Đây là tín hiệu đáng lo và đặt ra cho ông Park Hang-seo cùng các học trò ở tuyển Việt Nam bài toán phải làm sao để tránh những sai số, dẫn đến bàn thua rất đáng tiếc.
4 trận, 5 tình huống dính phạt đền
Theo thống kê sơ bộ của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), sau 8 lượt trận của vòng loại thứ 2 World Cup 2022 và 2 lượt trận đầu tiên của vòng loại thứ 3, hai đội tuyển Nhật Bản và Oman cùng 1 lần bị phạt đền. Các đội còn lại gồm Ả Rập Xê Út, Trung Quốc, Úc (chung bảng B với đội Việt Nam); đội Iran, Hàn Quốc, UAE, Iraq, Syria, Li Băng (các đội bảng A) đều chưa bị một lần nào.
Còn đội tuyển Việt Nam, tổng cộng sau 10 lượt trận như vừa nói ở trên, có 4 trận bị thổi phạt đền, trong đó riêng trận gặp đội Ả Rập Xê Út ngày 2.9.2021, có 2 tình huống bị trọng tài chỉ tay vào chấm phạt đền. Tình huống thứ nhất là Duy Mạnh dù không cố tình nhưng khi cản phá cú sút của đội bạn trong vòng cấm đã để bóng chạm tay. Đội trưởng Ngọc Hải đã truy cản trái phép tiền vệ đội chủ nhà trong khu vực 16 m 50 nên cũng bị trọng tài chỉ tay vào chấm phạt đền. Hai tình huống dẫn đến 2 bàn thua của tuyển Việt Nam (chung cuộc đội khách thất bại 1-3). Năm 2019, tuyển Việt Nam cũng bị thổi phạt đền ở trận gặp đội Thái Lan trên sân Mỹ Đình. Năm 2021, trận gặp đội Malaysia và sau đó trận gặp đội chủ UAE, tuyển Việt Nam lần lượt bị 2 quả phạt đền do lỗi của Văn Hậu, Tấn Trường.
Khi được hỏi về những sai số này, ông Park đã lý giải phần nào nguyên nhân: “Rất khó trả lời chính xác tại sao chúng ta hay bị phạt đền. Có lẽ do thói quen về phòng ngự từ thời mà các cầu thủ còn nhỏ. Ngoài thói quen, còn lý do nữa là tuyển Việt Nam bị các đối thủ tạo áp lực lớn. Khi bị đè nén như vậy thì các cầu thủ sẽ phản ứng lại. Khi thực hiện hành động phòng ngự trong bối cảnh bị gây sức ép, tuyển Việt Nam hạ thấp đội hình và dễ bị thổi phạt đền”.
|
“Phải biết cảnh báo đồng đội”
Cựu hậu vệ Trần Công Minh, người thời còn khoác áo tuyển Việt Nam chưa bao giờ phạm lỗi trong vòng cấm dẫn đến việc đội mình bị phạt đền, chia sẻ: “Có nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan khiến một đội bóng bị thổi penalty. Trong đó phải tính cả yếu tố không may mắn nữa vì đôi khi tình huống phụ thuộc vào cách nhìn của trọng tài. Nhưng quan trọng hơn cả là khi xử lý trong vòng 16 m 50 của đối phương, bất kỳ cầu thủ nào của đội tấn công cũng phải hết sức thận trọng, đặc biệt lưu ý cánh tay của mình, bàn tay của mình phải để ở tư thế phù hợp để kể cả trong trường hợp mình có tranh chấp, bộ phận cơ thể cũng không dễ bị bóng dính vào. Sự phán đoán ở những pha bóng trong vòng cấm phải hết sức nhạy bén, tập trung cao độ vì chỉ cần trong tích tắc để xảy ra sơ sót, chúng ta có thể phải trả giá đắt. Trong việc đào tạo cầu thủ trẻ ở Việt Nam, luôn chỉ bảo rất kỹ cách phòng tránh bị thổi phạt đền. Thế hệ tôi đã được các HLV hướng dẫn tỉ mỉ phải chơi như thế nào khi bóng ở khu vực nhạy cảm”.
Cựu tuyển thủ Trần Công Minh lưu ý thế hệ hiện tại rằng, luật bóng đá liên tục được Liên đoàn Bóng đá thế giới cập nhật, thay đổi theo hướng khắt khe hơn nên cầu thủ càng phải đặc biệt thận trọng để không vi phạm, nhất là ở những tình huống tranh chấp ở vòng cấm. Sự phối hợp giữa các vị trí ở khu vực này cần phải được thực hiện ăn ý hơn, chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo sự an toàn cao hơn. Nên liên lạc với nhau liên tục, để “thức tỉnh”, cảnh báo đồng đội. Khi được đồng đội liên lạc để báo có bọc lót phía sau, cầu thủ sẽ có cảm giác yên tâm, tự tin, không phá bóng kiểu bằng mọi giá, rất nguy hại. Khi có sự kết hợp chặt chẽ, tình huống xử lý có thể chậm lại một nhịp mà vẫn an toàn.
Cũng chưa phạm lỗi ở vòng cấm và chưa để đội HAGL hay tuyển Việt Nam bị dính phạt đền thời còn làm cầu thủ, cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng nói: “Thường thì chúng ta hay bị phạt đền khi đối đầu với những đội mạnh hoặc có trình độ cân bằng. Vì thế trong thời gian tới, khi tiếp tục đối mặt với những đội tuyển rất giỏi của châu Á, tuyển Việt Nam nên phát huy tính tổ chức trong phòng ngự như ở trận gặp đội Úc. Phòng ngự chiều sâu thì đối thủ không có nhiều kẽ hở để đưa bóng vào vòng cấm. Sự rủi ro cũng bị giảm thiểu ít nhiều. Khi các tiền vệ, tiền đạo lùi sâu về tham gia phòng ngự, các trung vệ và hậu vệ sẽ đỡ vất vả hơn, đỡ bị đặt vào những tình huống nhạy cảm hơn. Các biện pháp ngăn chặn quyết liệt từ xa, bao gồm cả những “tiểu xảo” trong phạm vi cho phép cũng có thể nên được sử dụng ở những tình huống cần thiết”.
Bình luận (0)