Trông người lại ngẫm đến ta

03/08/2021 08:44 GMT+7

Olympic Tokyo 2020 đã để lại nhiều dư vị đắng cho thể thao Việt Nam khiến cho người hâm mộ cảm thấy hụt hẫng khi chứng kiến những màn tranh tài của 18 đại diện cho đất nước tại ngày hội lớn thể thao thế giới 4 năm mới có 1 lần.

Gần như không có một kết quả nào tạo nên sự hy vọng khấp khởi cho tương lai. Bởi hầu hết đều không vượt qua chính mình, không thắng được thông số tập luyện hoặc thi đấu trước đó, nói thẳng ra là chơi kém về phong độ, bất ổn về tâm lý và thiếu sự chuẩn bị thật nghiêm túc cho đấu trường lớn này.
Hãy nhìn sang các nước Đông Nam Á. Họ cũng dịch bệnh diễn biến phức tạp như Việt Nam, cũng phải giãn cách, cũng không đủ thời gian chuyên sâu cho lực lượng thể thao đến Olympic, nhưng cả Thái Lan, Philippines và mới nhất hôm qua là Indonesia đều có huy chương vàng, còn Malaysia cũng đã có huy chương đồng. Tất cả là do họ xác định đúng định hướng đầu tư, chỉ cần tập trung vào các môn mũi nhọn như cử tạ, taekwondo, cầu lông… phù hợp với thể trạng, tầm vóc, hạng cân nhẹ của người Đông Nam Á.
Bên cạnh đó từng huấn luyện viên, vận động viên các môn được kỳ vọng của những nước này có những nỗ lực sáng tạo trong suốt thời gian qua nên gặt hái được thành quả. Như VĐV cử tạ người Philippines Hidilyn Diaz, người có thành tích phá kỷ lục Olympic, đoạt huy chương vàng ở hạng cân 55 kg khi dịch bệnh bùng phát khắp đất nước không có dụng cụ tập luyện trong suốt mùa dịch. Nhưng cô gái từng 4 lần dự Olympic này đã sáng chế một dụng cụ hết sức đơn giản đó là một thanh tre xuyên qua hai đầu hai thùng nước, cử giật và cử đẩy hằng ngày vừa giữ vững kỹ thuật vừa xua tan cảm giác bí bách. Nhờ đó mà Hidilyn rèn cho mình sức chịu đựng, tải trọng nâng lên đặt xuống thường xuyên mỗi ngày với động tác thuần thục và sự sáng tạo đó góp phần giúp Philippines có HCV lần đầu tiên sau 67 năm chờ đợi, phần thưởng dành cho cô cũng vô cùng xứng đáng với hai căn hộ và 660.000 USD.

Cách tự tập luyện của Hydilyn Diaz

FC NV

Cách tự tập luyện này đã thể hiện tinh thần vượt khó, không bao giờ chịu từ bỏ trước mọi khó khăn của những tài năng thể thao khu vực. Họ từng gục ngã hoặc chưa chạm huy chương ở những kỳ Olympic trước, nhưng “thua ở đâu thì đứng dậy ở đó”, họ đã biết vươn lên để chiến thắng nghịch cảnh. Thêm vào đó là những khích lệ, động viên kịp thời từ ngành TDTT của các quốc gia này giúp họ từng bước tạo nên sức bật, lập kỳ tích tại Olympic.

VĐV Thái Lan giành HCV Taekwondo nữ

Reuters

Trong khi đó thể thao Việt Nam liệu có bao nhiêu tài năng đã biết cách đứng dậy từ những thất bại trước đó? Câu trả lời là rất ít bởi họ thiếu được quan tâm, chăm sóc, đầu tư thì nhỏ giọt theo kiểu “được chăng hay chớ”, nên cũng đánh mất đi sự nỗ lực và sáng tạo, vượt khó cho chính bản thân mình. Ngay khi thất bại tại Olympic thì một trong những lý do là đổ do dịch bệnh nên sự chuẩn bị chưa tốt khiến cho tâm lý một số VĐV Việt Nam dù được kỳ vọng nhưng lại rất thất thường. Cách giải thích này thực sự rất khó được chấp nhận. Thế nên cứ mỗi kỳ Olympic qua đi “trông người rồi ngẫm lại ta” thì thấy thể thao nước nhà luôn đọng lại những câu hỏi đầy nhức nhối mà chẳng biết đến bao giờ mới tiến bộ được?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.