Một vành đai - Một con đường của Trung Quốc bị thách thức

27/09/2021 07:30 GMT+7

Không chỉ “bộ tứ an ninh” gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ, mà Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã đề ra các chương trình hỗ trợ phát triển hạ tầng nhằm thách thức chương trình Một vành đai - Một con đường mà Trung Quốc đang thực hiện.

Trong thông cáo chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 25.9 (theo giờ Việt Nam), nhóm “bộ tứ an ninh” đã công bố một nội dung quan trọng là phối hợp hỗ trợ xây dựng các hạ tầng tiêu chuẩn cao trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Đây là nội dung mà “bộ tứ” từng đề cập trong thời gian qua.

Cạnh tranh bằng hạ tầng tiêu chuẩn cao

Thông cáo nêu: “Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực về cơ sở hạ tầng của G7 và mong muốn hợp tác với các đối tác cùng chí hướng, bao gồm EU. Chúng tôi xác nhận lại các nguyên tắc đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng của G20 và sẽ thúc đẩy nỗ lực của chúng tôi để cung cấp cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao ở Indo-Pacific”. Theo nội dung này, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển hạ tầng chất lượng cao ở khu vực, “bộ tứ” cũng ủng hộ các chương trình liên quan của EU.
Nhận xét trong bài phân tích gửi đến Thanh Niên, chuyên gia Jonathan E.Hillman, Giám đốc dự án Kết nối châu Á - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), cho rằng: “Việc nâng cao cơ sở hạ tầng như một lĩnh vực ưu tiên có ý nghĩa kinh tế và chính trị. Đó là điều mà thế giới mong muốn, đặc biệt là các nước đang phát triển ở khu vực Indo-Pacific. Cách thức này củng cố uy tín của “bộ tứ” trong việc tập trung vào các giải pháp hữu hình cho những thách thức tập thể. Và việc tập trung vào “cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao” tạo ra sự tương phản ngầm với chương trình Một vành đai - Một con đường (BRI) của Trung Quốc”.

Cho vay minh bạch, phối hợp đa phương

Không chỉ nhấn mạnh hạ tầng tiêu chuẩn cao, tuyên bố chung của “bộ tứ” còn khẳng định: “Tầm quan trọng của việc hỗ trợ các hoạt động cho vay cởi mở, công bằng và minh bạch phù hợp với các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế đối với các quốc gia chủ nợ lớn”. Nội dung này thể hiện sự đối trọng với các chính sách cho vay của Trung Quốc. Bởi thời gian qua, nhiều cảnh báo đã được đưa ra về các “bẫy nợ” mà Bắc Kinh “cài cắm” trong các thỏa thuận cho nước khác vay để phát triển hạ tầng.

Hội nghị thượng đỉnh "bộ tứ" diễn ra tại Nhà Trắng

Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, tuyên bố chung của “bộ tứ” còn nêu: “Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực về cơ sở hạ tầng của G7 và mong muốn được hợp tác với các đối tác cùng chí hướng, bao gồm cả với Liên minh Châu Âu”.
Như vậy, tuyên bố trên nhằm gửi đi thông điệp về việc Mỹ - Nhật - Úc - Ấn ủng hộ các chương trình và sáng kiến của G7 về phát triển hạ tầng. Trong hội nghị thượng đỉnh của nhóm diễn ra hồi tháng 6 vừa qua tại Anh, G7 đã vạch ra Sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W) nhằm đối trọng với BRI của Trung Quốc. Và mới đây, khi công bố chiến lược Indo-Pacific, EU cũng đã đề ra chương trình Global Gateway (tạm dịch là “Cửa ngõ toàn cầu) với nội dung EU muốn “đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng, kết nối hàng hóa, con người và dịch vụ trên khắp thế giới”, “áp dụng cách tiếp cận dựa trên giá trị, cung cấp sự minh bạch và quản trị tốt cho các đối tác”. Qua đó, EU khẳng định chương trình Global Gateway là nhằm “tạo liên kết chứ không phải phụ thuộc”.
Như thế, cả “bộ tứ” lẫn EU đều tập trung cạnh tranh với BRI bằng tiêu chuẩn cao và cho vay minh bạch - đều là đối trọng chủ đạo khi BRI thường xuyên bị chỉ trích về chất lượng và “bẫy nợ”. B3W của G7 cũng đặt ra các biện pháp tương tự quan điểm của “bộ tứ” và EU”.
Trong khi đó, qua bài phát biểu tại kỳ họp thường niên của Đại hội đồng LHQ ngày 21.9, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc, tuyên bố nước này sẽ không xây dựng dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài. Điều này được hiểu như một biện pháp của Bắc Kinh nhằm giảm bớt các tai tiếng về hạ tầng chất lượng thấp, trước sức ép cạnh tranh từ “bộ tứ” và EU.
Tàu sân bay Mỹ trở lại Biển Đông

Tàu USS Ronald Reagan ở Biển Đông ngày 24.9

ẢNH: HẢI QUÂN MỸ

Hải quân Mỹ mới đây thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan đã trở lại Biển Đông sau khi hoàn tất các hoạt động ở Trung Đông. Đây là lần thứ 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan hoạt động ở Biển Đông trong năm nay. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua cảnh báo tình hình ở eo biển Đài Loan “phức tạp và nghiêm trọng”, theo Reuters. Cảnh báo được đưa ra trong thư ông Tập gửi chúc mừng cựu Thị trưởng TP.Tân Bắc (Đài Loan) Chu Lập Luân được bầu làm lãnh đạo của Quốc dân đảng (KMT) ngày 25.9. Trong thư, ông Tập bày tỏ hy vọng đảng Cộng sản Trung Quốc và KMT có thể hợp tác về “việc tìm kiếm hòa bình ở eo biển Đài Loan” và “tìm cách tái thống nhất quốc gia”.
Văn Khoa
Nhiều bên cùng có lợi
Trong hội nghị thượng đỉnh vừa qua, “bộ tứ” đã có chuyển biến tốt khi đưa ra các bước đi tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Tất cả các nước đều có thể đạt được lợi ích từ việc các thành viên của “bộ tứ” với các đối tác cùng tăng cường tham gia một cách sáng tạo và quyết tâm. Nhiều bên được hưởng lợi từ các sáng kiến y tế và công nghệ mà “bộ tứ” vừa đưa ra trong tuyên bố chung.
Tuy nhiên, nhóm Mỹ - Nhật - Úc - Ấn dường như chưa đi đủ xa. Các bước phát triển và sáng kiến về an ninh, y tế và công nghệ là đáng giá, nhưng cần được củng cố bằng cam kết kinh tế. Điều đó có nghĩa là các thành viên của “bộ tứ” cần tham gia nhiều hơn vào các thỏa thuận kinh tế và thương mại khu vực. Điển hình như Ấn Độ tham gia RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) và Mỹ nên tham gia CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).
GS John Blaxland (Giám đốc Viện Đông Nam Á - Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược, Đại học Quốc gia Úc)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.