Có thể phải tập đêm, hlv không được chỉ đạo trực tiếp
Một lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết: “Thông thường trước một kỳ đại hội thể thao lớn, chúng tôi vẫn cử đoàn tiền trạm đến nước chủ nhà để nắm tình hình ăn ở, tập luyện… Tuy nhiên, trước Olympic 2020 thì không thể cử ai sang Nhật Bản vì khó khăn từ khâu di chuyển cho đến nhiều yếu tố khác. Chúng tôi khá lo lắng khi đến thời điểm này phía bạn mới chỉ thông báo các vấn đề về y tế để phòng chống Covid-19, còn các thông tin khác liên quan đến chuyên môn thi đấu hay một số vấn đề quan trọng khác vẫn chưa có kịch bản cụ thể, rõ ràng”.
Dự kiến 8 thành viên của đội cử tạ, bơi, quyền anh, cầu lông sẽ bay từ TP.HCM ra Hà Nội vào 17 giờ ngày 18.7, nối chuyến cùng đoàn Việt Nam di chuyển sang Tokyo vào 23 giờ 20 cùng ngày trên chuyến bay của hãng hàng không Nhật Bản. Đoàn có mặt tại nước bạn vào 6 giờ 30 sáng 19.7. Riêng chuyên gia đội taekwondo và VĐV Trương Thị Kim Tuyền sẽ bay từ nơi tập huấn là Kazakhstan. Cả đoàn đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 và 3 ngày trước khi bay, mỗi thành viên phải xét nghiệm PCR thêm 3 lần nữa.
Vì đoàn thể thao Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có nguy cơ mắc Covid-19 cấp độ 2 nên khi đến Nhật Bản sẽ được cách ly 3 ngày tại làng VĐV (các đoàn ở cấp độ 1 sẽ sang sớm hơn và cách ly 14 ngày). Tuy nhiên, đoàn Việt Nam cũng có thể bị nâng cấp độ nếu như ban tổ chức thấy cần thiết. Thậm chí vì ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh mà cơ quan chức năng tại Nhật Bản còn có quyền từ chối nhập cảnh và lưu trú tại Nhật Bản mà không cần đưa ra lý do.
Đoàn Việt Nam sẽ phải tuân thủ một loạt quy định khắt khe khác. HLV đội thể dục dụng cụ Trương Minh Sang cho biết: “Chúng tôi sẽ được xét nghiệm Covid-19 liên tục trong quá trình tham dự Olympic, không tiếp xúc gần, không giao lưu với bất kỳ ai, ăn tại làng VĐV theo giờ cố định và không chung với đoàn khác. Thậm chí có thể sẽ phải ăn ngay tại phòng nếu như tình hình trở nên phức tạp”.
Hiện tại đoàn Việt Nam vẫn chưa biết có được tập hay không vì chưa được thông báo kế hoạch tập cũng như giờ giấc tập. Nếu có, có thể sẽ phải tập vào ban đêm để không chung với đoàn khác. Tuyệt đối không được ra khỏi làng VĐV (trừ lúc thi đấu và đi tập, nếu được) khi chưa được sự cho phép bằng văn bản của BTC. Đoàn Việt Nam sẽ chỉ được phép đến 11 địa điểm thi đấu của 11 môn mà Việt Nam tham dự. Đặc biệt, ở thời điểm thi đấu lãnh đội có thể sẽ không được phép có mặt ở nhà thi đấu. HLV tuy được vào nhà thi đấu nhưng phải ngồi trên khán đài, không được đứng gần VĐV để chỉ đạo như trước đây.
Vượt khó !
Thể thao Việt Nam tham dự Olympic 2020 với 18 VĐV ở 11 môn thể thao, trong đó, theo Trưởng đoàn Trần Đức Phấn, hy vọng lớn nhất được đặt vào Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên đều của môn cử tạ.
Thủ tướng gặp mặt động viên các VĐV dự OlympicChiều 13.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc làm việc với Bộ
VH-TT-DL về công tác thể dục thể thao và gặp mặt một số vận động viên (VĐV) tiêu biểu, đại diện đoàn thể thao VN tham dự Olympic Tokyo 2020. Thủ tướng khen thưởng đội tuyển bóng đá nam vì những thành tích xuất sắc trong thời gian vừa qua và động viên, khuyến khích đoàn VĐV VN chuẩn bị lên đường tham dự Olympic Tokyo 2020. Thủ tướng mong các VĐV thi đấu hết mình với tinh thần thể thao cao thượng, vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc, thể hiện ý chí, bản lĩnh vượt qua khó khăn, lấy khó khăn, thách thức làm động lực phấn đấu, vươn lên, khẳng định và trưởng thành; đồng thời nhắc lại rằng người dân cả nước rất hài lòng khi các cầu thủ bóng đá nam đã thi đấu với ý chí kiên cường trong trận đấu cuối cùng tại vòng loại World Cup thứ hai vừa qua.
Thủ tướng nhấn mạnh, “dân cường thì quốc thịnh”, chủ trương rất rõ của Đảng, Nhà nước là không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho con người, trong đó có việc chăm sóc, rèn luyện sức khỏe của người dân.
Cùng ngày, tại lễ xuất quân của đoàn thể thao VN dự Olympic 2020, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Olympic là một đấu trường quyết liệt, vì vậy tôi mong toàn thể cán bộ, HLV, VĐV của đoàn thể thao VN ý thức đầy đủ về trách nhiệm cũng như niềm vinh dự mà Tổ quốc trao cho. Tôi tin tưởng với sự chuẩn bị chu đáo và sự quyết tâm cao, thể thao VN sẽ giành được kết quả tốt nhất tại đại hội lần này”.
Chí Hiếu - Trung Ninh
|
Khó khăn của 2 đô cử Việt Nam là không có được sự chuẩn bị tốt nhất vì dịch bệnh Covid-19. Sau giải cử tạ châu Á hồi tháng 4 cũng là vòng loại Olympic, Thạch Kim Tuấn phải cách ly y tế gần 30 ngày trong khi Hoàng Thị Duyên cách ly đến 42 ngày, ảnh hưởng lớn đến việc tập luyện.
Dịch bệnh cũng khiến kình ngư Nguyễn Huy Hoàng không thể tham dự các giải quốc tế để đánh giá rõ hơn về bản thân cũng như đối thủ. Tuy nhiên, Huy Hoàng đặt ra mục tiêu vượt qua thành tích tốt nhất của bản thân là tấm HCB tại ASIAD 18. Huy Hoàng là VĐV Việt Nam tham dự nhiều nội dung nhất ở Olympic 2020 khi đạt 2 chuẩn A ở cự ly 800 m, 1.500 m tự do và 2 chuẩn B ở cự ly 200 m, 400 m tự do.
Đã từng giành HCV, HCB tại Olympic 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh được lựa chọn là VĐV bắn súng duy nhất của thể thao Việt Nam dự Olympic theo suất mời của Liên đoàn Bắn súng thế giới. Trong các buổi tập luyện và kiểm tra gần đây, nhà vô địch Thế vận hội đều đạt 580 - 582 điểm nội dung súng ngắn hơi nam - thành tích có thể vào được đến chung kết ở Olympic năm nay.
Bình luận (0)