Trong mùa hè đặc biệt này, các bạn trẻ dù biết rõ nguy cơ bị lây nhiễm nhưng vẫn cố gắng làm tình nguyện với mong muốn góp chút sức để đẩy lùi dịch Covid-19.
Đánh bại Covid-19
Vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT hồi cuối tháng 7, Trịnh Văn Phi, tân sinh viên Trường ĐH FPT, tham gia “Đội phản ứng nhanh” phòng chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương.
Sau hai tháng thực hiện công tác chống dịch, Phi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đau họng, nhức mỏi, hụt hơi..., khi test nhanh cho kết quả dương tính. Không chỉ riêng Phi, có 6 thành viên khác trong đội tình nguyện viên mắc Covid-19.
“Đồng đội lần lượt bị lây nhiễm, mình trằn trọc không ngủ được vì sợ bị nhiễm bệnh và cuối cùng mình cũng không tránh khỏi điều đó. Tuy nhiên, khi nghĩ tới những lần mình thường động viên an ủi bệnh nhân, bản thân mình cảm thấy tự tin và lạc quan hơn để chiến đầu với Covid-19”, Phi chia sẻ.
|
Nhìn những bệnh nhân khác trong khu cách ly tập trung bệnh trở nặng, thở máy oxy, cấp cứu, Phi bộc bạch: “Mình cảm thấy lo sợ, không phải vì sợ lây bệnh, mà sợ đại dịch này thật ác độc. Nó đã cướp mất đi thời gian, sinh mệnh, hạnh phúc của biết bao gia đình”. Thế nên, anh đã cố gắng chiến đấu với Covid-19 từng ngày để sớm bình phục và được quay trở lại cùng đồng đội hỗ trợ chống dịch.
Sau 11 ngày chiến đấu với Covid-19 trên giường bệnh, Phi có kết quả xét nghiệm âm tính, được xuất viện về nhà và tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày. Vượt qua Covid-19, tình nguyện viên này tiếp tục tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng và đến hết tháng 9 sẽ hoàn thành nhiệm vụ chống dịch.
Với Phi, mùa hè năm nay được tham gia hỗ trợ chống dịch là một dấu mốc khó quên trong cuộc đời mình vì bản thân đã làm một việc ý nghĩa cho xã hội.
|
Trực tổng đài tại nhà
Không thể xông pha trực tiếp nơi tuyến đầu chống dịch, một số bạn trẻ tham gia trực tổng đài tại nhà để hỗ trợ người dân vùng dịch.
Chẳng hạn, Nguyễn Hòa Kim Thái, sinh viên năm 2 Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, đã đăng ký tham gia dự án “Tổng đài 1022 nhánh số 4” hỗ trợ tiếp nhận các yêu cầu về y tế, lương thực, thực phẩm và tài chính của người dân TP.HCM trong mùa dịch.
Nữ sinh viên chia sẻ có lúc lắng nghe những cuộc gọi mà cả nhà 6 người đều là F0 hay trường hợp khẩn cấp hoặc những cuộc “tâm sự” kéo dài từ 10 - 15 phút về hoàn cảnh quá khó khăn trong mùa dịch và thậm chí có một số người dân bức xúc to tiếng.
|
Lúc cao điểm, các cuộc gọi cứ ập đến liên tục với những ca khó nhằn khiến các tình nguyện viên như Thái cũng khá áp lực dù đã được hướng dẫn và động viên tinh thần thường xuyên…
Một lần, Kim Thái nhận được cuộc gọi cấp cứu khẩn cấp, đầu dây bên kia hỏi: “Bây giờ có thể cấp cứu cho bà ngoại lớn tuổi ở nhà hay không?”. Cô vội vàng hướng dẫn trong thời gian đợi xe cấp cứu cho bà, nên cách ly người bệnh ở phòng riêng để tránh lây nhiễm cho tất cả thành viên còn lại. Nữ tình nguyện viên 19 tuổi sửng sốt hơn khi nghe: “Tất cả thành viên trong gia đình đều bị dương tính hết rồi”.
Nghe những câu chuyện đau xót mùa dịch lúc trực đường dây nóng, Kim Thái thương cảm và đã tự bỏ ra khoản tiền nhỏ giúp một trường hợp gọi lên tổng đài cầu cứu vì hiện tại không có tiền chạy thận. Cô bày tỏ: “Mình cảm thấy vui, nhẹ lòng hơn khi hỗ trợ mọi người. Dù sinh viên không có nhiều tiền nhưng ngay thời điểm đó là cách duy nhất mà mình giúp họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn này”.
Đối với các bạn trẻ, mùa hè tình nguyện năm nay thật đặc biệt với những kỷ niệm khó quên. Mỗi bạn trẻ là mỗi trái tim cống hiến, dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.
Bình luận (0)