Hack tài khoản cá nhân trên mạng là dịch vụ bị nghiêm cấm

04/10/2021 14:07 GMT+7

Dịch vụ hack tài khoản, cố tình xâm nhập trái phép vào tài khoản cá nhân của người khác trên không gian mạng là hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm.

Dù là hành vi hack tài khoản người khác bị nghiêm cấm nhưng dạo một vòng trên mạng xã hội hoặc tìm trên Google, dịch vụ hack tài khoản Facebook, Zalo vẫn được rao, quảng cáo công khai.

Một Fanpage quảng cáo về dịch hack tài khoản

CHỤP MÀN HÌNH

Chẳng hạn, vào Facebook, bạn chỉ gõ cụm từ “dịch vụ hack tài khoản”, thì rất nhiều trang Fanpage quảng cáo: hack tài khoản gmail; hack nick facebook zalo đọc trộm tin nhắn; hack facebook thành công 100%; hướng dẫn hack mật khẩu facebook người yêu;…

Tương tự, khi vào trang Goolge, tìm kiếm từ khóa "hack tài khoản" thì một loạt thông tin về dịch vụ hack tài khoản được xuất hiện trên Goolge.

Đột nhập website để tống tiền, Nhâm Hoàng Khang đối mặt mức án nào?

Tùy hành vi xử phạt hành chính hoặc hình sự

Với những hành vi hack tài khoản trên, theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM), tùy vào tính chất mức độ, hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Dịch vụ hack tài khoản được tìm thấy trên Facebook

CHỤP MÀN HÌNH

Về xử phạt hành chính, theo luật sư Chánh, hành vi hack tài khoản sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng.

Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác

“Theo quy định tại Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức”, luật sư Chánh nêu.

Công an TP.HCM nhận đơn tố cáo của NSƯT Đức Hải vụ 'Nhâm Hoàng Khang'

Về xử lý hình sự, luật sư Chánh nhấn mạnh hành vi cố ý xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác có dấu hiệu của tội “xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS).

Cụ thể, người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù cao nhất đối với tội danh này là phạt tù lên đến 12 năm.

Tùy hành vi có thể cấu thành nhiều tội danh khác nhau

Đồng tình, luật sư Nguyễn Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay hành vi hack tài khoản của người khác bị pháp luật nghiêm cấm.

Đối với trách nhiệm hình sự, theo luật sư Hùng, tùy từng hành vi cụ thể người có hành vi phạm tội có thể phải chịu trách nhiệm về tội phạm trong lĩnh việc công nghệ thông tin, mạng viễn thông, hoặc các tội xâm phạm sở hữu.

Chẳng hạn, luật sư Hùng đưa ra 3 tội danh mà người hack tài khoản người khác có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Gồm, tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác, theo quy định tại Điều 289 BLHS. Mức phạt cao nhất lên đến 12 năm tù. Ngoài ra người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 5 năm.

Hoặc tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 290 BLHS. Mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 5 năm hoặc mất một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trường hợp hack tài khoản người khác để chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 174 BLHS. Mức phạt cao nhất của tội này là tù chung thân. Ngoài ra người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 5 năm hoặc mất một phần hoặc toàn bộ tài sản.

“Cậu IT” Nhâm Hoàng Khang bị bắt

Trưa 4.10, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết Cục cảnh sát hình sự (C02) - Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Nhâm Hoàng Khang (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Nhâm Hoàng Khang khá nổi tiếng trong giới công nghệ, được cư dân mạng gọi bằng cái tên "Cậu IT".

Nguồn tin cho biết việc bắt giữ Nhâm Hoàng Khang thực hiện tại Cần Thơ. Hiện C02 đang điều tra làm rõ.

Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, bị can Khang đã có hành vi hack, xâm nhập vào một mạng máy tính liên quan đến cờ bạc, sau đó quay sang tống tiền đường dây này, nhận 400 triệu đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.