Dự án nước sẽ giúp Trung Quốc phát triển 'Vành đai và Con đường' ở Thái Lan?

Văn Khoa
Văn Khoa
30/09/2021 18:00 GMT+7

Chính quyền Bangkok được cho là đang mở đường cho doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tham gia dự án chuyển hướng dòng nước ở Thái Lan, dự án có thể trở thành bàn đạp cho sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo Nikkei Asia mới đây, nghị sĩ Veerakorn Kamprakob thuộc đảng Palang Pracharath cầm quyền ở Thái Lan, cho hay một trong 5 doanh nghiệp nhà nước hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực xây đập lớn đã quan tâm đến dự án chuyển dòng nước sông Yuam ở phía tây Thái Lan, gần biên giới giáp với Myanmar.
Ông Veerakorn chưa tiết lộ tên của doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng thừa nhận ông đã thông tin cho Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và Phó thủ tướng Prawit Wongsuwan về mối quan hệ của mình với doanh nghiệp đó. Ông Veerakorn cho biết thêm: “Công ty đó lần đầu liên lạc với tôi cách đây khoảng 1 hoặc 2 năm”.

Giảm chi phí đáng kể?

Ông Veerakorn tiết lộ thông tin trên không lâu sau khi Cục Môi trường quốc gia thuộc chính phủ Thái phê chuẩn việc đánh giá tác động môi trường (EIA) của dự án chuyển hướng dòng nước sông Yuam.
Dự án này gồm có công trình xây dựng một đập cao 69 m, chắn ngang sông Yuam để tạo một hồ chứa và công trình xây dựng đường hầm dài 61 km nằm dưới khu rừng để chuyển nước đến hồ chứa Bhumibol, cách thủ đô Bangkok khoảng 480 km về phía bắc.
Đây là dự án chuyển dòng nước đầu tiên ở Thái Lan, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu về nước ngày càng tăng của người dân, nhưng ý tưởng về dự án không mới. Ý tưởng được đưa ra lần đầu tiên vào thập niên 1990 và đã được xem xét nhưng không có tiến triển do chi phí quá lớn. Vào thời điểm đó, Cục Thủy lợi hoàng gia Thái Lan ước tính kế hoạch chuyển dòng nước sông Yuam sẽ ngốn kinh phí lên tới 70 tỉ baht (2,1 tỉ USD) và mất 7 năm để thực hiện.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha chào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp song phương tại Diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh vào tháng 4.2019

Reuters

Trong khi đó, phía Trung Quốc muốn tham gia dự án chuyển dòng nước sông Yuam, đưa ra một kế hoạch thực hiện dự án với kinh phí 40 tỉ baht chỉ trong 4 năm, theo ông Veerakorn.
“Nếu Trung Quốc thực hiện dự án này cho chúng ta, chúng ta không phải bỏ ra một đồng nào… Nếu Trung Quốc muốn thực hiện dự án, chúng ta nên để họ làm việc đó”, trang tin TransborderNews của Thái Lan dẫn lời ông Veerakorn.
Vào ngày 20.9, khoảng một tuần sau khi Cục Môi trường quốc gia phê chuẩn EIA, Cục Thủy lợi hoàng gia đã nhanh chóng kêu gọi các nhà tư vấn đấu thầu dự án chuyển dòng nước sông Yuam, theo Nikkei Asia. Chính phủ Thái Lan muốn dự án được thực hiện bởi một liên doanh, gồm có chính phủ và ngành tư nhân. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Trung Quốc tham gia.

“Bài học cho người Trung Quốc”

Tuy nhiên, tại một hội thảo đánh giá dự án chuyển hướng dòng nước sông Yuam diễn ra vào giữa tháng 9, một chuyên gia về nguồn nước lập luận dự án ngốn nhiều tiền này có thể được thay thế bằng một giải pháp khác ít tốn kém hơn. Đó là chấm dứt tình trạng rò rỉ nghiêm trọng trong hệ thống nước hiện nay.
“Khi Cục Thủy lợi Hoàng gia bơm 100% nước từ đập, 40% lượng nước đó bị mất trong lúc được chuyển từ đường ống”, ông Sitang Pilailar, chuyên gia tại khoa kỹ thuật nguồn nước thuộc Đại học Kasetsart ở Bangkok, phát biểu tại hội thảo.
Nhận định mang tính phản đối như trên của ông Sitang sẽ là trở ngại mà doanh nghiệp Trung Quốc được nghị sĩ Veerakorn đề cập không thể phớt lờ, khi xem xét những rắc rối  đối với một số công ty Trung Quốc có mặt ở Thái Lan thông qua dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường.
Vào năm 2017, Công ty Xây dựng điện của Trung Quốc bị buộc phải dừng dự án xây một nhà máy điện than 32 tỉ baht ở miền bắc Thái Lan do gặp phải sự phản đối từ cấp cơ sở.
 

[VIDEO] Iran ký thỏa thuận với Trung Quốc, tham gia dự án Vành đai và Con đường

Tương tự, dự án đường sắt cao tốc Thái Lan-Trung Quốc với vốn đầu tư 9,9 tỉ USD gặp không ít trở ngại, trong đó có việc xem xét kỹ lưỡng từ giới chức thuộc Bộ Giao thông Thái Lan đã dẫn tới gần 30 vòng đàm phán để làm rõ các vấn đề. Đến tháng 3.2021, hai bên mới ký được một thỏa thuận xây dựng 251 km đường sắt.
“Dự án đường sắt cao tốc mang lại cho phía Trung Quốc bài học làm việc với người Thái. Chính phủ có thể hoan nghênh họ, nhưng bộ máy quan liêu sẽ làm chậm mọi việc. Trung Quốc không có nhiều ảnh hưởng ở Thái Lan, không giống như ở Lào và Campuchia”, ông Ruth Banomyong, trưởng khoa kinh doanh quốc tế, hậu cần và vận tải thuộc Đại học Thammasat ở Bangkok, bình luận, theo Nikkei Asia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.