'Ăn ngủ không yên' vì hàng xóm là khủng bố Boko Haram

30/09/2021 15:22 GMT+7

Sau cái chết của thủ lĩnh , các chiến binh Boko Haram và gia đình lũ lượt đầu hàng chính phủ Nigeria . Họ được chuyển đến nơi từng là mục tiêu khủng bố của nhóm. Điều này khiến người dân địa phương khiếp sợ.

Hơn một thập kỷ qua, nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram khủng bố vùng đông bắc Nigeria bằng cách giết chết hàng chục ngàn người, bắt cóc nữ sinh và đưa những kẻ đánh bom liều chết vào các khu chợ sầm uất.

Gần đây, hàng ngàn chiến binh Boko Haram cùng với gia đình đã đầu hàng. Họ được chính phủ Nigeria đưa vào một khu nhà được gọi là Trại Hajj ở thành phố Maiduguri, thủ phủ bang Borno. Trại Hajj nằm cạnh khu định cư của tầng lớp trung lưu và một trường tiểu học. Việc sống cạnh Boko Haram khiến cư dân, giáo viên và phụ huynh khiếp sợ.

“Chúng tôi rất sợ. Chúng tôi không biết họ nghĩ gì”, bà Maimouna Mohammed, giáo viên tại trường tiểu học cạnh khu nhà của các chiến binh Boko Haram, cho biết.

Theo nhà chức trách Nigeria, có tới 7.000 chiến binh Boko Haram, thành viên gia đình cùng với những người bị Boko Haram bắt cóc ra trình diện. Đây là làn sóng đào tẩu lớn nhất kể từ Boko Haram được lập ra vào năm 2002.

Cái chết của Abubakar Shekau, thủ lĩnh Boko Haram, có thể đã dẫn đến việc này. Shekau đã nổ bom tự sát vào tháng 5 sau khi bị nhóm đối lập Nhà nước Hồi giáo chi nhánh Tây Phi (ISWAP) dồn vào đường cùng.

Bị đối thủ dồn vào đường cùng, thủ lĩnh khủng bố Boko Haram "không chịu nhục" nổ bom tự sát

Nigeria không cho phép truyền thông đến Trại Hajj. Tuy vậy, tờ The New York Times đã phỏng vấn được 6 người giấu tên khi họ rời trại trong vài giờ.

Những người đào tẩu

Lý do những người này đầu hàng đều rất thực tế: vì không có thủ lĩnh, vì hết vũ khí, vì không muốn lẩn trốn suốt đời và vì lo sợ cho tính mạng của mình. Một số người đã chọn đầu hàng chính phủ Nigeria thay vì đầu quân cho ISWAP và có nguy cơ bị đối xử như nô lệ.

“Chúng tôi không có lãnh đạo. Chúng tôi biết làm gì đây?”, một người đàn ông tự nhận mình là khaid (chỉ huy cấp cao trong Boko Haram), cho biết và nói ông đã chứng kiến thủ lĩnh Shekau nổ bom tự sát.

Người đàn ông này là khaid, một chỉ huy cấp cao trong Boko Haram. Ông đầu hàng vì thủ lĩnh đã chết và ông muốn cho con mình cuộc sống bình thường

Chụp màn hình The New York Times

Ban đầu, ông gia nhập Boko Haram vì muốn trả thù một người lính đã đánh mình. Sau một thời gian, ông trở thành người đứng đầu hisbah, cảnh sát đạo đức của Boko Haram. Ông kết hôn với 4 phụ nữ và có 14 người con.

Sau cái chết của thủ lĩnh Shekau, chỉ huy này trở về làng và cố gắng bắt đầu trồng trọt. Ông đã cùng gia đình đầu hàng sau khi thấy được tờ rơi kêu gọi của chính phủ Nigeria. Khaid này cho biết ông đã thề ba lần trước kinh Qur'an rằng sẽ không bao giờ quay lại Boko Haram.

Trong Trại Hajj còn có những người từng bị Boko Haram bắt cóc. Một số người bị buộc kết hôn với các chiến binh. Họ cố gắng thu hút càng ít sự chú ý càng tốt vì vẫn lo sợ sẽ bị hãm hiếp.

Các chiến binh Boko Haram đang chờ được chính phủ Nigeria thẩm vấn cũng sống trong Trại Hajj. Một số chiến binh tự nguyện gia nhập Boko Haram vì bị các món quà như tiền và xe máy mê hoặc. Tuy vậy, vẫn có một số người tham gia nhóm khủng bố này vì bị ép buộc hoặc tẩy não.

The New York Times dẫn lời một chiến binh thuộc toàn bộ kinh Qur'an cho biết khi còn là thiếu niên, người này nghe các lãnh đạo Boko Haram giảng rằng cả thế giới đã đang có lối sống sai lầm và họ cần phải chống lại điều này.

“Tôi hoàn toàn tin tưởng vào họ, tin tưởng vào mọi thứ họ nói”, chiến binh này cho biết. Anh đã giết 17 người, một cách vui vẻ, và anh nghĩ mình đang ban phước lành cho họ.

Chiến binh này đã thuộc toàn bộ kinh Qur'an nhưng không hiểu ý nghĩa của chúng cho đến khi nghe các thủ lĩnh Boko Haram giảng giải

Chụp màn hình The New York Times

Vào khoảng thời gian thủ lĩnh Shekau tự sát, chiến binh này bắt đầu bí mật nghe các bài giảng diễn giải kinh Qur'an theo cách ôn hòa và hoàn toàn khác biệt. Sau đó, anh quyết định đầu hàng. “Tôi muốn được tha thứ”, anh chia sẻ.

Khi các chiến binh Boko Haram đến Trại Hajj, một sĩ quan quân đội cấp cao đảm bảo họ sẽ được bảo vệ, khaid cho biết. Họ sẽ được cấp chứng minh thư, đào tạo và cấp vốn để làm ăn. Các sĩ quan cũng hứa cho con cái của các biến binh đi học và khaid hoan nghênh điều này.

Đây là một sự thay đổi lớn. Boko Haram dịch theo nghĩa đen là "giáo dục theo kiểu phương Tây bị cấm". Tội ác khét tiếng nhất của nhóm khủng bố này cũng là bắt cóc hàng trăm nữ sinh trong ký túc xá ở làng Chibok.

Sống trong lo sợ

Tại trường mẫu giáo và trường tiểu học Ahmed Jaha bên cạnh Trại Hajj, bà Mohammed và các giáo viên khác không tin rằng những chiến binh Boko Haram này đã thực sự ăn năn. "Nếu có chuyện gì xảy ra, chúng tôi sẽ mang những đứa trẻ này ra ngoài bằng cách nào?", bà đặt vấn đề.

Ban đầu Trại Hajj chỉ có một bức tường thấp bao quanh. Khoảng 20 chiến binh Boko Haram đã trèo tường bỏ trốn khi mới chuyển vào trại, ông Bunu Bukar đứng đầu lực lượng dân quân địa phương giúp quân đội chống lại Boko Haram trong nhiều năm cho biết.

Do đó, chính quyền đã xây dựng một bức tường mới, phía trên có thép gai. Cảnh sát cũng lập chốt canh gác dọc theo trại.

Người dân ở thành phố Maiduguri đang nơm nớp lo sợ vì phải sống chung với những người từng khủng bố họ

Chụp màn hình The New York Times

Tuy nhiên, cư dân tại 1000 Housing Estate, khu nhà của chính phủ dành cho công chức nằm cạnh Trại Hajj, vẫn không cảm thấy an toàn.

Một số người đã chuyển đi ngay khi có thể. Nhiều người lo lắng việc đầu hàng chỉ là thủ đoạn mới nhất của Boko Haram để tấn công Maiduguri. Trại Hajj rất gần sân bay, một căn cứ không quân và một doanh trại pháo binh.

“Chúng tôi có an toàn không? Họ đầu hàng thật không?” là những câu hỏi mà ông Aji Kyari, Tổng thư ký của Hiệp hội Cư dân 1000 Housing Estate, liên tục nhận được. Ông Kyari cho biết họ không nhận được cảnh báo nào về những người mới dọn vào Trại Hajj.

“Việc chúng tôi quan tâm hơn là Boko Haram có tấn công những chiến binh đã đầu hàng không. Đó là vấn đề lớn”, ông Kyari nói thêm.

Ông Kyari đã cố gắng trấn an các cư dân của 1000 Housing Estate bằng cách chỉ ra rằng họ tự nguyện đến Trại Hajj. Tuy nhiên, sâu trong tâm trí, ông vẫn rất nghi ngờ về hành động đầu hàng này. "Họ đã thực sự ăn năn chưa, hay đó là chiến thuật để trà trộn vào cộng đồng?", ông Kyari chỉ ra.

Đây không phải là lần đầu tiên các chiến binh Boko Haram đào tẩu. Hàng trăm thành viên Boko Haram đã đầu hàng chính phủ Nigeria trong Chiến dịch Hành lang An toàn.

Tuy nhiên, chưa bao giờ số người ra trình diện lên tới hàng ngàn như bây giờ. Không có con số rõ ràng về quy mô thành viên của Boko Haram. Một số người ước tính nhóm này có 1.500 chiến binh. Tuy vậy, một chỉ huy cấp cao đã đầu hàng của nhóm cho biết họ có khoảng 40.000 người, bao gồm các chiến binh, thành viên trong gia đình và những người bị bắt giữ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.