Những robot độc đáo bầu bạn với con người trên trạm vũ trụ

19/09/2021 08:44 GMT+7

Suốt hai thập kỷ qua, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) không ngừng đưa những robot tân tiến nhất lên không gian nhằm hỗ trợ cuộc sống và công việc của các phi hành gia.

Robot đã trở thành những trợ thủ đắc lực cho con người khi hoạt động trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, hạn chế về nhân lực trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Không những giảm tải áp lực cho phi hành gia, việc thử nghiệm robot ở ISS còn mở ra mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa robot và con người trong ngành khoa học vũ trụ. 

Astrobee

Astrobee có hình dạng khối lập phương

NASA

Astrobee là tên gọi chung cho những robot khối lập phương bay tự do trong trạm vũ trụ, được tích hợp phần mềm học máy ISAAC (Hệ thống tích hợp chăm sóc tự chủ và thích ứng) do NASA phát triển. Nhiệm vụ chính của Astrobee là bảo trì trạm vũ trụ, giúp phát hiện các rủi ro có thể đe dọa phi hành đoàn và lập bản đồ 3D bên trong trạm. 
Mỗi Astrobee có tên riêng dựa trên màu sắc bên ngoài, chẳng hạn Astrobee màu xanh dương tên Bumble, màu vàng tên Honey, màu xanh lá tên Queen. Chúng được tích hợp camera và cảm biến, với cặp mắt là hai đốm sáng trên màn hình cảm ứng và một cánh tay sẽ tự động chìa ra ngoài khi chúng cần kẹp lấy vật dụng, nhưng khả năng này còn hạn chế. Những Astrobee bay khắp trạm nhờ lực đẩy của quạt điện.
Astrobee có thể vận chuyển các dụng cụ thí nghiệm khoa học, thu thập dữ liệu về trạm vũ trụ, phát hiện bức xạ, CO2 và các loại khí độc hại. Các nhà nghiên cứu hy vọng trong tương lai robot Astrobee sẽ đủ khả năng để tiếp quản trạm vũ trụ, khắc phục sự cố khi các phi hành gia không có mặt. 

Một phi hành gia tương tác với Astrobee

NASA

Tháng 4.2021, NASA cho Bumble tham gia xử lý các tình huống mô phỏng trên ISS. Lần đầu tiên, Bumble đã phát hiện một miếng hình dán chặn ngay lỗ thông hơi và báo lại cho các phi hành gia. Một lần khác, nó bị vướng vào những sợi dây cáp nhưng biết tự gỡ rối để thoát thân. 
 
CIMON
 
CIMON là robot AI (trí tuệ nhân tạo) hình cầu có thể tương tác với các phi hành gia trên trạm vũ trụ nhờ sử dụng phần mềm tổng hợp và nhận diện giọng nói của IBM. Là sản phẩm hợp tác giữa hãng Airbus, Trung tâm Hàng không và Vũ trụ Đức (DLR) và IBM, CIMON thế hệ đầu tiên đã có mặt trên trạm vũ trụ từ năm 2018 rồi quay về Trái đất, làm việc dẫn dắt du khách trong những bảo tàng ở Đức.
CIMON được tạo ra nhờ công nghệ in 3D, nặng khoảng 5 kg, lơ lửng trong trạm vũ trụ bằng lực đẩy từ động cơ phản lực nhỏ. Bộ cảm biến siêu âm và camera âm thanh nổi giúp CIMON "nhìn" xung quanh, tránh các chướng ngại vật. Song song đó, CIMON còn được trang bị kèm ba camera khác, một camera có độ phân giải cao dùng để nhận diện gương mặt của các phi hành gia, hai camera nhỏ lắp ở mặt bên quả cầu để chụp ảnh, quay phim. 9 micro giúp CIMON xác định nguồn phát âm thanh, ghi âm giọng nói. Màn hình trên quả cầu sẽ hiển thị những biểu cảm gương mặt của CIMON lúc giao tiếp với phi hành gia. 

CIMON được xem là "bộ não" AI

NASA

Robot quả cầu hiện giờ ở trạm vũ trụ là CIMON thế hệ tiếp theo, với khả năng phản hồi nhanh hơn và có thể phân tích trạng thái cảm xúc của phi hành gia bằng phần mềm phân tích tông giọng Watson. 
Theo space.com, CIMON-2 sẽ làm việc như một trợ lý hỗ trợ các phi hành gia trong các nhiệm vụ thường nhật trên trạm vũ trụ. Till Eisenberg - giám đốc dự án CIMON ở công ty Airbus mô tả công việc của CIMON như sau: "Các phi hành gia làm việc theo quy trình từng bước. Thông thường họ phải đọc nội dung trên bảng kẹp tài liệu để theo sát những bước này. CIMON sẽ giúp họ rảnh tay bằng cách bay gần đó, làm theo lệnh của phi hành gia, đọc các quy trình làm việc, hiển thị video, hình ảnh và chú thích trên màn hình". Robot CIMON cũng có thể tra cứu thông tin, ghi lại các thí nghiệm trên trạm vũ trụ bằng các quay video, chụp ảnh. 

Robonaut

Robonaut là sản phẩm do NASA hợp tác phát triển cùng hãng General Motors

NASA

Phiên bản đầu tiên của Robonaut ra đời năm 2000 và tiếp tục được cải tiến cho đến thời điểm hiện tại. Năm 2011, Robonaut 2 (R2) bay lên trạm vũ trụ trên tàu con thoi Discovery, trở thành robot hình người đầu tiên xuất hiện trong không gian.
Không giống như hai robot trợ lý nêu trên, ban đầu Robonaut chủ yếu mô phỏng hoạt động của các phi hành gia, hoặc làm các công việc nhẹ nhàng như kiểm tra chất lượng không khí, lau chùi tay vịn, bật công tắc, nhấn nút. Các phi hành gia có thể điều khiển R2 từ xa bằng cách sử dụng thiết bị thực tế ảo đặc biệt trên trạm, cho nó đến kiểm tra một số khu vực và "nhìn" mọi thứ thông qua camera của Robonaut.

Robonaut làm việc trên trạm

Chụp màn hình

Theo New York Post, Robonaut gần đây có thêm công việc mới là giúp Bumble giải quyết sự cố và vận chuyển những vật nặng. Bàn tay của R2 có hình dạng và chuyển động như con người với cảm biến chạm trên từng đầu ngón tay, nhưng nó chỉ có thể di chuyển bàn tay đến góc 14 độ. 
NASA cho biết Robonaut còn có thể tự suy nghĩ nhờ phần mềm ISAAC. Các phi hành gia có thể đặt ra một nhiệm vụ đơn giản, robot sẽ tìm cách giải quyết, nhờ đó, nó cũng có thể học thêm các tác vụ mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.