể đang ở đỉnh dịch Covid-19

Khởi tố, xử lý hình sự người tung tin giả

Cùng với việc xử lý hành chính các trường hợp vi phạm, Sở TT - TT TP.HCM cũng phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý 2 vụ tung tin giả theo trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Hữu Điệp Anh theo điều 331, bộ luật Hình sự năm 2015 về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Qua xác minh, ông Điệp Anh đã lợi dụng vụ việc tẩm xăng tự thiêu của một nam thanh niên có tiền sử bệnh tâm thần xảy ra ngày 19.7.2021 tại khu vực đường số 2 (P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức) để đăng tải thông tin sai sự thật “tự thiêu vì bức xúc cách chống dịch Covid-19”, gây ảnh hưởng về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Ông Phan Hữu Điệp Anh bị khởi tố, bắt tạm giam vì thông tin sai sự thật vụ tự thiêu

Trường hợp còn lại xảy ra vào cuối tháng 8.2021, là khởi tố, bắt tạm giam bà Lê Thị Kim Dung (32 tuổi, trú tại Q.4, TP.HCM) theo điều 366, bộ luật Hình sự năm 2015 về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi trong việc bán vắc xin trái phép.
Theo thông tin ban đầu, Dung dựa vào mối quan hệ cá nhân để sắp xếp, cung cấp các suất tiêm vắc xin ngừa Covid-19 với giá từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng mỗi liều. Dung đã đăng thông tin lên mạng xã hội tìm kiếm người có nhu cầu. Khách hàng liên hệ sẽ được Dung lập danh sách và đưa đi tiêm. Với chiêu thức trên, Dung đã tổ chức cho 21 trường hợp tiêm vắc xin trót lọt trên địa bàn Q.11 (TP.HCM) và thu lợi bất chính 60 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.